Vậy, nhìn nhận trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và địa phương liên quan đến sai phạm tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã rõ chưa? Xin được khẳng định là đã rất rõ trong Công văn số 7864/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ (ngày 20/8/2018) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung văn bản này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông ngay khi ban hành, nay xin được nhắc lại: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc“yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi và giải pháp khắc phục; có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi điểm thi.
Nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định”.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, xin được nhắc lại một hoạt động có lẽ thu hút nhiều nhất sự quan tâm của giới truyền thông trong tháng 7/2018, khi các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về rà soát những bất thường điểm thi tại một số tỉnh. Nhiều buổi làm việc xuyên đêm đã diễn ra nhằm làm sáng rõ nghi vấn tiêu cực, đáp ứng sự mong chờ từng giây, từng phút của dư luận. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh từng chia sẻ những đêm trắng, có thời điểm 5 đêm mất ngủ liên tục; 2 - 3 giờ sáng, gọi điện thoại là Bộ trưởng nhấc máy ngay.
Việc tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh sau dấu hiệu bất thường về điểm thi năm 2018 được tiến hành khẩn trương, đồng thời Bộ GD&ĐT tổ chức chấm thẩm định theo quy định của quy chế. Kết quả ban đầu của quá trình tổ chức thực hiện đã thông tin rộng rãi cho toàn xã hội; kịp thời báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, Bộ GD&ĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi các địa phương.
Căn cứ kết quả điều tra của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã thông báo tới Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La, yêu cầu cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi và rà soát kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018; thông báo kết quả cho thí sinh, các trường ĐH, CĐ có liên quan. Bộ đồng thời yêu cầu các trường ĐH, CĐ liên hệ chặt chẽ với Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại thông báo của Bộ Công an để xét tuyển sinh ĐH, CĐ và thông báo kết quả cho thí sinh liên quan.
Hiện nhiều cán bộ giáo dục, công an của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã bị khởi tố. Các tiêu cực, gian lận xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia đã, đang và tiếp tục được Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của quy chế thi, pháp luật hiện hành.
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia; thực hiện những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức thi THPT quốc gia để tổ chức tốt hơn kỳ thi 2019 và những năm tiếp theo.
Phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2019 đã được công bố theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Dù vậy, vẫn có ý kiến quy mọi trách nhiệm tiêu cực thi cử lên Bộ GD&ĐT. ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) mới đây đã lên tiếng trên báo chí, cho rằng “tất cả đổ cho Bộ GD&ĐT là không công bằng”. Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thì rõ ràng với quan điểm “những cán bộ dính líu đến gian lận thi cử vừa rồi đều ở địa phương, là những người do địa phương đào tạo, cất nhắc, bổ nhiệm. Trách nhiệm trước hết của chính quyền địa phương chứ không đổ cho Bộ được”.
Chỉ khi rõ vai, rõ trách nhiệm và từng người làm đúng, làm tốt nhiệm vụ của mình, thì không chỉ Kỳ thi THPT quốc gia, mà mọi việc đều có thể đạt được kết quả theo đúng mục tiêu đặt ra.