Sân khấu học đường: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi

Sân khấu học đường: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi

(GD&TĐ) - Hôm nay ngày 12/8/2011, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ trì và phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án " Sân khấu học đường " giai đoạn 2001-2011. Đến dự có ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Đình Mạnh Vụ phó vụ tổ chức HS SV, ông Hoàng Chương Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cùng các đại biểu quan tâm tới dự án Sân khấu học đường trong mười năm qua.

Sân khấu học đường: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi ảnh 1
 

Có thể nhận thấy dự án Sân khấu học đường đã giúp học sinh cảm thụ về giá trị sân khấu truyền thống, tác dụng của nghệ thuật sân khấu đối với đời sống xã hội, bồi đắp cho thế hệ trẻ ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật sân khấu dân tộc. Theo ông Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chia sẻ: Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được và đề ra phương hướng cho những năm tiếp theo để Sân khấu học đường thưc sự trở thành những người bạn đồng hành trong các nhà trường phổ thông. Mục đích của dự án là tăng cường giáo dục thẩm mỹ và hiểu biết về văn hóa xã hội thông qua việc giới thiệu, giảng dạy những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc như tuồng chèo, cải lương, dân ca, kịch... cho các em HS bậc THPT và THCS.

Việc làm này nhằm tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng đắn, thẩm thấu được cái hay, cái đẹp, những tinh hoa củng nghệ thuật dân tộc, qua đó giúp các em thêm yêu thích, trân trọng và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó nhờ có dự án này mà các em học sinh có một sân chơi bổ ích lành mạnh, hướng các em đến những giá trị tình thần trong sáng. Cũng nhờ đó trong các nhà trường dấy lên một không khí sinh hoạt văn hóa phong phú, góp phần đẩy lùi những tệ nạn không đáng có trong xã hội. Hiệu ứng của Sân khấu học đường được thấy rất rõ ở các cuộc liên hoan, sơ kết trong từng giai đoạn. Những tiết mục chèo của Hà Tây, Hà Nam, tuồng của Hà Nội và một số địa phương khác đã chinh phục hoàn toàn tình cảm của khán giả. Trong giai đoạn 2007- 2010, dự án Sân khấu học đường đã đến tận tỉnh Đồng nai, TP HCM và tới tận miền đất tận cùng của tổ quốc là Đồng Tháp Mười. Cụ thể Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức rất bài bản trong việc đưa nghệ thuật cải lương vào nhà trường. Tại Cà Mau mặc dù là cái nôi của Cải lương song thực tế cũng đang bị lớp trẻ quay lưng lạnh nhạt. Nhưng khi dự án Sân khấu học đường có mặt đã như một hồi chuông đánh thức lớp trẻ quay về với truyền thống văn hóa của cha ông.

 

Để dự án sân khấu học đường tiếp tục được triển khai sâu rộng trong các nhà trường thì rất cần sự ủng hộ của các Bộ, ban ngành và các cơ sở giáo dục. Và quan trọng là vấn đề định hướng cho sự phát triển của dự án này sao cho có hiệu quả, thiết thực đối với từng địa phương và đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đó chính là một câu hỏi lớn cần phải giải đáp.

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.