Săn gỗ lũa giữa đại ngàn Tây Bắc

Săn gỗ lũa giữa đại ngàn Tây Bắc

(GD&TĐ) - Những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi ngủ quên trong lòng đất giữa đại ngàn Tây Bắc, bỗng chốc được đánh thức, trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Song, để có được những “mảnh hồn rừng” ấy sao lắm gian nan. Ngày nào cũng vậy, những người Mông ở bản Chu Lìn 1 dưới chân núi Trung Chải chấp nhận “đánh bạc với số phận”, lặn lội vào rừng sâu săn gỗ lũa, tìm kiếm đổi thay cho cuộc sống của mình…

Tìm “vàng” giữa thâm sơn

Mới 5 giờ sáng, trời đất Sa Pa rét tái tê, con gà trống chân chì còn rúc đầu vào cánh chưa buồn gáy, ngoài trời vẫn còn là một biển sương mù dày đặc thì Châu A Chu (thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải) đã lục tục trở dậy. Bên bếp củi than đã đượm hồng nổ lép bép, chị Má Thị Sú đã dậy từ lúc nào để chuẩn bị mấy nắm cơm, nhúm muối và vài quả ớt nướng làm lương thực cho chồng. Chu với tay lấy con dao phát và cái thuổng cho vào lù cở, sục chân vào ủng lặng lẽ bước ra ngoài…

Năm nay Sa Pa mưa nhiều, ra cửa là gặp mưa, bầu trời cứ âm u nặng trĩu nước chỉ chực đổ ào xuống. Khi anh tới chỗ hẹn đầu bản thì đã có bốn, năm người đàn ông chờ sẵn ở đó. Họ chỉ nói với nhau vài câu tiếng Mông rồi lầm lũi đeo gùi cất bước về phía cửa rừng. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ ngược dốc trên con đường trơn như đổ mỡ và bùn ngập tới cổ chân đoàn người mới dừng lại. Từ đây, họ tạm chia tay nhau, mỗi người một ngả bắt đầu cuộc kiếm tìm hi vọng giữa đại ngàn. Tay trái quệt những giọt mồ hôi trên trán, tay phải phát cây bụi mở đường, chân dấn bước, Châu A Chu hổn hển nói: Đào thứ gỗ này cũng khó như đào vàng ấy. Phải là gốc cây cổ thụ, loại cây quý, gỗ cứng hoặc có tinh dầu thì sau khi chết vài chục đến cả trăm năm, bị nắng mưa bào mòn, mối mọt đục khoét hết phần gỗ mềm bên ngoài chỉ còn phần lõi cứng nhất thì mới có hình thù đẹp được. Thường thì chúng hay nằm ở những vạt nương bỏ hoang lâu năm, khe suối ẩm ướt. Những cánh rừng gần người ta tìm hết rồi. Bây giờ phải chui vào tận rừng sâu may ra mới có lũa đẹp…

