MỘT SỐ TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA LÝ CÔNG UẨN QUA TÁC PHẨM “CHIẾU DỜI ĐÔ”

GD&TĐ - Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) được Lý Công Uẩn ban bố năm 1010. Nội dung của tác phẩm không phải chỉ là những vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan do tiền nhân để lại, mà còn là những nhận thức về điều kiện của đất đế đô, mối quan hệ của đất đế đô với những vùng lãnh thổ khác, với sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện. Bài viết trình bày một số tư tưởng cơ bản của Lý Công Uẩn trong tác phẩm này như: Mục đích của Chiếu dời đô; các yếu tố Nho, Phật, Đạo và tư tưởng thân dân trong “Chiếu dời đô”.

Chiếu dời đô
Chiếu dời đô

 Lý Công Uẩn (974-1028), tức Lý Thái Tổ, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong 20 năm làm vua ông đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, củng cố nền độc lập, tự chủ dân tộc. Một trong những đóng góp to lớn có ý nghĩa lịch sử của Lý Công Uẩn là việc ông cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long và đổi tên nước thành Đại Việt, xây dựng kinh đô Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, xây dựng vương triều Lý thành một triều đại thịnh trị, khẳng định bản lĩnh và truyền thống lịch sử lâu đời, củng cố khối đoàn kết thống nhất, đem lại cho dân tộc và đất nước một vị thế mới trên bước đường phát triển, mở ra một thời kỳ lớn mạnh hùng cường của dân tộc trên con đường xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền hùng mạnh để bảo vệ nền độc lập, tự chủ của Đại Việt. Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) được Lý Công Uẩn ban bố năm 1010, với ý nghĩa đặc biệt, đã trở thành một văn kiện chính trị, lịch sử, văn hóa quan trọng ở nước ta hàng nghìn năm qua, là một văn phẩm có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện chính trị, sử học, địa lý, văn học.

   Mục đích của chiếu dời đô

     Mở đầu bài Chiếu, Lý Công Uẩn đưa ra những dẫn chứng hùng hồn từ sử sách Trung Hoa cho thấy việc dời đô xưa nay không hiếm, nhưng rời đô là một việc lớn không thể chỉ làm theo lợi ích vị kỷ của mỗi cá nhân. Việc làm của các vua như Bàn Canh nhà Thương, Thành Vương nhà Chu không phải là tự theo ý riêng cá nhân mà với mục đích muốn “đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên theo mệnh trời, dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi”. Nói một cách khác, việc dời đô là một việc lớn, vì lợi ích chung của cả cộng đồng, vì sự phát triển lâu dài của dân tộc, vừa hợp mệnh trời, vừa hợp lòng dân, là để xây dựng đất nước cường thịnh, đem lại hạnh phúc, thái bình cho nhân dân.

Với lý lẽ sắc bén, dẫn chứng lịch sử là sự thật hiển nhiên, giàu sức thuyết phục lòng người, Lý Công Uẩn đã tỏ ra có tầm nhìn xa trông rộng, toàn diện, sâu sắc, chính xác về các mặt vị trí địa lý, địa thế, nhân văn. Việc dời đô mang tính mạo hiểm, song với tầm nhìn chiến lược của một bậc minh quân, thấy yêu cầu củng cố sự lâu bền của một triều đại, tiền đồ của đất nước và dân tộc, do vậy ông đã kiên quyết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích vị kỷ cá nhân. Qua những câu văn ngắn gọn của bài Chiếu, nhà vua đã nói lên nguyện vọng xây dựng một quốc gia độc lập, giàu mạnh, một vương triều bền vững, một nhà nước phong kiến tập quyền mạnh mẽ. Nguyện vọng đó của nhà vua cũng là nguyện vọng của dân tộc. Điều này đã được các quần thần khẳng định trong khi đáp lại Chiếu dời đô: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”.

    Chủ trương dời cố đô của Lý Công Uẩn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của công cuộc dựng nước và phù hợp với xu thế của lịch sử, do đó, nó mang tính tất nhiên chứ không phải là một công việc giản đơn, tuỳ tiện theo sở thích chủ quan của một cá nhân nào. Bởi vậy, nhà vua đã khẳng định: “Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời”. Cuốn Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học đã viết: “Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin và quyết tâm của cả dân tộc giữ vững nền độc lập”.

