Giảm đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM): Cần giải pháp từ gốc

GD&TĐ - Liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ngày 24/4, UBND TPHCM đã có văn bản gửi các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan về việc thực hiện giảm đàn cá để phòng ngừa sự cố tái diễn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường và thủy sản, giải pháp trên không khả thi bởi cá chết hàng loạt đến từ nhiều nguyên nhân.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không còn hiện tượng cá chết và nhiều người dân ra câu cá giải trí
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không còn hiện tượng cá chết và nhiều người dân ra câu cá giải trí

Cá chết do nhiều nguyên nhân

Nhiều năm nay, cứ sau những trận mưa đầu mùa, cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại bị chết, đợt gần nhất là ngày 16 và 17/4 cá chết nổi trắng trên kênh. Xác nhận với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết đơn vị đã kiến nghị UBND TPHCM giảm đàn cá trên kênh do mật độ quá lớn nhằm tiết giảm tình trạng cá chết. Đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị dùng lưới để tỉa bớt đàn cá. Theo ông Trung, động thái này được đưa ra dựa trên tham mưu của Chi cục Thủy sản TPHCM khi thực hiện nghiên cứu, quan trắc môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Báo cáo từ kết quả nghiên cứu cho thấy: Hàm lượng oxy hoà tan trong nước ở mức rất thấp - số liệu thực tế là 0,1 - 0,7mg/l trong khi ngưỡng cho phép phải đạt trên 3,5mg/l. Lượng NH3-N lại cao từ 0,378 - 5,44mg/l, nhất là ở cuối kênh và cầu số 1, 4 (ngưỡng cho phép là dưới 0,3mg/l)… chính là nguyên nhân khiến cá chết đợt vừa qua. Ghi nhận thực tế sau đợt cá chết vào đợt mưa đầu tiên trong tháng 4 cho thấy mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hai ngày nay không còn tình trạng ô nhiễm và rác thải, hiện tượng cá chết đã không xảy ra. Nhiều đoạn kênh trải dài từ cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến cầu Điện Biên Phủ (quận 3) nước khá sạch, người dân câu cá giải trí trên kênh khá đông.

Ông Nguyễn Đương (quận Bình Thạnh), người câu cá giải trí mỗi ngày tại đây khẳng định chưa ghi nhận hiện tượng cá chết trên dọc đoạn kênh này. Mặt nước sông cũng không ô nhiễm hay rác thải tràn lan. Theo ông, việc cá chết có nhiều nguyên nhân, một phần do nắng nóng kết hợp với tầng đáy sông ô nhiễm khiến cá thiếu oxy. Một nguyên nhân nữa là tình trạng chích điện cá vẫn diễn ra lén lút. “Sở NN&PTNT và các ban ngành chức năng của TP cần tổ chức lực lượng với ca nô tuần tra tuyến kênh nhiều hơn. Vì tôi vẫn thấy các ghe thuyền dùng điện chích cá. Cá dính điện chết nhiều, vớt không hết sẽ trôi về cuối nguồn gây ô nhiễm nguồn nước”, ông Đương cho biết.

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khá sạch, mặt nước không còn rác thải sinh hoạt
 Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khá sạch, mặt nước không còn rác thải sinh hoạt

Phải giải quyết vấn đề từ gốc

ThS Bùi Văn Hải - Khoa Quản lý Đất đai và Bất động sản, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Giải pháp “tỉa”, giảm đàn cá (giảm cơ học) trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như đề xuất chỉ giải quyết phần ngọn và không cần thiết. Vì cá chết, nổi và trôi về một nơi nên nhìn thấy có vẻ nhiều, nhưng tính trên cả một tuyến kênh thì không phải là lớn. Nên để cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo quy luật sinh tồn, đào thải, điều quan trọng là cần nạo vét lòng kênh, để bùn đất, rác rưởi giảm bớt, gia tăng mực nước.

“Nhìn chung, mọi giải pháp chỉ là giải quyết phần ngọn, cái TP và các ban ngành cần hướng đến là xác định xử lý nguyên nhân từ gốc - từ đầu nguồn và các nguồn nước chảy vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nước phải được xử lý đầu nguồn và các cửa xả, cống xả trực tiếp vào kênh cũng phải được xử lý. Gia tăng việc trồng cây xanh dọc hai bên tuyến kênh, tạo bóng mát, trên mặt nước phải thả các loại cây như bông súng, sen, lục bình… để có tác dụng lọc nước, che và giảm nhiệt trực tiếp trên mặt nước”, ThS Bùi Văn Hải đưa ra giải pháp.

Thực tế, ngoài các yếu tố thủy sinh, đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa đa dạng ở nhiều tầng nước thì nguyên nhân chính khiến cá chết vẫn là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, xả rác thải tràn lan một cách vô ý thức của nhiều người dân.

Theo chuyên gia môi trường, chính rác thải đầy cống rãnh các khu dân cư, tích tụ lâu ngày khi mưa xuống dồn chảy hết ra kênh, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm quá nhanh nguồn nước khiến cá chết ngay khi môi trường sống bị thay đổi đột ngột. Đặc biệt, cá thả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phần lớn là cá rô phi, cá diêu hồng. Đây là cá ăn tầng nước mặt, do đó khi mùa nắng mực nước cận xuống, nhiệt độ nước tăng lên cũng là nguyên nhân khiến cá chết.

Từ thực tế trên, ThS Bùi Văn Hải cho rằng, TP nên trồng thêm nhiều cây xanh dọc trên tuyến kênh nhằm tạo bóng mát. Song song đó nên thả thêm nhiều loại cá khác, sống ở các tầng nước khác nhau. Bởi khi thả thêm các loại khác thì kể cả khi giống cá rô phi, diêu hồng có sinh sản nhanh thì cũng bị các giống cá khác ăn thịt bớt đi theo quy luật tự nhiên.

PGS. TS Vũ Cẩm Lương - Bộ môn Quản lý và phát triển nghề cá, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng nhìn nhận, việc cân bằng sinh thái môi trường nước trên kênh đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm tình trạng cá chết. Vì vậy, từ việc giảm ô nhiễm, cộng với việc mở - đóng cống ngăn triều, thông qua theo dõi thời tiết cụ thể khi tiến hành thau, rửa lòng kênh (cho nước ra, vào) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, giảm tối đa tình trạng cá chết cục bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...