Sau hơn một tiếng chui lủi trong rừng, Chu tần ngần đứng trước một gốc cổ thụ đã khô. Nhát dao sắc lẹm bập vào, xương gỗ lộ ra màu đỏ như thịt trâu tươi. Chu bảo đây là gốc kháo đá khoảng hơn 4 chục tuổi. Loại gỗ này dễ tìm, giá bình dân nên rất dễ bán, nhiều gốc dáng cũng đẹp chẳng kém gì pơ mu. Sau ba năm bám nghề săn lũa trên rừng Hoàng Liên, bây giờ anh đã phân biệt khá chính xác từng loại gỗ: gỗ đỏ là kháo đá, kháo tía; gỗ vàng có vân nổi, hương thơm là pơ mu hoặc gù hương; gỗ trắng không hương là sa mộc... Còn gốc rễ của nó cũng như hình thù thế nào khi chưa đào lên thì chỉ thần đất mới biết được…Chu dùng tay lay lay nhưng cái gốc không nhúc nhích gì. Gốc kháo này chết chưa lâu nên chưa có lũa, đào cũng mất công. Lại đi. Xuyên hết vạt rừng này sang vạt nương khác, vừa đi anh chàng người Mông vừa dỏng tai lắng nghe. Phía xa thi thoảng vẳng lại tiếng dao gõ vào gốc cây trầm đục. Đó là tín hiệu riêng những thợ lũa thông báo với nhau mình đang ở đâu. Đã tìm thấy cả chục gốc cây nhưng Chu đều lắc đầu ngao ngán, lặp lại mấy từ: gỗ không tốt, mục quá rồi, đào không được đâu... Đến một vạt rừng thưa, Chu lôi chai nước trong lù cở ra, ngửa cổ tu ừng ực. Bữa cơm nắm chấm muối ớt giữa rừng chan lẫn cả những giọt mồ hôi khó nhọc. Nhét nắm cơm vào miệng nhai trệu trạo, Chu ngả lưng vào một thân cây. Kim đồng hồ chỉ đã quá 2 giờ chiều. Tôi thầm nghĩ anh chàng người Mông sẽ quay về, nhưng sau bữa cơm chóng vánh, giọng Chu buồn buồn: Không kiếm được gốc cây nào về cho vợ mang đi bán thì các con mình cũng không có tiền mua sách vở cho năm học mới…

Trời ngả cuối chiều, hi vọng cũng thật mong manh. Nét mặt Chu bỗng sáng lên khi thấy một gốc cây nhô lên khỏi đống đất to ụ vì mối đùn. Lụi hụi, chật vật đào bới mất hơn một tiếng, cẩn trọng từng tí cuối cùng chúng tôi cũng nhấc lên khỏi mặt đất được khúc gỗ nặng đến hơn 30 kg. Gốc kháo tía này trước đây phải rất lớn, nhưng qua thời gian mối đục khoét ăn hết chỉ còn trơ lại phần lõi đầy hang hốc như một tổ ong. Chu tươi cười bảo loại lũa tổ ong này khách thích mua lắm, nếu là gỗ pơ mu, gù hương có khi tới vài triệu hay cả chục triệu đồng. Nhưng gỗ kháo tía nên chỉ bán được mấy trăm ngàn thôi. Thế là cũng may mắn lắm rồi... Khi trời đã nhập nhoạng tối cũng là lúc những người trong đoàn săn gỗ lũa chui từ trong rừng ra điểm tập kết. Trên lưng mỗi người là gùi to gùi nhỏ cồng kềnh gốc cây, quần áo ai cũng tơi tả toàn đất, nét mặt thì phờ phạc vì đói và mệt sau một ngày lùng sục khắp rừng xanh núi đỏ...

Săn gỗ lũa giữa đại ngàn Tây Bắc ảnh 1
Nhọc nhằn săn lũa giữa đại ngàn

Buồn vui đời lũa... đời người...

Ngay dưới chân dốc Trung Chải (Sa Pa), bên cạnh quốc lộ 4D là một dãy bày toàn những thân gỗ lũa với muôn hình vạn trạng. Đây là sản phẩm sau bao cuộc săn lùng giữa đại ngàn Tây Bắc của hơn chục hộ người Mông thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải này. Hàng ngày, họ phải lặn lội vượt dốc mấy cây số gùi từng gùi gỗ lũa ra đây với hi vọng bán được cho khách du lịch, kiếm ít tiền trang trải cho cuộc mưu sinh. Đang cặm cụi tỉ mẩn dùng chiếc thìa nhỏ cạo từng chút, từng chút một lấy ra phần gỗ rác để lộ ra những hang hốc sâu hoắm trên một gốc cây, chị Má Thị Sú cho biết công việc này là của đám phụ nữ, tuy không vất vả lắm nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo. Gỗ trên rừng mang về còn dính đầy đất, mối mọt nên phải dùng nước xối sạch đi, cạo hết phần gỗ rác bám ở ngoài rồi đánh cho nhẵn bóng mới dễ bán…Khúc gỗ phải để nguyên hình dáng tự nhiên chứ nếu có nhiều vết dao, vết đục khách sẽ chê… - Gỗ này dùng làm gì? Tôi hỏi. - Người nhiều tiền mua về bày trong nhà cho đẹp thôi. - Thế nhà mình có bày gỗ này không? -Nhà nghèo lắm, bày cho ai xem. Mang bán lấy tiền nuôi con ăn học thôi...