    Để chứng minh thành Đại La (tức Thăng Long) xứng đáng là kinh đô của cả nước, Lý Công Uẩn đã chỉ ra rằng Đại La có địa thế rất thuận lợi, rất đẹp để đóng đô: “Thành Đại La… ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa nam, bắc, đông, tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi, phồn thịnh”[1]  

Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư 

Ở đây Lý Công Uẩn đã phân tích một cách sâu sắc tính ưu việt về chính trị, quân sự, kinh tế của Thăng Long về các mặt:

    Về mặt chính trị - văn hóa: Đây là một vùng đất với nhiều lợi thế, đồng thời là đầu mối giao thông, buôn bán quan trọng, địa hình rộng rãi là nơi hội tụ giao lưu văn hóa trong điều kiện có đầy đủ cơ sở kinh tế - xã hội, cư dân no ấm, văn  hóa cũng dựa vào đó mà phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, để lại di sản Thăng Long văn hiến cho dân tộc. Cùng với việc xây dựng hoàng thành Thăng Long, đã trở thành trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, chi phối một cách trực  tiếp, điều hành mọi mặt của đời sống đất nước. Đồng thời thể hiện ý đồ chính trị của nhà cầm quyền là để dễ điều hành, quản lý nhân dân; bên cạnh đó dễ dàng thu nguồn nhân lực vật lực từ nhân dân dể phục vụ, nuôi sống bộ máy hành chính nhà nước và các giai cấp và tầng lớp thống trị.

    Về hành chính: do địa hình thuận lợi, lại nằm giữa trung tâm của đất nước lúc bấy giờ, nên việc thiết lập một mạng lưới hành chính một cách chặt chẽ từ trung ương lan tỏa ra những vùng xung quanh được tiến hành một cách có hệ thống, thậm chí đến những vùng cao ở Tây Bắc hay xuôi về phương Nam, từ đó có thể dễ dàng đưa quân đi và thiết lập cơ sở hành chính ở các nơi này.

    Về quân sự: Ở Hoa Lư (Ninh Bình) là một địa bàn chật hẹp chỉ mang ý nghĩa phòng thủ là chính còn tấn công và phát triển kinh tế thì rất khó khăn. Việc vận động chiến đấu của binh lính thủy bộ gặp phải nhiều trở ngại do địa hình núi non hiểm trở, chỉ thuận lợi cho việc phòng thủ; còn ở Đại La địa hình bằng phẳng, có nhiều nhánh sông chằng chịt thông thương ngược lên mạn bắc, qua phía tây, xuôi về phương nam và có nhiều sông đổ ra biển qua nhiều cửa sông, phù hợp với cách đánh vận động chiến của cả hai bộ phận quân thủy bộ, đặc biệt là thủy binh, thế mạnh quân sự chính của cư dân Đại Việt lúc bấy giờ. Với địa hình như thế có thể đưa quân đi tác chiến ở các khu vực tỏa ra từ trung tâm Thăng Long.

    Về kinh tế: Đây là một vùng hậu cần quan trọng, một nơi đồng bằng trù phú mật ngọt, có khả năng cung cấp đầy đủ, thậm chí là dồi dào nguồn nhân lực, vật lực trong thời bình cũng như thời chiến. Trong thời bình, thì cung cấp lực lượng lao động phát triển kinh tế và nguồn lương thực thực phẩm nuôi sống bộ máy nhà nước và cư dân nơi đây. Trong thời chiến, thì cung cấp quân lực, lương thực thực phẩm, phương tiện chiến tranh và các loại vũ khí, trang thiết bị cho quân đội. Là một vùng có đất đai canh tác màu mỡ rộng lớn, cư dân đông đúc thuận lợi để phát triển nông nghiệp và nhiều ngành thủ công, thông qua việc giao lưu buôn bán qua nhiều con đường thủy bộ.

    Có thể nói rằng, Thăng Long chính là đầu mối của mọi sợi dây liên hệ thống nhất về mặt kinh tế, văn hoá và lãnh thổ làm cơ sở cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Cho nên Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã thực sự góp phần củng cố sự thống nhất quốc gia, làm cho chính quyền trung ương càng có thêm uy lực để cai quản các địa phương trong toàn quốc. Và “Chiếu dời đô” cũng đánh dấu một bước nhận thức quan trọng của dân tộc ta về những vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá do đời sống thực tiễn đặt ra, trước hết là vấn đề tiền đồ phát triển của dân tộc và sự thống nhất đất nước.

