Sai phạm tại trường Đại học Đồng Nai: Cần cơ quan điều tra vào cuộc

GD&TĐ - Sau bài viết về sai phạm tại ĐH Đồng Nai, Báo GD&TĐ nhận được phản biện của bà Lê Thị Hoài Lan, nguyên Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục về một số nội dung trong bài viết.

Đại học Đồng Nai
Đại học Đồng Nai

Sai phạm tại ĐH Đồng Nai: Hiệu trưởng bị kỷ luật Đảng vẫn tại vị sau 45 ngày?

Hiệu trưởng kết luận “không có cơ sở pháp lý để xem xét”

Ở bài viết “Sai phạm tại ĐH Đồng Nai: Hiệu trưởng bị kỷ luật Đảng vẫn tại vị sau 45 ngày?”, Báo có đưa tin việc một số CBVC Trường ĐH Đồng Nai đã tố cáo, phản ánh bà Lê Thị Hoài Lan - Trưởng Bộ môn QLGD của trường không chấm bài Thu hoạch các lớp CDNN và lớp Nghiệp vụ QLGD trường học để chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng.

Bà Lan cho biết, thông tin trên là không đúng sự thật.

Để minh chứng, bà Lan đã cung cấp văn bản “Kết luận thanh tra (KLTT) về Hoạt động chấm bài thu hoạch các lớp bồi dưỡng chuẩn CDNN do Trường ĐH Đồng Nai tổ chức từ năm 2018 đến hết năm 2019 và việc khắc phục trong quản lý sử dụng sách của Trung tâm Thông tin - Thư viện theo Kết luận của UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai” do Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai ký ngày 22/12/2020.

Theo đó, văn bản của trường nêu: Trưởng bộ môn QLGD (bà Lan - PV, đơn vị chấm bài) có báo cáo giải trình, khẳng định thực tế là có chấm bài, nhưng không thực hiện ghi điểm trên bài thu hoạch, vì không có quy chế hướng dẫn về việc này từ các đơn vị chức năng liên quan trong nhà trường.

Bộ môn QLGD mô tả việc thể hiện quy trình chấm để thể hiện trong bảng ghi điểm do Phòng Khảo thí - ĐBCL và TTGD cung cấp, minh chứng cụ thể là phiếu con (theo cách gọi của Bộ môn QLGD) đã gửi đoàn thanh tra.

KLTT cũng thể hiện có việc ông Lê Đăng Hoàn, bà Phan Thị Hồng Hà (GV Bộ môn QLGD), bà Hoàng Thị Song Thanh (chuyên viên Phòng Khảo thí - ĐBCL và TTGD - thư ký chấm bài), ông Lê Kính Thắng - Trưởng phòng Đào tạo… phản ánh, tố giác về vụ việc. Những nội dung này trong bản KLTT của trường có mở ngoặc () là không có minh chứng kèm theo.

Từ một số căn cứ, KLTT do Hiệu trưởng nhà trường ký cho rằng: “Không có cơ sở pháp lý để xử lý về quy trình chấm bài thu hoạch giai đoạn 2018 - 2019, vì tại thời điểm đó nhà trường chưa ban hành quy trình chấm.

Dựa theo biên bản làm việc của các GV Bộ môn QLGD, tất cả các chữ ký chấm trên bảng điểm bài thu hoạch nộp cho phòng Khảo thí là có cơ sở cho việc nhập điểm của học viên… Đồng thời KLTT này cũng xác định các cáo buộc, phản ánh, tố giác là không có dẫn chứng, minh chứng.

Ngoài ra, KLTT của trường cũng khẳng định, các “phiếu con” theo như các biên bản và tường trình thể hiện là phiếu điểm nội bộ do Bộ môn QLGD tự làm. Nó có tác dụng kiểm soát quá trình chấm bài giữa các cán bộ chấm trong bộ môn để hình thành điểm chính thức trong bảng điểm bài thu hoạch nộp cho Phòng Khảo thí.

Đồng thời, trong quá trình nộp bài thu hoạch, Phòng Khảo thí cũng không yêu cầu nộp các “phiếu con” này… Vì vậy, các “phiếu con” này không được xem là cơ sở pháp lý để xem xét quy trình thực hiện theo quy định pháp lý của cơ quan có thẩm quyền.

Văn bản, ngày 28/8/2020, bà Lê Thị Hoài Lan đã có đơn kiến nghị Ban Giám hiệu và Phòng Khảo thí, Đảm bảo chất lượng cung cấp tất cả phiếu điểm của các lớp bồi dưỡng CDNN được Hiệu trưởng phê duyệt.
Văn bản, ngày 28/8/2020, bà Lê Thị Hoài Lan đã có đơn kiến nghị Ban Giám hiệu và Phòng Khảo thí, Đảm bảo chất lượng cung cấp tất cả phiếu điểm của các lớp bồi dưỡng CDNN được Hiệu trưởng phê duyệt.

Kết luận của hiệu trưởng “lệch” với báo cáo của thanh tra nội bộ?

Như vậy, nếu căn cứ theo KLTT do Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai ký ngày 22/12/2020, thì một số nội dung trong đơn tố cáo của CBVC Trường ĐH Đồng Nai phản ánh, liên quan đến việc tổ chức chấm bài thu hoạch của  bà Lê Thị Hoài Lan - Trưởng bộ môn QLGD, là không có cơ sở.

