Tụt hậu vì hoài cổ
Để nói về thành công của sân khấu Hà Nội, phần lớn các nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ sĩ đều nhắc về những năm tháng “cháy vé” của các đoàn cải lương Chuông Vàng, Kim Phụng, đoàn chèo, đoàn kịch Hà Nội... của những năm 1980 - 1990. Còn hai chục năm trở lại đây, chỉ có thể kể đến huy chương vàng, huy chương bạc vẫn rủng rỉnh tại các hội diễn chứ chuyện bán vé ở rạp dường như ai cũng tránh. Cũng vì, chuyện nhà hát công lập vắng khán giả đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện từ bấy lâu, nhất là khi sân khấu bước vào thế kỷ 21.
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, chính quá trình bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế với những thay đổi của hiện thực... đã và đang làm cho sân khấu Hà Nội trở nên lúng túng, khủng hoảng nhiều mặt. Đấy là, việc sáng tạo thường mang tính hoài cổ, chưa phản ánh sâu sắc, sinh động những hiện thực lớn của đất nước trong công cuộc đổi mới. Hay như, chính bản thân sự sáng tạo ấy luôn tạo ra mâu thuẫn giữa chính phẩm với thứ phẩm, giữa phục vụ chính trị với giải trí, giữa truyền thống với hiện đại...
Còn các nghệ sĩ thì dường như chưa nhận thức đủ và thể hiện được sự chuyển hóa lớn của hiện thực Hà Nội thời đại 4.0 hôm nay trong cảm xúc sáng tạo của mình. “Do sáng tạo đã không đồng nhất với phát triển nên sân khấu Hà Nội trở thành tụt hậu, thiếu sức cạnh tranh với các loại hình văn hóa nghệ thuật mới dẫn đến thiếu vắng khán giả”, PGS.TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng cho rằng, nhiều năm nay, sân khấu nước nhà nói chung, sân khấu Thủ đô nói riêng rơi vào sự lúng túng trước kế hoạch tự chủ về kinh phí do chưa đủ khả năng hoạt động độc lập. Còn thực trạng khủng hoảng về khán giả là do chính các nhà hát đang thiếu những vở diễn mà khán giả quan tâm và mong muốn được thưởng thức. “Xét một cách toàn diện, nghệ thuật sân khấu hôm nay đang có vấn đề ở mọi khâu, mọi quy trình sáng tạo, từ đội ngũ tác giả, đạo diễn đến diễn viên…” - NSND Trần Quốc Chiêm nói.
Trong khi đó, tác giả Hoàng Thanh Du nhấn mạnh vai trò của những người quản lý sân khấu. Ông Du dẫn chứng, ở nhà hát nào, Sở Văn hóa - Thông tin nào có người quản lý giỏi về chuyên môn, có lương tâm với sân khấu, thì ở đó sân khấu vẫn sống, vẫn có khán giả. Nhưng những năm gần đây một số những nhà quản lý sân khấu nếu không nói là có lỗi với sân khấu, thì cũng đang có những bước đi sai lầm.
Tác giả Hoàng Thanh Du cho rằng: “Đấy là những người ít hiểu biết về sân khấu, không biết lo toan cho đời sống của anh em diễn viên, không biết tận dụng và khai thác khả năng làm việc của những người sáng tạo khác, không biết tổ chức định hướng đúng đắn khuynh hướng nghệ thuật của nhà hát. Đây là nguyên nhân sâu xa mang tính bản chất dẫn đến tình trạng sân khấu bế tắc”.
Chờ đợi một sức sống mới
PGS.TS Phạm Duy Khuê đưa ra kỳ vọng về một sức sống mới của sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu nước nhà nói chung. Cũng vì, theo ông, đừng đem những vở diễn giành huy chương vàng, huy chương bạc để nói rằng sân khấu đang phát triển mà hãy nhìn thẳng vào thực tế sân khấu đang “ăn mày dĩ vãng” bao năm qua để mà nỗ lực đổi mới.
Cũng với niềm mong chờ đó, NSND Lê Huy Quang gợi ý, thay vì đi minh họa lịch sử một cách mờ nhạt, chung chung thì sao sân khấu không đi sâu vào những sự kiện, nhân vật đầy tính chất bi và hùng, lãng mạn và trữ tình, cao đẹp của một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm? Điều này cũng được NSND Trần Quốc Chiêm gợi mở khi cho rằng, sân khấu cần phản ánh những vấn đề của thời đại, nhận diện con người thời đại hôm nay; phản ánh chân thực những vấn đề cần quan tâm trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục thẩm mỹ về nghệ thuật sân khấu cho tầng lớp thanh niên, nhất là tuổi trẻ học đường cũng được NSND Trần Quốc Chiêm đề cập tới. Theo ông, đây là một việc “đào tạo” khán giả - một việc mang tính chiến lược, tạo điều kiện sớm hình thành một lớp khán giả thực sự yêu thích và thấu hiểu hết những thông điệp của mỗi loại hình sân khấu.
NSND Trần Quốc Chiêm minh chứng, mười năm qua, dự án sân khấu học đường triển khai ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã cho thấy giới trẻ Việt Nam không quay lưng với vốn cổ truyền. “Điều các em cần là được bồi dưỡng, hướng dẫn để đến gần hơn với những môn nghệ thuật như chèo, tuồng, cải lương…
Các ngành văn hóa và giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ để đưa các bộ môn kịch hát dân tộc vào dạy trong trường học, trở thành một môn học chính thức. Ngoài ra, cần đưa sân khấu truyền thống đến với thanh thiếu niên nhiều hơn thông qua các buổi biểu diễn, giao lưu... Trước cơn lốc của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống chỉ có thể bảo tồn khi được thế hệ trẻ đón nhận bằng cả tâm hồn!”, NSND Trần Quốc Chiêm lưu ý.
Tác giả Hoàng Thanh Du