    Sau một nghìn năm, Hà Nội đã trở thành Thủ đô hoà bình của đất nước, chúng ta càng thấy việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La của Lý Công Uẩn là một cống hiến vô cùng vĩ đại “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu đời sau” và “để vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

    Như vậy, mục đích của việc dời đô là nhằm tìm ra một nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa tạo nền tảng bền vững lâu dài cho đế đô, để từ đó, nhà vua làm yên lòng dân chúng, thu quốc gia về một mối. Mục đích này đã thể hiện ý muốn dựng đế đô lâu dài, bền vững với tư cách là kinh đô của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và muốn lo cho dân chúng có được vùng đất tốt để sinh sống. Việc dời đô là xuất phát từ mong muốn tốt đẹp cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Song, dời đô là vấn đề đại sự và đặt ra rất nhiều khó khăn như chuyển dời tốn kém, vất vả, nơi chuyển tới trống trải. Đặc biệt là dời đô trái với lựa chọn được xem là thích hợp của nhà Đinh, Lê trước đó.

Bản chiếu dời đô
 Bản chiếu dời đô

Các yếu tố Nho, Phật, Đạo và tư tưởng thân dân trong “Chiếu dời đô”

    Việc Lý Công Uẩn quyết định dời đô không chỉ là noi gương những vị vua sáng thời trước mà là “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”. Nhận định này thể hiện sự tiếp biến tư tưởng Nho, Phật, Đạo và thông qua đó thể hiện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc.

    Việc dẫn tư tưởng “mệnh trời” cho thấy Lý Công Uẩn chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Mệnh trời trong quan niệm của Nho giáo có nghĩa là mệnh lệnh của ông trời mang nhân cách nhưng cũng có nghĩa là quy luật, sự tất yếu khách quan buộc con người phải tuân theo trong sự nhận thức thấu đáo và tự tin. Trong “Thiên đô chiếu”, “mệnh trời” được hiểu theo nghĩa thứ hai. Lý Công Uẩn đã dùng tư tưởng “mệnh trời” với ngụ ý là dời đô là việc tất yếu, có dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La thì mới có điều kiện làm cho triều đại vững bền, đất nước hưng thịnh. Nói cách khác, dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long không chỉ nói lên vẻ đẹp thiên nhiên của nó, mà điều quan trọng là thể hiện được nó có đủ điều kiện thuận lợi của một đế đô trong một quốc gia độc lập và hưng thịnh. Ở đây, tư tưởng của Lý Công Uẩn chịu ảnh hưởng thuật phong thủy của Đạo giáo. “Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”[2].

    Như vậy, Lý Công Uẩn đã nhìn nhận thấy rõ Thăng Long chính là đầu mối của sợi dây liên hệ thống nhất về mặt kinh tế, văn hóa và lãnh thổ làm cơ sở cho việc dựng và giữ nước. Cho nên, việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã thực sự góp phần củng cố sự thống nhất quốc gia, làm cho chính quyền trung ương ngày càng thêm uy lực để cai quản các địa phương trong cả nước.

    Bên cạnh đó, dời đô còn là vì dân để “dân cư khỏi phải chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt”. Đó là tư tưởng giải thoát chúng sinh, đại từ bi của đạo Phật, theo cách nói hiện đại là “vì nước, vì dân”. Ở đây, tư tưởng thân dân của Nho giáo và tình yêu thương con người của Phật giáo được thể hiện rất rõ ràng. Chiếu rời đô đã chỉ rõ: “Nhà Đinh, nhà Lê lại theo lòng riêng…, yên ở nơi quê quán… Trẫm rất xót thương, không thể không dời đi nơi khác”. Qua đó cho thấy, theo Lý Công Uẩn việc nhà Đinh, Lê đóng đô ở Hoa Lư là vì “theo lòng riêng”, chứ chưa vì lợi ích chung của nhân dân, nên loạn lạc đã xảy ra ngay từ trong nội tộc, nội triều thống trị.

    Lý Công Uẩn không chỉ nói tới dân, mà còn nói tới ý chí của dân. Dùng khái niệm “dân chí” là có ẩn ý bên trong. Cùng một loạt các khái niệm về dân, có các khái niệm: dân tâm, dân vọng và dân chí. Dân tâm là lòng dân, nhưng lòng dân có lúc thế này, lúc thế khác. Dân vọng là sự mong mỏi của dân, thường là sự mong mỏi của dân muốn bề trên biết đến đời sống khổ cực của dân. Còn dân chí là ý chí của dân dựa trên sự hiểu biết của dân, có ý nghĩa về mặt nhận thức luận.

