Tại buổi thảo luận trên, ông Tấn có nói rằng, người dân TPHCM “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch” cả. Phát biểu trên được các báo dẫn lại, khiến dư luận rất bất bình.
Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận về phát biểu của mình, ông Tấn lại loanh quanh, cho rằng các nhà báo hiểu sai ý, ông không nói như vậy mà chỉ nói “không để ai thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ” thôi.
Các báo lại một phen… toát mồ hôi, tua băng ghi âm để nghe lại. Cuối cùng là, các báo không sai. Theo băng ghi âm, ông Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TPHCM nói rằng, suốt 5 tháng qua, tuy dịch dã hoành hành dữ dội nhưng người dân TPHCM chưa một ai bị thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ cả.
Có báo còn trích từ giây thứ bao nhiêu đến giây thứ bao nhiêu, nhân vật đã nói như thế! Đến nước này thì không còn cách nào khác, ông Tấn buộc phải thú nhận lỗi của mình và “chân thành xin lỗi người dân thành phố vì cá nhân tôi không có sự sâu sát”.
Chúng ta thấy gì về lời xin lỗi trên đây? Nếu không đặt lời xin lỗi trong ngữ cảnh “đường cùng” thì dư luận có thể cho qua. Vì trong đời, ai rồi cũng có lúc mắc những sai lầm nên sai thì xin lỗi, chả việc gì phải lăn tăn cả. Nhưng ở đây, tính chất của lời xin lỗi hoàn toàn khác với lẽ thông thường.
Thời gian giãn cách vì dịch Covid-19 vừa qua đã có rất nhiều lời xin lỗi từ các vị lãnh đạo cũng như cơ quan công quyền với người dân. Như ở Nha Trang, sau khi công nhận bánh mì là lương thực thiết yếu nên việc phạt người đi mua bánh mì trong những ngày giãn cách vì dịch dã là sai, ông Chủ tịch thành phố này công khai xin lỗi người bị phạt, người dân đã chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho những sai lầm đó.
Lỗi ở đây là do không nắm được vấn đề, cụ thể là “bánh mì có phải là lương thực không?”. Sai ở trình độ nhận thức hoặc đọc các văn bản qua loa, hời hợt dẫn đến sai lầm. Không chỉ vụ bánh mì mà rất nhiều vụ việc khác, lãnh đạo các cấp sẵn sàng đứng ra nhận lỗi vì những quyết định sai lầm của mình, dẫn đến bao bi kịch cho dân.
Ngay cả ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, tại kỳ họp HĐND nói trên cũng chân thành xin lỗi nhân dân TPHCM về những thiếu sót, cả những sai lầm trong việc chỉ đạo chống dịch dẫn đến những mất mát quá lớn mà người dân thành phố phải gánh chịu trong những tháng vừa qua. Không một người dân nào mà không thể tất cho những lời xin lỗi chân thành ấy.
Nhưng với việc xin lỗi của ông Lê Minh Tấn thì tính chất hoàn toàn khác. Thứ nhất, với vai trò là cơ quan trực tiếp nắm bắt thực trạng đời sống của người dân trong những ngày có dịch nhưng lại chả nắm được một tí gì về thực trạng khốn khó của dân.
Hàng trăm nghìn người đã phải tháo chạy khỏi thành phố vì họ không còn đường sống. Sự việc sờ sờ ra đó, đến trẻ con còn biết huống là người đứng đầu một sở như ông Tấn.
Làm quan bây giờ không thể muốn nói gì cũng được. Mọi cử chỉ, hành động, phát ngôn của quan chức đều được sự giám sát chặt chẽ của người dân. Nói không trung thực sự việc đã là có tội, nhưng cãi chày cãi cối, lỗi còn nặng hơn!