Lễ truy điệu bắt đầu từ 5h30 trong không khí trang nghiêm, xúc động với khoảng 50 khách, hầu hết là nghệ sĩ thân thuộc với Thế Anh, gia đình và khán giả mến mộ.
Trước đó từ sớm, các nghệ sĩ Trà Giang, Minh Đức, Thành Lộc, Thanh Thúy... có mặt ở Nhà tang lễ TP HCM. Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh qua đời sáng 29/9 ở tuổi 81, sau thời gian điều trị tai biến ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).
Di ảnh nghệ sĩ Thế Anh. |
Đứng lặng giữa đám đông, khán giả Thế Nguyễn, 63 tuổi, bùi ngùi nói ông đón xe từ Long An lên TP HCM để thắp hương tiễn biệt thần tượng.
Ông kể, thuở ấy ở miền Bắc, đa số khán giả trẻ đều ngưỡng mộ các vai của Thế Anh trong phim nhựa, từ Nổi gió đến Lời thú tội trước bình minh.
"Ngày đó, một tấm ảnh trắng - đen của ông đã được xem là báu vật, thanh niên cứ chuyền tay nhau xuýt xoa vì dung mạo điển trai của ông", khán giả cho biết
Tại buổi đưa tiễn, bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TP HCM, đọc điếu văn. "Vai Trung úy Phương qua nét diễn tinh tế của ông không chỉ nổi tiếng miền Bắc thập niên 1980 mà còn gây tiếng vang với người dân Nam bộ.
Đôi khi, Thế Anh nói vui: Mãi tôi là trung úy, không lên được đại úy vì cái bóng lớn của vai diễn. Tổng cộng, ông đóng hơn 60 bộ phim ở miền Bắc lẫn Nam. Ông luôn tìm tòi nhân vật để hóa thân vào vai diễn chỉn chu nhất. NSND Thế Anh mang phong cách hòa nhã, lịch thiệp, đặc biệt rất trẻ trung, bao giờ cũng thấy ông cười và luôn dìu dắt lớp trẻ. Ông đau đáu với nền điện ảnh Việt Nam, đề xuất nhiều giải pháp. Cứ thấy ông không đi họp ở hội thảo, là biết ông không khỏe...".
Khi nghe nhắc lại những kỷ niệm về ông, nghệ sĩ Trà Giang, Thanh Thúy... lấy tay lau nước mắt, nén xúc động.
Anh Thế Phương, con trai cả cố nghệ sĩ, cảm tạ người viếng tang: "Với khán giả điện ảnh, ông là nghệ sĩ gạo cội. Nhưng với gia đình chúng tôi, ông là một người chồng, cha, ông vĩ đại. Ông ra đi sau bốn ngày chống chọi bệnh tai biến...", người con nghẹn ngào khi nói.
Với gia đình Thế Anh, sự ra đi của ông đầy bất ngờ. Trước đó một ngày, ông vẫn tỉnh táo, ăn uống được dù liệt nửa người. Ông bảo vợ xin bác sĩ về nhà nằm để thay đổi không khí, "nếu có bị làm sao, anh lại vào viện tiếp".
Giấy tờ xuất viện đã ký xong, ông hồ hởi vì sắp được về nhà, chỉ chờ con trai cả thu xếp công việc để đón bố vào đầu tuần. Sáng sớm hôm sau, sau khi vệ sinh cá nhân, đột nhiên người ông tái mét, tay chân cứng lại vì nhồi máu cơ tim. Dù liên tục được hô hấp nhân tạo, ông không qua khỏi.
Cầm tay bà Thu Hằng - vợ cố diễn viên, nghệ sĩ Trà Giang nghẹn ngào động viên bà giữ sức khỏe. Hôm viếng tang, bà là một trong những đồng nghiệp đến sớm nhất. Bà nói muốn dự lễ truy điệu để đưa tiễn ông vào những phút cuối cùng. Những năm gần đây, họ thường xuyên gặp nhau ở các buổi hội thảo về phim ảnh. Với bà, Thế Anh là một trong những đồng nghiệp ăn ý nhất.
"Tôi và anh đều là diễn viên có nghề nên đóng với nhau rất thích, đôi khi tung hứng tự nhiên mà không cần để ý đến thoại", bà nói. Hai diễn viên từng đóng chung phim Em bé Hà Nội (năm 1974) và Mối tình đầu (năm 1977) - đều của đạo diễn Hải Ninh.
Bà Hằng - vợ nghệ sĩ - phải nhờ người dìu trong giờ di quan. |
Sau lời cảm tạ của gia đình, đồng nghiệp, người thân tề tựu trước linh cữu để thắp nén hương tiễn biệt. Khi tiếng nhạc làm lễ cất lên, nhiều người không kiềm được nước mắt.
Khoảng hơn 6h, lễ di quan diễn ra. Con trai cả Thế Phương cầm lư hương, con trai Thế Duy cầm di ảnh dẫn đoàn đưa. Từ đầu buổi lễ, bà Thu Hằng luôn xúc động nhưng nén khóc để lo việc hậu sự, chăm chút mâm cơm với các món chay quen thuộc cho ông. Nhưng ở giờ di quan, phút cuối, bà không kiềm giữ được, bật khóc thành tiếng.
Đi sau quan tài, bà bước chậm rãi, liêu xiêu, phải có người dìu. Cố nghệ sĩ được hỏa táng ở Phúc An Viên, quận 9.
Nghệ sĩ tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh, sinh ngày 3/4/1938 ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung...
Năm 1966, Thế Anh ghi dấu ấn với vai diễn điện ảnh đầu tiên trong phim Nổi gió. Năm 1977, ông đóng vai một thanh niên nghiện hút trong phim Mối tình đầu.
Sau phim này, ông quyết định để ria mép để trông nam tính hơn. Ở tuổi ngoài 50, ông tham gia phim Gánh xiếc rong, Điện Biên Phủ, Đêm hội Long Trì... Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Những năm gần đây, ông tìm niềm vui tuổi già ở việc viết sách và nghiên cứu phim ảnh.