Sân khấu thử nghiệm: Đột phá hay đến hẹn… thì lên?

GD&TĐ - Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 – 13/10. Kỳ liên hoan thứ tư này đang thu hút sự chú ý với câu hỏi: Liệu rằng, công chúng sẽ được thưởng thức những tác phẩm sân khấu thử nghiệm của cả trong nước và thế giới mang tính đột phá hay chỉ là đến hẹn… thì lên?  

Vở kịch “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4. Ảnh: Bình Thanh.
Vở kịch “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4. Ảnh: Bình Thanh.

Xôm tụ ta - Tây

Theo thông tin từ ban tổ chức, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm nay khá xôm tụ các đoàn nghệ thuật ta – tây khi đón 8 đoàn quốc tế và 14 đoàn nghệ thuật trong nước.

Đây là những đoàn nghệ thuật đáp ứng được các tiêu chí của liên hoan và được hội đồng thẩm định của liên hoan chọn, trong đó các đoàn quốc tế được chọn từ 53 vở diễn, các đoàn Việt Nam được chọn từ 24 vở diễn.

Trong 8 đoàn quốc tế, chỉ có 3 cái tên quen thuộc tiếp tục đồng hành cùng liên hoan là đoàn Sanghai Huaiju Opera Troupe - Trung Quốc với vở “Câu chuyện về bức tranh cổ”, đoàn Tang Renaissance -Singapore với vở “Ngôi đền quỷ ám”, Nhà hát Thessaly - Hy Lạp với vở “Cánh đồng đẫm máu”.

5 cái tên còn lại đều rất mới, gồm: Đoàn Ayit - Israel với vở “Bpolar”, đoàn Kalyani Lamandalam - Ấn Độ với vở “Marbeth Mirror”, đoàn ChungMac Theatre Group - Hàn Quốc với vở “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, Nhà hát Maladype,

Budapest - Hungaria với vở “Tháng tám” và đoàn Tây Ban Nha với vở “Cái chết của Hamlet”. Thực ra, theo ông Lê Tiến Thọ, hội đồng thẩm định đã chọn 10 đoàn quốc tế nhưng 2 đoàn đã từ chối vì vấn đề kinh phí khó khăn còn đoàn Tây Ban Nha thì chưa có phản hồi cuối cùng.

Như vậy, về số vở diễn quốc tế tham gia liên hoan lần này giảm ít nhất 2 vở so với kỳ liên hoan trước đó. Trao đổi thêm về việc vì sao năm nay liên hoan thiếu vắng các đoàn nghệ thuật để lại ấn tượng tốt ở kỳ liên hoan trước như Nhật Bản, Đức, Panama…

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, hội đồng thẩm định không nhận được những tác phẩm phù hợp từ các đơn vị này.

Trong khi đó, nếu như kỳ liên hoan trước chỉ có 8 đoàn nghệ thuật trong nước tham gia thì năm nay tăng lên 14 đơn vị. Có thể thấy, về lực lượng biểu diễn cũng như số lượng các vở diễn tham gia liên hoan năm nay vượt trội so với năm 2016 khi có tới 22 vở diễn (năm 2016 có 16 vở diễn, tiết mục) và khoảng 100 nghệ sĩ quốc tế cùng tranh tài với hàng trăm nghệ sĩ Việt Nam.

Đột phá hay chỉ là đến hẹn… thì lên?

Từ việc đặt ra tiêu chí “thử nghiệm”, ban tổ chức tiếp tục kỳ vọng kỳ liên hoan này sẽ có nhiều vở diễn mang tới những đột phá về ngôn ngữ, hình thể, cấu trúc. Và, theo NSND Lê Tiến Thọ, đã là thử nghiệm thì phải tiên phong về sáng tạo một cách mạnh mẽ. Còn nếu sáng tạo hời hợt theo kiểu “bình cũ rượu mới” thì không thể gọi là thử nghiệm.