Thế nhưng, hiện nhiều cán bộ, giảng viên Trường ĐH Đồng Nai chưa tâm phục khẩu phục với KLTT ngày 22/12/2020 do Hiệu trưởng ký.

Trong kết luận của UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai có nêu: Việc chấm bài thu hoạch không đúng quy định.

Đoàn Kiểm tra của UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế tại kho lưu trữ bài thu hoạch lớp đào tạo chuẩn CDNN 2018, 2019 và lớp Bồi dưỡng Nghiệp vụ QLGD xác định: “Tất cả các bài thu hoạch khối TH, THCS, THPT không thể hiện ghi điểm, chữ ký giám khảo ở trang bìa”.

Và thực tế, bên trong các bài thu hoạch cũng không có bút tích nào thể hiện có chấm.

Trước khi công bố KLTT, Hiệu trưởng đã thành lập Đoàn thanh tra nội bộ gồm 6 thành viên làm việc từ ngày 14 - 25/9/2020. Nội dung KLTT do Hiệu trưởng ký không phản ánh đúng các nội dung báo cáo của Đoàn thanh tra nội bộ.

Cụ thể, bản báo cáo của Đoàn thanh tra nội bộ nhà trường có chữ ký tươi của các thành viên thể hiện có việc phản ánh của ông Lê Đăng Hoàn, bà Phan Thị Hồng Hà, bà Hoàng Thị Song Thanh và ông Lê Kính Thắng. Các phản ánh này đều ghi có minh chứng. Trong khi KLTT do Hiệu trưởng ký lại ghi không có minh chứng.

Trang bên trái là KLTT do Hiệu trưởng nhà trường ký, trang bên phải là Báo cáo của đoàn thanh tra nội: có nội dung khác nhau về vấn đề minh chứng
Trang bên trái là KLTT do Hiệu trưởng nhà trường ký, trang bên phải là Báo cáo của đoàn thanh tra nội: có nội dung khác nhau về vấn đề minh chứng

Hai thành viên trong đoàn là ông Lê Kính Thắng (Trưởng phòng Đào tạo), ông Trương Văn Minh (Chủ tịch Công đoàn trường) đã đề nghị chuyển các minh chứng sang cơ quan chức năng có nghiệp vụ điều tra.

Theo 2 thành viên này, các “phiếu con” có dấu hiệu mới được chế ra (sau năm 2018, 2019) nhằm đối phó với Đoàn thanh tra chứ không phải hình thành trong quá trình chấm bài thu hoạch.

Do đó, các thành viên trên đã đề nghị niêm phong và chuyển toàn bộ “phiếu con” sang cơ quan điều tra có nghiệp vụ để xử lý.

Thế nhưng, ông Nguyễn Thế Khang - Trưởng đoàn Thanh tra nội bộ (thời điểm thanh tra là Trưởng khoa Kinh tế, nay đã chuyển công tác sang trường khác) kiến nghị để có ý kiến của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thì mới xem xét tính có thật và khách quan của các bảng điểm do bà Lê Thị Hoài Lan nộp.

Một phần ‘phiếu con’ tự tạo của Bộ môn QLGD và bài thu hoạch không có bút tích của giám khảo gây tranh cải tại Trường ĐH Đồng Nai. Đồng thời các ‘phiếu con’ này không thể hiện tên của đề tài mà học viên làm.
Một phần ‘phiếu con’ tự tạo của Bộ môn QLGD và bài thu hoạch không có bút tích của giám khảo gây tranh cải tại Trường ĐH Đồng Nai. Đồng thời các ‘phiếu con’ này không thể hiện tên của đề tài mà học viên làm.

Vì ý kiến trả lời của Cục Quản lý chất lượng là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý vấn đề. Tuy nhiên, sau đó nhà trường không gửi tới Cục Quản lý chất lượng mà đã gửi văn bản tới Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Công văn phúc đáp của Cục này cũng chỉ nêu vấn đề chung chung, không thể hiện việc làm này của trường là đúng hay sai.

Cũng trong thời điểm này, những bài thu hoạch do Bộ môn GD Mầm non của Trường ĐH Đồng Nai chấm thì thể hiện bút tích chấm bài rõ ràng trên từng cuốn tiểu luận.

Ông Lê Kính Thắng (Trưởng phòng Đào tạo) nêu trong Báo cáo Những sai phạm trong công tác đào tạo (ngày 3/11/2020) gửi Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhà trường… có đề cập nội dung: “Lưu ý, ngày 28/8/2020, cô Lê Thị Hoài Lan đã có đơn kiến nghị đề nghị Ban Giám hiệu và Phòng Khảo thí, Đảm bảo chất lượng cung cấp tất cả phiếu điểm của các lớp bồi dưỡng CDNN cho Bộ môn và đơn này đã được Hiệu trưởng phê duyệt (có đơn kèm theo).

Đây là dấu hiệu cho thấy, Bộ môn đã sử dụng thông tin về điểm từ các phiếu này để chế ra các phiếu được gọi là (phiếu con) nhằm che giấu sai phạm không chấm bài của nhóm giảng viên Bộ môn QLGD”?

KLTT ngày 22/12/2020 của nhà trường và bà Lan đều khẳng định có chấm điểm bằng phiếu con. Nhưng một số CBVC cho rằng, phiếu con chấm là… nguỵ tạo. Ai đúng ai sai trong chuyện này, có lẽ phải cần đến nghiệp vụ điều tra của cơ quan chuyên ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số hiện vật bằng vàng trong Kho báu Staffordshire. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Kho báu Staffordshire

GD&TĐ - Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.