    Như vậy, kế thừa các yếu tố tư tưởng của Nho, Phật, Đạo trong sự kết hợp nhuẫn nhuyễn với tinh thần truyền thống của dân tộc, Lý Công Uẩn đã luận chứng được việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu thực tế của công cuộc dựng nước và phù hợp với xu thế của lịch sử. Việc dời đô không chỉ là nguyện vọng của vua mà chính là nguyện vọng của cả dân tộc, để cho nước nhà được thịnh vượng, nhân dân được no ấm, yên vui. Chính vì thế, việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long được tất cả thần dân đồng lòng ủng hộ.

    “Chiếu dời đô” đã nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa đế đô và tiền đồ của triều đại, của đất nước; nêu lên những yếu tố cần thiết làm tiêu chí của đế đô của một nước; nhấn mạnh tư tưởng về hành động chính trị phải căn cứ vào xu hướng phát triển của sự việc và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Việc nhà Đinh, nhà Lê chọn Hoa Lư, nơi hiểm trở để làm đế đô là hợp lý đối với hoàn cảnh lịch sử lúc đó đất nước vừa mới giành được độc lập sau một nghìn năm bị thế lực phương Bắc đô hộ, nên nhiệm vụ giữ nước, củng cố nền độc lập, tự chủ được đặt lên hàng đầu. Còn khi sang triều Lý, đất nước ta đã được độc lập hơn 70 năm, vì vậy cần phải xây dựng kinh đô mới, mà thành Đại La - Thăng Long đã thỏa mãn được điều kiện cần và đủ.

     Điều này cho thấy Lý Công Uẩn là người có tầm nhìn xa, tư duy vượt thời đại. Tư duy đó không thể không xem là có giá trị về mặt nhận thức luận triết học.

    Xét trên bình diện lịch sử dân tộc và địa lý nước Nam lúc bấy giờ, có thể thấy “Chiếu dời đô” đã thể hiện thế và lực của nước ta so với cường quốc Trung Hoa láng giềng. Nếu như các triều đại trước đều đóng đô ở nơi hiểm trở, nhằm giữ thế phòng ngự bị động là chính, thì lúc này, kinh đô đã được chuyển ra nơi đồng bằng rộng lớn, sẵn sàng đương đầu và thách thức với các thế lực ngoại xâm. Lịch sử cũng đã chứng minh quyết định dời đô của Lý Công Uẩn là hoàn toàn đúng đắn. Địa thế thuận lợi của Thăng Long đã góp phần làm cho triều Lý vững vàng về mặt chính trị, hùng mạnh về quân sự, phát triển về kinh tế, văn hóa, đạt đến mức phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó.

    Có thể nói, “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là một văn kiện chính trị, nhưng cũng chứa đựng hai mạch nguồn tư tưởng cơ bản là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân đạo. Lòng yêu nước của vị vua đầu tiên của triều Lý thể hiện ở mục đích đời đô nhằm xây dựng đất nước cường thịnh lâu dài, đem lại hạnh phúc, thái bình cho dân. Đây là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, không ai có thể phủ nhận được. Điều này cũng thấm đẫm tinh thần nhân đạo và yêu thương dân sâu sắc. Thể hiện rõ tư tưởng từ bi, bác ái của đạo Phật, nhân đạo, yêu thương con người của Nho giáo và tư tưởng vì nước, vì dân. Chính vì vậy, “Chiếu dời đô” đã mang những giá trị tư tưởng to lớn có giá trị nhất định đối với thời đại hiện nay.

Chiếu dời đô
 Chiếu dời đô

Hiện nay nước ta đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội ngày càng có vị thế quan trọng trong cả nước và khu vực. Song, dù Hà Nội có phát triển như thế nào ở nay mai, cũng không thể quên được tiền thân của nó là Thăng Long mà người đặt nền tảng đầu tiên là Lý Công Uẩn. Hơn 1000 năm và nhiều nghìn năm nữa của Thăng Long - Hà Nội trong tương lai, nếu xét đến ngọn nguồn của đất quốc đô, người ta không thể không nhớ tới tư duy triết học sâu sắc và con mắt nhìn xa trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn. Thủ đô Hà Nội luôn mãi xứng đáng là trung tâm văn hóa, xã hội, chính trị của toàn dân tộc; là nơi kết hợp nhuần nhuyễn, phát huy cao độ cái truyền thống với cái hiện đại: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết, Thành công - Thành công - Đại thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