Để tổ chức một kỳ thi quốc gia, không chỉ ngành GD mà cả xã hội cùng chung tay góp sức. Theo Quy chế thi THPTQG 2018, tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh nắm trách nhiệm là Trưởng ban. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh là chỉ đạo, kiểm tra các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi; xem xét giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi; Báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện Quy chế thi ở địa phương và đề xuất xử lý các tình huống xảy ra trong tổ chức thi; Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các cấp có thẩm quyền khen thưởng những người có thành tích; kỷ luật những người vi phạm Quy chế thi… Có thể thấy vai trò vô cùng quan trọng của các địa phương trong kỳ thi này.
Thế nên khi vụ việc bị phát hiện tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức nghiêm khắc phê bình tỉnh và các địa phương để xảy ra sai phạm trong kỳ thi; yêu cầu Chủ tịch tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định... Trên phương diện quản lý ngành, Bộ GD&ĐT đã đánh giá Kỳ thi THPTQG 2018 một cách nghiêm túc, cầu thị, khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi và đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khắc phục. Trí tuệ tập thể được phát huy qua các cuộc hội thảo chuyên gia, góp ý từ xã hội để cho ra một bản Quy chế thi có nhiều điểm mới cho năm 2019.
Để thấy, căn cứ theo Quy chế thi, bình tĩnh phân tích những sai phạm Kỳ thi THPTQG 2018, nếu tư duy đánh đồng, đổ hết trách nhiệm lên ngành GD quả thật không công bằng. Mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu quan điểm công tâm khi nhìn nhận về vụ việc này. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nhận định với Báo GD&TĐ: Không có Bộ trưởng nào chỉ đạo nâng điểm cả, nếu chúng ta đổ hết cho ngành GD thì oan cho GD.
Còn ĐBQH Nguyễn Bá Sơn của Đà Nẵng trao đổi với Tiền phong: “…Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thói quen như một trào lưu. Tôi nghĩ chúng ta cần công bằng hơn, không phải cái gì cũng đổ lỗi cho Bộ GD&ĐT. Các trường hợp vi phạm trong gian lận thi cử vừa qua xảy ra ở đâu? Những trường hợp đó là quan chức, dù ở những cấp khác nhau nhưng đều là cấp địa phương, con người của địa phương, do địa phương bổ nhiệm, do địa phương đào tạo. Những trường hợp vi phạm pháp luật ấy, trước hết trách nhiệm phải thuộc về chính quyền địa phương, chứ không thể đổ cho Bộ được”.
Đáng chú ý, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chỉ rõ: “Sai phạm gian lận điểm thi vừa qua xảy ra ở địa phương, thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu địa phương, phải nhìn nhận đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu chưa rõ nét. Muốn lấy lại niềm tin của người dân về giáo dục, không chỉ cấp Bộ mà còn phải ở địa phương…”.
Minh bạch, công bằng trong học tập, thi cử cần đi cùng với khách quan, công tâm trong đánh giá: Việc gì làm được thì ghi nhận, việc gì còn thiếu sót thì cùng phân tích, tháo gỡ. Đừng để tình trạng bất cứ việc gì cũng “auto” quy lỗi GD. Cơ quan công an mới kết luận điều tra vụ việc tại tỉnh Sơn La, sẽ còn có các kết luận về sai phạm thi cử diễn ra tại Hòa Bình, Hà Giang. Vết thương thi cử trong giáo dục, lãnh đạo các địa phương không thể mãi thõng tay như gần 1 năm qua. Người đứng đầu mỗi khâu phải nhìn rõ trách nhiệm của mình mới mong tìm được giải pháp chuẩn mực, dài lâu.