Sai phạm tại SAGRI: Ông Trần Vĩnh Tuyến xin khoan hồng cho các bị cáo khác

GD&TĐ - Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) bảo lưu những ý kiến đã trình bày trước đó, đồng thời xin HĐXX xem xét khoan hồng cho các bị cáo khác.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn (trái) và bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn (trái) và bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa.

“Tạo nghiệp sẽ bị quả báo”

Ngày 16/12, Tòa án nhân dân TPHCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI) và 17 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại SAGRI. Hội đồng xét xử đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo..

Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cám ơn HĐXX đã cho ông được trình bày những quan điểm cá nhân, đồng thời xin bảo lưu những ý kiến trong suốt quá trình xét xử.

“Sau phiên tòa này, chúng ta sẽ đối diện với một bản án khác, đó là bản án lương tâm. Tạo nghiệp sẽ bị quả báo nên tôi không bao giờ đổ lỗi cho người khác” - bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày. Đồng thời, ông Tuyến cho rằng tất cả thuộc cấp của ông trong vụ án này đều đáng thương hơn đáng trách, xứng đáng được hưởng sự khoan hồng, “họ đáng thương hơn đáng trách, họ xứng đáng nhận được sự khoan hồng”.

Trong vụ án này, Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến từ 7 - 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí. Bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) bị đề nghị mức phạt 7 - 8 năm tù cùng về tội danh trên. Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Trần Trọng Tuấn mong bản án công tâm khách quan theo đúng quy định pháp luật.

Bị đề nghị tổng hình phạt 26 - 30 năm tù, nói lời sau cùng bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) đã: “Trân trọng cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo trình bày. Bị cáo mất hết tất cả. Cả quá trình công tác, cuộc đời bị cáo mất hết. Bị cáo phải đối diện với tội danh hết sức đau đớn, là tội danh tham ô. Mấy ngày nay bị cáo suy nghĩ mãi không hiểu vì lý do gì, tại sao bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị mức hình phạt hết sức cao.

Đây có phải là mức án do số phận đã an bài cho bị cáo hay không. Ngày hôm nay bị cáo vẫn còn hy vọng niềm tin cuối cùng vào phán quyết của HĐXX, và mong HĐXX xem xét đầy đủ, thấu tình, đạt lý để bị cáo nhận thấy đúng trách nhiệm của mình với hình phạt xứng đáng”.

Tranh cãi về văn bản “mật”

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Trong phần đối đáp lần 2 về nội dung vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại SAGRI, nói về việc mức án đề nghị với bị cáo Lê Tấn Hùng cao so với các bị cáo Vân Trọng Dũng (Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI) và Hồ Văn Ngon (Phó Tổng Giám đốc SAGRI), đại diện Viện KSND cho rằng cần xét tổng thể mức độ, tính chất liên quan đến chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9 (nay là TP Thủ Đức) từ đó đưa ra mức án phù hợp. Thực tế là mức hình phạt thấp so với khung hình phạt có mức án cao nhất 20 năm.

Trao đổi lại ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (bị tạm đình chỉ công tác) về việc cho rằng Kiểm sát viên (KSV) dùng lời lẽ không phù hợp, có ý miệt thị bị cáo, yêu cầu rút lại lời nói mang tính miệt thị, KSV Nguyễn Đức Bằng cho rằng đây là nhận định chủ quan của luật sư.

KSV Nguyễn Đức Bằng: “Chúng tôi dùng từ trên cơ sở hành vi của bị cáo liên quan đến các hành vi trong quá trình bị cáo giải quyết vụ việc có dấu hiệu sai phạm và hiện tại đã bị truy tố trước pháp luật. Chính vì vậy, đó là những hành vi liên quan đến hành vi phạm tội phải làm rõ”.

Ngoài ra, đại diện Viện KSND cũng khẳng định đầy đủ thẩm quyền để đánh giá hành vi đó như thế nào. “Đề nghị luật sư nghiên cứu kiểm tra lại từ điển từ “dấm dúi” như thế nào.

Cắt nghĩa theo vùng miền có thể khác nhau nhưng theo cách hiểu của KSV và theo từ điển Việt Nam thì từ đó có nghĩa là việc làm không minh bạch, làm khuất mắt người khác mà sợ bị phát hiện. Điều này là điều nhận định hết sức bình thường, có căn cứ” - đại diện Viện KSND trao đổi.

Theo đại diện Viện KSND, tờ trình của Văn phòng ủy ban không phải nằm trong danh mục bí mật Nhà nước của UBND TPHCM. Và việc xác định độ mật hay không phải theo quy trình luật sư cũng nắm rõ. Trong trường hợp này, bị cáo ghi vào tờ trình, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ: Bị cáo phê lần đầu tiên “chờ kết luận của Thanh tra đối với SAGRI có liên quan không”, sau đó ghi chữ “Mật” và gạch chân 2 lần”.

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các nghị định, thông tư hướng dẫn của Bộ Công an và Chính phủ nếu xác định là văn bản Mật thì phải có trình tự thủ tục. Thực tế, văn bản này vì không phải mật vì không được đóng dấu “Mật” và không đúng trình tự thủ tục. Nếu trong trường hợp xác định là văn bản mật cá biệt thì cần xem xét có dấu hiệu làm lộ bí mật hay không.

Chính việc ghi chữ “Mật” không đúng thì cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là KSV có quyền nhận xét đó là sự thiếu minh bạch thể hiện ý thức chủ quan của bị cáo. Đại diện Viện KSND khẳng định “không có điều gì sai sót, không có điều gì miệt thị bị cáo”.

Đồng thời, đại diện cơ quan công tố cho rằng: “Nếu luật sư tiếp tục khẳng định như vậy, phát biểu nơi công cộng trong quá trình xét xử thì chúng tôi tiếp tục xem xét việc vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề của luật sư…”.

Liên quan đến quan điểm luận tội bị cáo Lê Tấn Hùng và luật sư bào chữa đề nghị HĐXX, Viện KSND xem xét lại việc xác định tội danh, có phần là chủ quan và mức hình phạt quá cao, gây oan sai cho bị cáo… Đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo và luật sư có sự nhầm lẫn giữa việc xác định không có thiệt hại và thiệt hại đã được khắc phục.

Đại diện cơ quan giữ quyền công tố nói thiệt hại được xác định khi tiền đã thoát ly khỏi cơ quan Nhà nước, còn việc bị cáo nộp lại tiền là hành vi khắc phục hậu quả. Nếu bị cáo không khắc phục, HĐXX cũng sẽ buộc các bị cáo phải khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