Săn cá thòi lòi vùng hạ nguồn

GD&TĐ - Tại rạch Vũng Luông, một nhánh của sông Ba Lai, dài chừng hai chục cây số, hiện có hàng trăm người dân gắn bó cùng nghề biển, với nhiều sinh kế khác nhau. Trong đó, săn cá thòi lòi (còn gọi là cá leo cây, cá chạy) là nghề được nhiều ngư dân ở các xã Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) lựa chọn.

Một khu đầm bán ngập ven biển hạ nguồn sông Ba Lai
Một khu đầm bán ngập ven biển hạ nguồn sông Ba Lai

Mưu sinh giữa hai con triều

Là một trong những loài thủy sản khá đặc biệt, cá thòi lòi ngoài khả năng bơi lội trong nước thông thường còn có thể di chuyển cả trên cạn, nhảy lên cành cây ven bờ nước. Loài cá này chỉ lớn tương đương cá bống, thường sống ở vùng nước lợ, nơi hạ nguồn cửa sông đổ ra biển.

Mỗi khi nước triều rút, cá thòi lòi lại lao mình ngược dòng vào các khu vực ven bờ, rúc xuống nền bùn để ẩn náu, chờ lúc triều lên lại ngoi ra kiếm ăn. Ngư dân cũng chỉ chờ con nước xuống để lội bùn bắt cá. Mặc dù khá vất vả, nhưng “nghề săn” này cũng giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Hổ, 33 tuổi, một ngư dân địa phương cho biết, nghề bắt cá thòi lòi chỉ bắt đầu khoảng chục năm nay, bởi khi trước giống cá này ít được ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay cá thòi lòi được coi là đặc sản, giá bán cũng rất cao. Mỗi ký được thương lái mua ngay tại ngã ba chợ Thừa Đức khoảng 40 - 45 nghìn đồng, tùy kích cỡ. Sự ưa chuộng của người tiêu dùng có lẽ cũng do đây là giống cá hoàn toàn tự nhiên, không có cách gì nuôi được. “Trước đây thì bắt về làm mắm hay ăn dần, chứ mang ra chợ ai mua. Giờ thì thương lái còn đặt cọc sẵn tiền để giữ mối hàng thường xuyên”, anh Hồ cho biết.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Hổ bảo mỗi ngày ngư dân như anh chỉ làm việc khoảng 3 giờ, là thời gian giữa hai đợt con nước triều lên xuống ở khu cửa biển này. Mặc dù nhỏ bé, nhưng cá thòi lòi lại rất tinh khôn và nhanh nhẹn. Anh kể: “Mình nhìn thấy nó ngay dưới chân, nhưng khi cúi xuống chưa kịp đưa tay bắt thì nó đã lẩn vào những lỗ nhỏ dưới bùn, hoặc chạy rất nhanh trên mặt bùn nhão, lúc đó chỉ còn cách đứng nhìn theo mà thôi. Đặc biệt, giống cá này có tập quán sinh sống đơn lẻ, không đi theo đàn nên chỉ có thể tỷ mẩn bắt từng con. Đó cũng là lý do chỉ có ai kiên trì mới có thể gắn bó với nghề này lâu dài”.

Theo quan sát, dọc các con rạch vùng hạ lưu nơi đây, cứ mỗi khi nước triều xuống, lại rất đông người đeo giỏ đi bắt cá. Mỗi người chia nhau một khu bùn lầy rộng mênh mông vừa ráo nước, cắm cúi chỗ này chỗ nọ, hầu như cả buổi không thấy ngẩng mặt lên. Cũng dễ hiểu vì sao ai cũng gấp gáp và cần mẫn đến thế. Tìm ra tung tích cá thòi lòi đã khó, bắt được nó càng không dễ dàng, mà thời gian cũng gấp gáp, bởi nước chỉ rút vài tiếng đồng hồ trước khi một đợt triều mới lại lên...

Những chú cá chạy trên mặt đất ngập mặn
Những chú cá chạy trên mặt đất ngập mặn

Mặn mòi giọt mồ hôi nơi cửa biển

Theo những cư dân ở ven rạch Vũng Luông, có nhiều cách để bắt cá thòi lòi. Ngoài cách bắt thủ công là sử dụng đôi tay để bắt trực tiếp, nhiều người sử dụng tấm lưới đăng sát đất, đóng chìm ven bờ rạch hay các khu đầm trũng, hoặc sử dụng lờ đan bằng lưới đặt sát mé nước để bẫy cá. Mỗi cách có một lợi thế riêng. So với cách đánh bắt thủ công, việc “đặt bẫy” có hiệu quả hơn chút đỉnh, nhưng không nhiều bởi những cái bẫy này chỉ có nhiệm vụ ngăn cá quay trở lại biển theo con nước triều là chính. Nguyên do cá thòi lòi là loài lưỡng cư, có thể sống trong nước, rúc dưới bùn hay leo lên bờ. Việc đóng đăng chỉ để giữ chân, buộc chúng phải rúc xuống bùn ở dưới đăng, từ đó dùng tay bắt lên dễ dàng.

Điều đáng nói là, theo chia sẻ của nhiều ngư dân vùng ven biển Thừa Đức, Thới Thuận của huyện Bình Đại, nguồn cá thòi lòi nơi đây đang cạn dần. Một phần vì người săn nhiều, một phần vì những đầm tôm, đầm cá ở khu vực ven biển thi nhau mọc lên, thải ra môi trường nhiều hóa chất, chất cặn bã nuôi thủy sản, khiến các con rạch ngày càng ô nhiễm.

“Mấy chục cây số ven rạch Vũng Luông này có hàng nghìn đầm tôm hút nước lợ vào, mỗi lần triều lên xuống chất bẩn thải ra rất nhiều. Vì vậy hải sản ven kênh rạch nơi đây cũng đi nơi khác hết. Bây giờ để bắt thòi lòi, ngoài khu vực rạch Vũng Luông, chúng tôi còn phải lặn lội ra những cánh rừng ngập mặn ven biển nữa. Tuy nhiên, mức độ môi trường ô nhiễm thì luôn tăng lên, còn sản vật tự nhiên ngày càng giảm sút. Không chỉ riêng thòi lòi, nhiều loại hải sản ven biển khác cũng cạn kiệt. Mấy năm trước, mỗi ngày hai vợ chồng tôi bắt được khoảng 4 - 5 ký lô thòi lòi, thì nay có ngày chỉ được 2 ký” - anh Nguyễn Văn Duẩn, ngư dân ở xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) cho biết.

Có thể nói, dù đã có nhiều thay đổi ở dải đất nằm kẹp giữa hạ nguồn sông Ba Lai và sông Tiền đổ về biển, nhưng nhiều năm qua, loài cá chạy thòi lòi vẫn mang đến sinh kế cho hàng trăm cư dân. Với trữ lượng dồi dào, cá thòi lòi ở vùng bán ngập trên địa bàn thực sự là một sản phẩm khá đặc trưng của những cư dân nơi đây, dù nhiều vùng hạ nguồn nước lợ vùng Nam Bộ đều có loài cá này, nhưng chính con người đang hủy diệt nguồn sống của chúng, cũng như môi trường sống của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.