Sản phẩm lưu niệm du lịch: Nhìn đâu cũng thiếu

GD&TĐ - Một trong những hạn chế của du lịch Bắc Giang khiến du khách chưa thực sự hài lòng đó là thiếu vắng sản phẩm lưu niệm đặc trưng, hấp dẫn. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Bắc Giang đang tổ chức cuộc thi nhằm tìm kiếm sản phẩm lưu niệm phục vụ cho phát triển du lịch.

Sản phẩm lưu niệm du lịch: Nhìn đâu cũng thiếu

Chưa chuyên nghiệp

Ở hầu hết các khu, điểm du lịch trong tỉnh Bắc Giang ít nhiều đều bày bán sản phẩm, quà tặng lưu niệm song các mặt hàng còn đơn điệu, mẫu mã thiếu hấp dẫn, cách làm tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Trong đó chủ yếu là các nhóm sản phẩm đồ uống, thảo dược, bánh kẹo và nông sản, trong khi đó các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính chất lưu niệm chưa nhiều.

Do có sự tự phát nên các mặt hàng lưu niệm của tỉnh không đáp ứng các yêu cầu về xây dựng thương hiệu, hình ảnh, bao bì mẫu mã, địa chỉ rõ ràng. Nhiều mặt hàng cồng kềnh, khó bảo quản, vận chuyển như bánh đa Kế, rượu Làng Vân, vải thiều khô, mì Chũ… Một số sản phẩm du khách có nhu cầu cao như mật ong rừng Sơn Động, thảo dược hay thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số lại khó tìm vì không được bày bán phổ biến.

Ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, năm nay do huyện có cách làm sáng tạo trong việc khai thác thế mạnh độc đáo của địa phương, tổ chức các sự kiện văn hóa, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội đưa khách về Yên Thế nên lượng du khách tăng nhanh, nhất là tuyến Xuân Lương - Thác Ngà - Bản Ven.

Song hành với đó, các dịch vụ khá phát triển, trong đó có sản phẩm chè sạch bản Ven của nhân dân được tiêu thụ mạnh, có thời điểm không đủ để cung cấp cho du khách. Thậm chí nhiều đoàn khách mua cả chè vừa sao khô để thô và chưa kịp đóng gói.

Trong khi đó, do sản xuất quy mô nhỏ (toàn huyện hiện có hơn 500 ha chè) dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu, không đủ sản phẩm cung ứng cho khách du lịch, chưa nói đến thị trường bên ngoài.

Ghi nhận tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), lượng khách tăng mạnh qua các năm, nhất là dịp đầu xuân nhưng sản phẩm lưu niệm hầu như không có, chỉ có số ít quà tặng là nông sản gồm khoai lang được bán theo mùa vụ, tương La có bao bì đóng gói sơ sài, hình thức chưa thực sự bắt mắt, cộng thêm việc xây dựng thương hiệu ít được quan tâm.

Ngoài ra còn sản phẩm gốm làng Ngòi, tranh thêu khổ lớn của các nghệ nhân sáng chế mang biểu tượng chùa Vĩnh Nghiêm song do sản xuất đơn chiếc, giá thành cao dẫn đến khó tiêu thụ được số lượng lớn và chưa phù hợp với thị hiếu của du khách.

Tương tự, tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, sản phẩm lưu niệm, quà tặng vẫn chủ yếu là nông sản theo kiểu “mùa nào thức ấy” như khoai môn, bí đỏ, đu đủ... được người dân sản xuất tại chỗ hoặc thu gom các nơi lân cận về tiêu thụ, số khác là các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc nên thiếu tính đặc trưng.

Chờ những ý tưởng mới

Sản phẩm lưu niệm là một trong những nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Đây cũng là cơ hội tăng thu nhập cho nhân dân.

Trước thực trạng hạn chế kể trên, đầu năm 2017, tỉnh Bắc Giang phát động “Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch” song theo ghi nhận của Ban tổ chức (BTC) cuộc thi, đến nay số lượng tham gia còn hạn chế. Hiện mới có khoảng 10 sản phẩm của các tác giả đăng ký tham dự.

Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Giang chia sẻ: Theo kế hoạch, Ban tổ chức nhận sản phẩm dự thi đến hết tháng 9 và sẽ tổ chức chấm sơ khảo, trưng bày lấy ý kiến cán bộ, nhân dân trong tháng 10.

Để cuộc thi thu hút được nhiều ý tưởng độc đáo, có giá trị ứng dụng cao, BTC đã cam kết hoàn lại sản phẩm cho tác giả sau khi chấm xong (vì nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao). Đồng thời chỉ đạo các UBND các địa phương dựa trên tiềm năng thế mạnh của mình tự xây dựng các sản phẩm đặc trưng và gửi từ 3 - 5 sản phẩm dự thi về BTC.

Sở VH,TT&DL cũng thành lập tổ công tác liên hệ với các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, các nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc, mỹ thuật... nhằm vận động gửi sản phẩm dự thi.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phúc Thương, BTC không khuyến khích các sản phẩm dự thi mang tính ẩm thực mà đề cao sản phẩm có tính lưu niệm lâu dài gắn với chủ trương phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là sản phẩm tranh thêu tay, đồ bằng chất liệu gốm sứ, gỗ, đồng... có mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu du khách.

Sản phẩm dự thi phải thể hiện được nét đặc trưng, mang bản sắc văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của vùng đất, con người Bắc Giang, bảo đảm các điều kiện như: Dễ đóng gói, vận chuyển, an toàn cho sức khỏe con người, ưu tiên các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường...

Sau khi công bố giải thưởng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tham mưu cho tỉnh chính sách hỗ trợ ban đầu như vốn, kỹ thuật, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với một số phản phẩm có tính ứng dụng cao nhằm khuyến khích các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm đặc thù theo hướng đa dạng mẫu mã, chủng loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