Bên cạnh chị Sú, ông Châu A Chống đang tranh thủ rít điếu thuốc lào cho ấm người, hết nhìn những gốc lũa, đôi mắt mờ đục của ông lại hướng về phía khúc cua quốc lộ 4D tìm kiếm hi vọng vào những đoàn khách du lịch. Ông Chống năm nay đã gần 60 tuổi, sau những chuyến theo đám thanh niên lên rừng săn lũa mái tóc của ông bạc thêm nhiều hơn, gương mặt lão nông Trung Chải cũng gầy gò, khắc khổ hơn vì nhiều nếp nhăn. Ông Chống thật thà: Ôi dà, đi rừng cơ cực lắm. Có gốc cây phải đào hàng mét mới lấy được. Đen đủi gặp tổ ong đất hay rắn rết thì sợ quá. Núi cao, vực sâu, cõng gùi gỗ nặng chỉ sơ sảy trượt chân một cái ngã xuống vực không mất mạng cũng què quặt suốt đời… Nếu được thần rừng phù hộ thì có hôm cũng kiếm một vài trăm. Nhiều hôm gùi gỗ xuống chẳng có ai mua lại còng lưng gùi về khổ lắm… Ông Chống kéo ống quần lên, duỗi chân cho đỡ mỏi vì đã ngồi đây gần hết ngày rồi mà chưa bán được gì. Cẳng chân ông già Mông lộ ra đầy những vết sẹo lớn nhỏ, gót chân nứt nẻ, ngón nào cũng héo quắt, cái còn lại sau những chuyến lặn lội giữa đại ngàn Hoàng Liên tìm gỗ lũa…

Bán gỗ lũa mưu sinh dưới chân dốc Trung Chải (Sa Pa)
Bán gỗ lũa mưu sinh dưới chân dốc Trung Chải (Sa Pa)

Trong đám người bán gỗ lũa dưới chân núi Trung Chải, còn có cả những đứa trẻ Mông mà đáng ra ở độ tuổi ấy các em đang được ngồi trên ghế nhà trường. Tôi nhói lòng khi thầm nghĩ những thân lũa trăm năm kia dù giá trị đến mấy nhưng đã lấy đi mất những con chữ và như tảng đá lớn chặn ngang đường đường tới lớp học của các em… Có lẽ thấy việc gùi gỗ đi về mất nhiều công quá nên mấy người ở thôn Chu Lìn 1 đã dựng một cái lán tạm bợ ngay bên kia đường, cả ngày cả đêm thay nhau trông đống gốc cây ngổn ngang… Không chỉ ở Trung Chải, khi lên Sa Pa tôi cũng gặp vô số người Mông ở các thôn, bản: Tả Phìn, Tả Van, Cát Cát… nhọc nhằn gùi gỗ lũa ra thị trấn bán. Dù mỗi người một suy nghĩ, không ai nói ra, nhưng họ đều đang trông đợi ở những thân lũa kia một phép màu nào đó để cuộc sống đỡ khổ hơn…

Lũa là linh hồn của rừng núi Hoàng Liên, là cái thần của cổ thụ ngàn năm trên đại ngàn Tây Bắc. Những thân mộc tưởng như đã chết sau hàng trăm năm lại được hồi sinh mang giá trị trường tồn, làm đẹp, làm sang cho không gian sống của con người. Chỉ mong sao cũng giống như đời lũa, cuộc đời của những người Mông ở bản Chu Lìn 1 dưới chân núi Trung Chải nói riêng, ở Sa Pa nói chung đang sống bằng nghề săn kỳ mộc sẽ sớm đổi thay…

Trần Tuấn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.