Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo Quyết định này, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt. Đây được coi là một trong những thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục trong năm nay.
Dư luận ghi nhận và đánh giá cao về sự thận trọng, nguyên tắc; quy trình thẩm định nghiêm ngặt, cách thức triển khai khoa học, khách quan, công khai, minh bạc. Nói như đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, việc thẩm định sách của Hội đồng không những khách quan, trung thực mà Hội đồng còn làm việc hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng.
Còn nhớ trước đó, có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề biên soạn sách giáo khoa. Thậm chí, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận rất kỹ về vấn đề sách giáo khoa và quy trình các bước lựa chọn sách. Phản biện có, đồng thuận có, song dù là ý kiến góp ý nào đi chăng nữa và được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào thì Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe, tiếp thu với tinh thần cầu kỳ thị nhất; bởi các ý kiến đóng góp chính là cơ sở giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện hơn về việc biên soạn cũng như quy trình thẩm định sách giáo khoa. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, sách giáo khoa là sản phẩm khoa học có tính chuẩn mực cao.
Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhận xét, sách giáo khoa lớp 1 lần này đã đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Luật Giáo dục năm 2019.
Như vậy, danh mục sách giáo khoa đã có, việc còn lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của các địa phương. Tất nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ có Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trao đổi với các nhà giáo mới thấy, họ rất có niềm tin vào lần đổi mới sách giáo khoa này. Với các nhà giáo, niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi hơn ai hết, họ chính là người trong cuộc nên hiểu những gì mà ngành Giáo dục đã và đang làm. Hơn nữa, không ai khác, họ cũng chính là một trong những đối tượng được thụ hưởng của lần đổi mới sách giáo khoa này.
Theo dự kiến, trong khoảng tháng 5, 6, 7 năm tới, sách giáo khoa lớp 1 sẽ về đến nhà trường và đến tay học sinh, phụ huynh. Thiết nghĩ, việc cần làm lúc này, ngoài việc tuyên truyền phổ biến cho đội ngũ giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới; các địa phương cần đẩy mạnh việc tập huấn về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Qua đó, để giáo viên có tâm thế vững vàng, tự tin dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Và chúng ta có niềm tin rằng, khi sách giáo khoa chính thức áp dụng vào thực tiễn, sẽ đáp ứng được kỳ vọng của đội ngũ nhà giáo, của phụ huynh và quần chúng nhân dân.