Nhìn vào những vở diễn sẽ “trình làng” trong suốt 10 ngày liên hoan ở khắp các điểm rạp tại Hà Nội như: Nhà hát Lớn, rạp Đại Nam, Nhà hát VOV, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, có thể thấy kỳ vọng tìm được sự đột phá ở các vở diễn là không nhiều. Cũng vì, nhiều người sẽ không khỏi e ngại khi “gặp lại” những cái tên rất quen như: “Dưới cát là nước”, “Macbeth Mirror”, “Ngôi đền quỷ ám”…

Cùng với đó, một số vở mới được dàn dựng và đã công diễn đến khán giả trong thời gian gần đây như “Mơ rồng”, “Ngàn năm mây trắng”, “Hà Nội của những giấc mơ”, “Huyền thoại Gò Ấp Rồng”... chưa thực sự gây được ấn tượng mạnh bằng những phá cách từ cách dàn dựng cho đến cấu trúc vở kịch hay ngôn ngữ thể hiện hoặc sử dụng tốt những thiết bị kỹ thuật hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0.

Có chăng những thử nghiệm ở các vở diễn này vẫn chỉ dừng lại trong việc tổng hợp các loại hình nghệ thuật trong cùng một vở diễn hoặc đầu tư trang phục đẹp… Có vở diễn, tiết mục cố gắng phối trộn công nghệ song có phần quá lạm dụng, vụng về.

Giữa bức tranh chung ấy, một số vở diễn như “Thân phận nàng Kiều”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Cậu Vanya” được xem là có những nỗ lực thử nghiệm hơn cả.

Ví như vở rối cạn “Thân phận nàng Kiều” là một thử nghiệm về cách dàn dựng khi đạo diễn dùng nghệ thuật múa rối (vốn chỉ là những trò diễn ngắn hoặc là vở diễn thì có cấu trúc đơn giản) lần đầu tiên kể trọn vẹn một câu chuyện với những biến cố “bể dâu” của cuộc đời của nàng Kiều.

Còn vở “Nữ ca sĩ hói đầu” lần đầu tiên trình diễn với khán giả Việt một thể loại kịch phi lý. Riêng vở “Cậu Vanya” có thêm thử nghiệm một màn hình chiếu bóng đồng hiện gương mặt nhân vật trên sân khấu. Thế nhưng, với “Cậu Vanya” ta lại bắt gặp phong cách kịch gần với phong cách kịch Nhật Bản – vở “Chim hải âu” đã từng tham gia liên hoan lần 3 năm 2016.

Còn vở “Nữ ca sĩ hói đầu” quả thật rất mới với khán giả Việt nhưng lại là quá… xưa của khán giả… Tây.

Ngoài ra, theo chia sẻ của NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhiều yêu cầu về kỹ thuật như đèn, trống riêng biệt… của các đoàn quốc tế sân khấu Việt chưa thể đáp ứng nên sẽ hạn chế phần nào những thử nghiệm mới mẻ của các bạn.

“Yếu tố kỹ thuật của sân khấu nước ta bị hẫng hụt rất nhiều so với yêu cầu của kỹ thuật sân khấu thế giới hôm nay” – NSƯT Lê Chức nói.

Còn nhớ, kỳ liên hoan trước, đã có rất nhiều ý kiến ồn ào về giải thưởng nếu căn cứ vào tiêu chí “thử nghiệm” mà nhiều khi chính người trong cuộc còn có phần… mông lung. Vậy nên không có lý do gì trước giờ G của kỳ liên hoan năm nay công chúng không băn khoăn: Sẽ là đột phá hay vẫn chỉ là đến hẹn… thì lên?

Những “gương mặt” quen ở đây có: Nhà hát Múa rối Thăng Long với vở “Mơ rồng”, Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Sự sống”, Nhà hát Tuổi trẻ với vở “Cậu Vanya”, Nhà hát Kịch nói Quân đội với vở “Nỗi u sầu”, Nhà hát thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh với vở “Dưới cát là nước”.

Những “gương mặt” mới có: Nhà hát Chèo quân đội với vở “Câu Kiều ru một đời người”, Liên đoàn xiếc Việt Nam với vở “Hà Nội của những giấc mơ”, Nhà hát Múa rối Việt Nam với “Thân phận nàng Kiều”, Trung tâm Sân khấu và phát triển với vở “20”, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai với vở “Niềm khát”, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam với vở “Ngàn năm mây trắng”, Sân khấu Lệ Ngọc với vở “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”, Sân khấu Lucteam với vở “Nữ ca sĩ hói đầu” và Sân khấu thử nghiệm – Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt với vở “Nhật thực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