Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh trải lòng như vậy với báo chí khi được hỏi về việc xử lý các sai phạm thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Cho rằng khi nào còn thi cử thì còn gian lận, điều này không loại trừ bất kỳ một quốc gia nào, ở một thời kỳ nào, nên theo ông Trinh, chúng ta phải tìm cách và chủ động hạn chế thấp nhất gian lận thi cử có thể xảy ra.
Về xử lý sai phạm, quy chế thi đã quy định rõ về xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi, cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi (Điều 48) và xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi (Điều 49).
Điều 49 đã ghi rất rõ các mức độ xử lý sai phạm của thí sinh: Cảnh cáo; đình chỉ thi; trừ điểm bài thi; hủy bỏ kết quả thi; hủy bỏ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm. Không có lổ hổng nào về mặt pháp lý.
Trong các hình thức xử lý kỷ luật với thí sinh, khoản 7, điều 49 ghi rõ: “Đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định;
Đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định tại Điều này”.
Khẳng định mọi sai phạm đều phải xử lý nghiêm dựa trên chứng cứ cụ thể, ông Mai Văn Trinh cho biết: Hiện nay 39 thí sinh của Hà Giang, 12 thí sinh Sơn La, Hòa Bình có liên quan đến gian lận điểm thi đang tiếp tục học ở các trường ĐH. Nhưng "tới đây, khi kết quả điều tra rõ ràng, thí sinh liên quan đến đâu, cán bộ liên quan đến đâu, phụ huynh liên quan đến đâu sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật" - ông Trinh cho hay.
Liên quan đến xử lý tiêu cực thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh đến nỗ lực tối đa của Bộ Công an và cho biết, để có kết quả đã công bố cần phải đầu tư không chỉ máy móc hiện đại mà còn cả con người, thời gian.
Cũng về nội dung này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhiều lần nhắc lại: Quan điểm của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an là xử lý rất quyết liệt; tuy nhiên việc xử lý sai phạm phải dựa trên chứng cứ thuyết phục về mặt pháp luật, để làm sao vừa xử lý nghiêm, nhưng cũng phải tránh cực đoan và tránh bị lợi dụng để làm mất an toàn xã hội.
Liên quan đến các thí sinh bị mất cơ hội vào ĐH do những thí sinh gian lận điểm thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng: Có những sai phạm dẫn đến hậu quả mà chúng ta không thể nào khắc phục được. Những thí sinh bị lỡ cơ hội vào ĐH là hậu quả để chúng ta thấy không có lý do gì để nương nhẹ cho sai phạm và quyết tâm hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để loại bỏ sai phạm.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng |
Xử lý thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT tại các trường ĐH
Trả lời về việc xử lý thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT tại các trường ĐH, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh, phù hợp với quy chế tuyển sinh.
Việc xử lý sai phạm liên quan đến kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh không chỉ được áp dụng bởi các quy định trong Quy chế mà còn các qui định của một số văn bản quy phạm pháp luật khác và các qui định cụ thể, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH.
Viêc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.
Các cơ sở giáo dục ĐH có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ; như các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường phải căn cứ vào quy định của Quy chế tuyển sinh, của Đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của từng trường và quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền để chủ động xử lý nghiêm, đúng pháp luật, đảm bảo có căn cứ và có trách nhiệm giải trình với xã hội.
Hiện nay, các trường ĐH thuộc khối Công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
Riêng các thí sinh xét tuyển bằng học bạ, bằng tổ hợp không liên quan hoặc có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thi trước mắt, trong quá trình đang điều tra, các trường tạm thời vẫn cho tiếp tục theo học.
Khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, căn cứ vào kết luận, thí sinh nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thi sinh có sự gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia.
Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, tham khảo ý kiến chuyên gia pháp luật để hoàn thiện các quy chế, quy định của ngành, để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đặc biệt là qui định các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý được ngay đối với các loại vi phạm trong gian lận thi cử.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An. |
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT liên quan đến tiêu cực thi THPT quốc gia năm 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An dẫn công văn số 7864/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ (ngày 20/8/2018), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Theo đó, yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi và giải pháp khắc phục; có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi điểm thi.
Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định.