Triển khai hiệu quả
Năm học 2020 - 2021 là năm thứ tư tổ Ngữ văn Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Quận 10) tổ chức chuyên đề Sân khấu hóa tác phẩm văn học và tích hợp liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Theo đó, tại chuyên đề, 13 tiết mục đặc sắc, được đầu tư công phu với sự tham gia của hơn 120 học sinh của các khối, lớp đã làm sống dậy những tác phẩm từ văn học dân gian tới văn học viết qua từng giai đoạn. Từ tiểu phẩm dựa trên câu chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, những tiết mục dân ca 3 miền, cho đến tiết mục hát múa Dời Đô ngàn năm vang mãi, Cảnh ngày Xuân của Truyện Kiều hay bài thơ Đồng chí… đã được học sinh truyền tải một cách sáng tạo trên sân khấu nhà trường. Ngoài ra, học sinh còn được củng cố kiến thức qua phần Hỏi - đáp với những câu hỏi có liên quan đến kiến thức văn học, lịch sử.
Theo cô Phạm Thị Thanh Bình, Phó Hiệu Trường THCS Hoàng Văn Thụ, mỗi năm chương trình đều được đầu tư rất công phu, ngày càng đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của giáo viên, học sinh. “Chuyên đề giúp học sinh có thêm vốn liếng và khả năng cảm thụ văn chương, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, từ đó, khơi nguồn hứng thú với môn Ngữ văn, giúp các em yêu thích môn học này hơn và có phương pháp học tập hiệu quả”, cô Bình cho hay.
Tương tự mới đây, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) vừa tổ chức chuyên đề ngoại khoá “Sức sống của văn học dân gian” dành cho học sinh khối 10, 11. Tham gia buổi ngoại khoá, học sinh đã sân khấu hoá văn học dân gian qua nhiều tiết mục văn nghệ, múa, hát, kịch, cải lương.
Các tác phẩm văn học dân gian đã được học sinh sân khấu hoá, tự tin thể hiện và nhận được nhiều lời khen từ thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, học sinh cũng được tham gia phần đố vui với nhiều câu hỏi liên quan đến các tác phẩm văn học dân gian, ca dao, tục ngữ…
Cũng là hình thức sân khấu hoá, Trường THPT Phạm Phú Thứ (Quận 6) đã tổ chức chuyên đề ngoại khoá chuyển thể tác phẩm văn học. Các em học sinh đã hóa thân vào nhân vật mà mình yêu thích trong các tác phẩm như Chí Phèo, hay Tấm Cám, Romeo Juliet… và thuyết trình về nhân vật ấy. Thầy Đặng Ngọc Ngận, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của Trường Phạm Phú Thứ cho rằng, qua việc chuyển thể tác phẩm văn học, học sinh được hóa thân vào nhân vật, biết rung động và tự cảm nhận về nhân vật, về tác phẩm. Qua đó, chủ động chiếm lĩnh kiến thức đồng thời rèn luyện sự tự tin, kĩ năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo, phát huy năng khiếu diễn xuất, ca hát…
Học sinh thích thú
Đồng hành cùng học sinh trong suốt quá trình thực hiện, cô Nguyễn Thị Phượng Linh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn chia sẻ thêm, các em rất hăng say, tích cực tham gia chuyên đề. Thầy cô cũng rất bất ngờ khi nhiều em đã sáng tạo, tài năng khi lên các ý tưởng cho nhóm, như phổ nhạc cho bài thơ, thêm lời thoại cho diễn xuất, vẽ đẹp… Qua chuyên đề học sinh tiếp cận những hoạt động vui học, rèn thêm các kỹ năng trong giao tiếp, làm việc nhóm… và phát huy sở trường, năng lực của mình.
Chia sẻ về tác phẩm mình tham gia - Dời đô ngàn năm vang mãi - em Nguyễn Duy Thông, lớp 8/1 Trường THCS Hoàng Văn Thụcho rằng, đây là một… “vai diễn” đặc biệt và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về vị vua Lý Công Uẩn. Theo đó, Thông cùng với các bạn đã tái hiện lại hình ảnh vua Lý Công Uẩn khi kết hợp tác phẩm văn học Chiếu dời đô (Ngữ văn 8) và kết hợp với lịch sử lớp 7 về đời nhà Lý. Tiết mục nhận được rất nhiều lời khen của các thầy cô, học sinh toàn trường khi Duy Thông vừa hát hay, diễn xuất rất đạt với hình ảnh vị vua uy nghiêm.
Thông cho biết em mất khoảng 1 tháng để tập luyện cho tiết mục. Để có thêm kiến thức liên quan về vị vua, ngoài sách vở, em tìm hiểu thêm trên mạng về trang phục, về những cuốn sách lịch sử viết về vị vua này.
“Khi vào vai vị vua, em phải thể hiện được sự uy nghiêm, thần thái của vua qua các động tác, gương mặt. Hình ảnh vua Lý Công Uẩn khắc sâu trong tâm trí, cũng như sự kiện lịch sử liên quan đến vị vua này đã được em ghi nhớ rất kĩ. Với em đây là một trải nghiệm rất thú vị, bổ ích và hi vọng nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều chuyên đề nữa để em và các bạn tham gia”, Thông chia sẻ.
Em Phạm Hồng Uyên Thảo, lớp 10 chuyên Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho hay, trường tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khoá theo các chuyên đề ở các bộ môn khiến học sinh rất thích thú, hào hứng tham gia. Với chuyên đề “sức sống của văn học dân gian”, những kiến thức, giá trị của văn học dân gian được đa dạng hoá bằng nhiều hình thức để truyền tải đến học sinh, không nhàm chán mà rất sinh động, được mọi người đón nhận bằng niềm vui, sự hứng thú.
Lê Tuấn Khang, lớp 6/9, Trường THCS Hoàng Văn Thụ vào vai thầy bói trong hoạt cảnh Thầy bói xem voi chia sẻ, để vào vai, em và các bạn phải đọc hết và hiểu về tác phẩm, thuộc lời thoại. Khang cho hay, nhóm đã cho một số chi tiết hài hước vào để tăng sự hấp dẫn cho hoạt cảnh. Theo Khang, đây là chuyên đề bổ ích. Qua câu chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, các em đã hiểu được bài học ý nghĩa chính là cuộc sống muôn màu, mọi sự việc hiện tượng là muôn mặt, để có thể đánh giá về một vấn đề, sự việc nào đó cần phải có cái nhìn tổng thể, xem xét kỹ lưỡng.