Dự án RGEP có 4 thành phần, gồm: Hỗ trợ phát triển chương trình; Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới; Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông; Quản lý, giám sát, đánh giá dự án.
Báo cáo tiến độ thực hiện dự án RGEP đến tháng 11/2019, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc RGEP – cho biết: Với thành phần 1 là hỗ trợ phát triển chương trình, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được ban hành. Riêng chương trình tiếng dân tộc thiểu số, ngày 13/9/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 946/KH-BGDĐT xây dựng chương trình Tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong sáng nay (25/11), các nhà khoa học, nhà giáo là thành viên Ban xây dựng chương trình môn Tiếng dân tộc thiểu số bắt đầu được tập huấn.
Về bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 200 báo cáo viên nguồn, 800 giảng viên sư phạm chủ chốt, 1028 cán bộ quản lý sở/phòng GD&ĐT, 640 giáo viên Lịch sử là tổ trưởng chuyên môn đã được bồi dưỡng; 6.360 tổ trưởng chuyên môn đang được tiếp tục bồi dưỡng, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2019.
Về sách giáo khoa, ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định số 4507/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; theo đó, có 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này.
Việc thẩm định các SGK lớp 2, 6 được tiến hành theo kế hoạch số 908 ngày 28/8/2019 của Bộ GD&ĐT, bao gồm các hoạt động chính: Chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu dành cho người tham gia thẩm định SGK; Tổ chức hội thảo-tập huấn cho người tham gia thẩm định các SGK lớp 2, 6; Tổ chức thẩm định SGK lớp 2, 6 (tiến hành tương tự như thẩm định SGK lớp 1).
PGS Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại phiên họp . |
Liên quan đến công việc dịch song ngữ và chuyển sang chữ nổi Braille SGK mới; cung cấp SGK cho các trường vùng khó khăn: Đã ban hành các kế hoạch dịch song ngữ và chuyển sang chữ nổi SGK mới; cung cấp SGK cho các trường vùng khó khăn. Đang tổng hợp danh sách các trường vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và số học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 để lập gói thầu cung cấp SGK lớp 1.
PGS Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã đồng ý kế hoạch học tập về khảo thí và phát triển chương trình giáo dục tại Hàn Quốc. Đang hoàn thiện kế hoạch tăng cường năng lực 2 trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và đánh giá quốc gia để trình Bộ GD&ĐT ban hành.
Về đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 5, 9, 12, đến nay đã hoàn thành thử nghiệm câu hỏi thi đối với 11 môn ở 3 khối lớp 5, 9, 12; báo cáo kết quả thử nghiệm; dự thảo bộ bảng hỏi khảo sát. Đang thương thảo hợp đồng với 4 chuyên gia tư vấn quốc tế để tập huấn về biên soạn câu hỏi thi.
Về đánh giá dạy học các lớp 3, 8 chương trình hiện hành định hướng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018: Đã hoàn thành xây dựng cấu trúc và ma trận kỹ thuật đề kiểm tra cho 2 bài kiểm tra đầu năm/cuối năm môn Toán, Tiếng Việt, Ngữ văn lớp 3, 8. Đang hoàn thiện chọn mẫu 200 trường thuộc 20 tỉnh, gồm 100 trường khảo sát và 100 trường đối chứng…
Phiên họp khởi động đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của WB với dự án RGEP. |
Cảm ơn các chuyên gia cao cấp của WB đã tham gia đoàn giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của dự án RGEP, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định: Với sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của WB, cũng như những nỗ lực của Bộ GD&ĐT, dự án đã từng bước có những tiến triển tích cực. Thứ trưởng đồng thời cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ GD&ĐT chia sẻ cụ thể về những vấn đề liên quan đến thực hiện dự án RGEP.
Bà Keiko Inoue – Phụ trách Chương trình phát triển con người, giới và việc làm của WB – ghi nhận những nỗ lực, tiến bộ của Dự án trong thời gian qua, đồng thời cũng nêu một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới và nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ của Dự án. “Có thể thấy sự gắn kết giữa các đơn vị chuyên môn của Bộ GD&ĐT và dự án RGEP. Tinh thần hợp tác, sự tham gia sâu rộng của các bên có sự khẳng định rất rõ ràng” – bà Keiko Inoue nhận định.