Thu hẹp dần sàn diễn
Theo NSND Hồng Vân, do tình hình hoạt động sân khấu ngày càng khó khăn, chị không thể kham nổi tiền thuê mặt bằng ở sân khấu SuperBowl nên đã quyết định suất diễn mùng 10 Tết Mậu Tuất (tức ngày 25/2) sẽ là suất diễn cuối cùng tại đây.
Sự việc trên là hồi chuông báo động về sân khấu xã hội hóa đang rơi vào tình cảnh lao đao. Khó khăn này không chỉ riêng sân khấu Hồng Vân mà là tình hình chung của sân khấu kịch.
Trước đó, sân khấu Family của Gia Bảo mở ra không bao lâu đã đóng cửa. Xa hơn là sân khấu Trịnh Kim Chi ở Q.6 cũng đang hết sức trầy trật để duy trì.
Trong năm qua, Sân khấu kịch IDECAF đóng cửa điểm diễn tại số 7 Trần Cao Vân - Nhà Thiếu nhi (NTN) quận 1. Nơi đây chính thức tháo dỡ toàn bộ cơ sở hạ tầng để khởi động xây dựng công trình NTN mới. Trong khi đó, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B - cái nôi của sân khấu kịch thành phố cũng “tắt đèn” hơn 2 năm qua. Đội ngũ nhân lực đang làm việc tại sân khấu này mỗi ngày mòn mỏi chờ sự thống nhất và quyết định cụ thể về dự án xây dựng cơ ngơi mới.
Tại Hà Nội, hàng loạt sân khấu xã hội hóa cũng đã nói lời từ giã khán giả. Chẳng hạn Đoàn nghệ thuật Sao Việt do NSƯT Trần Nhượng làm giám đốc cũng đã tuyên bố giải thể sau những ngày sáng đèn. Sân khấu xã hội hóa biểu diễn hài kịch tại rạp Thanh Niên, số 37 Trần Bình Trọng từ khi ra mắt đến nay cũng luôn trong tình trạng thưa vắng khán giả.
Giải pháp nào cứu sân khấu kịch?
Một thời, sân khấu kịch phía Nam từng là điểm sáng của loại hình sân khấu kịch nói xã hội hóa, khiến sân khấu miền Bắc nể phục, học tập. Thời điểm đó, khi kịch phía Bắc trầm lắng thì ở phía Nam nhộn nhịp, sáng đèn cả tuần. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”.
Hiện nay, nhiều sàn diễn đã, đang và chuẩn bị “tắt đèn”, chỉ còn vài ba sân khấu ngày đêm “thoi thóp” với lượng khán giả ít ỏi. Để duy trì hoạt động của các sân khấu xã hội hóa, hàng ngày, các ông/bà “bầu” đau đầu tính bài toán chi phí: Thuê mặt bằng, điện, nước, diễn viên, tác giả, đạo diễn, thiết kế. Bài toán bù lỗ đang là vấn đề khiến các ông/bà bầu sân khấu kịch lo lắng.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, sân khấu xã hội hóa rơi vào tình trạng thiếu kịch bản chất lượng. Mặc dù đã có nhiều đổi mới song chưa thể bứt phá, tạo dấu ấn. Thiếu đi tác phẩm hay, xuất sắc thì không thể có được những vở diễn hay, độc đáo.
Trước tình hình thực tế, nếu không có những biện pháp, giải pháp mới, sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ các cấp, các ngành quản lý văn hóa, chắc chắn rằng, ở một tương lai không xa, thị trường tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật kịch nói sẽ dần mai một. Khán giả của các sân khấu kịch dần quên đi thói quen đến rạp xem kịch và theo đó, loại hình sân khấu kịch nói sẽ mất dần lượng khán giả quen thuộc.