Sai phạm tại SAGRI: Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận có chủ quan

GD&TĐ - Thừa nhận có phần chủ quan khi duyệt cho Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) chuyển nhượng dự án cho tư nhân, tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM)

Ông Trần Trọng Tuấn (trái) và ông Trần Vĩnh Tuyến tại tòa.
Ông Trần Trọng Tuấn (trái) và ông Trần Vĩnh Tuyến tại tòa.

Thừa nhận có phần chủ quan khi duyệt cho Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) chuyển nhượng dự án cho tư nhân, tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cho rằng mình chỉ là người ký thay.

“Chỉ là người ký thay”

Ngày 9/12, Tòa án nhân dân TPHCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) và 17 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại SAGRI.

Là người đầu tiên bị xét hỏi, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cho rằng ông thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là do sự chủ quan, không thẩm tra hồ sơ khi cấp dưới trình lên, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc.

Tại tòa, ông Tuyến trình bày được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM từ năm 2016. Từ khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông không được phân công phụ trách mảng nông nghiệp, trong đó có SAGRI.

Liên quan việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở khu phố 4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP Thủ Đức), ông Tuyến cho biết từ năm 2008 đã có quá trình hợp tác của dự án nhà ở giữa Tổng Công ty Phong Phú và SAGRI nên thực tế bị cáo không phụ trách dự án này.

Liên quan việc ký quyết định đồng ý cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú, ông Tuyến thừa nhận mình là người ký, căn cứ vào thẩm quyền được phân công và căn cứ vào quy định của pháp luật thời điểm đó.

“Bị cáo biết hồ sơ chuyển nhượng dự án này ngày 9/11/2017, khi văn phòng UBND thành phố trình lên, hồ sơ có tờ trình của Sở Xây dựng TPHCM. Bị cáo ký nhưng không báo với Thường trực UBND TPHCM, lãnh đạo UBND TPHCM, chỉ ký vì được phân công lĩnh vực này.

Bị cáo ký nhưng không thẩm tra hồ sơ, ký vì hồ sơ trình đầy đủ thủ tục. Bị cáo có sự chủ quan trong việc ký quyết định trên. Trước khi ký quyết định, bị cáo không biết ai là người quản lý SAGRI” - ông Tuyến trình bày.

Đồng thời, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố hành vi phạm tội của bị cáo vì đã ký quyết định cho phép SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước là đúng.

Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng sau khi ký xong không nhận lại được báo cáo về quá trình thực hiện việc chuyển nhượng do không phụ trách mảng nông nghiệp và SAGRI. Theo đó, việc phụ trách hay báo cáo cụ thể tiến độ này do một Phó Chủ tịch khác phụ trách và theo quy định, mảng của Phó Chủ tịch nào phụ trách Phó Chủ tịch đấy sẽ được báo cáo và theo dõi, ký thay Chủ tịch UBND TPHCM.

Bị cáo Tuyến thừa nhận, trong vụ án mình có chủ quan, không kiểm tra sau này nên để SAGRI thoái vốn không đúng quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, ông Tuyến cũng thừa nhận việc cho phép chuyển nhượng dự án là sai nhưng đề nghị xem xét lại tội danh. Đồng thời, ông Tuyến cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai phạm xuất phát từ việc nể nang ông Lê Tấn Hùng là em của cựu Bí thư Thành ủy TPHCM.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao cho rằng, bản chất việc chuyển nhượng này là dự án kinh doanh bất động sản kèm theo quyền sử dụng đất. Ngoài ra, đây là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Do đó, việc ký chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Phong Phú là chưa công khai, minh bạch. Đây là cơ sở để bị cáo Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỷ đồng.

Dự án nhà ở Phong Phú tại P.Phước Long B, Q.9, TPHCM liên quan vụ án.
Dự án nhà ở Phong Phú tại P.Phước Long B, Q.9, TPHCM liên quan vụ án.

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng: “Có chứng cứ không vi phạm”

Liên quan đến sai phạm trong vụ án, bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM), bị Viện KSND tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

Trình bày tại tòa,  bị cáo Trần Trọng Tuấn cho rằng ông không phạm tội như cáo trạng nêu và đề nghị HĐXX xem xét khách quan, đầy đủ, toàn diện để đánh giá chứng cứ, xác định ông có tội hay không có tội.

“Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định có 3 sai phạm chính trong vụ án này. Tuy nhiên, với 3 hành vi mà cáo trạng cho rằng đó là sai phạm chính thì chúng tôi có những chứng cứ pháp lý và căn cứ quy định pháp luật để khẳng định chúng tôi không vi phạm” - bị cáo Tuấn nói.

Theo trình bày của bị cáo Tuấn, từ 10/1/2013 đến 25/4/2019, ông là Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM và được giao nhiệm vụ làm chủ tịch hội đồng thẩm định của TPHCM về chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp để tham mưu cho Chủ tịch UBND TPHCM cho phép hay không cho phép chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Nghị định 76/2015.

Tháng 4/2017, Sở Xây dựng TPHCM nhận hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI. Sau khi văn phòng nhận hồ sơ thì tự động chuyển cho các phòng chuyên môn, trong trường hợp này là Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Trưởng phòng là ông Phan Trường Sơn.

Sau đó, tổ thư ký họp và trình lên hội đồng thẩm định. Chủ tịch hội đồng sẽ căn cứ ý kiến của các thành viên trong hội đồng và quy định pháp luật để kết luận dự án có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo ông Tuấn, trong cuộc họp của hội đồng, tổ thư ký phát phiếu ý kiến và thành viên hội đồng ghi ý kiến chứ không phải là phiếu biểu quyết.

“Đối với hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI, sau này khi xem lại các phiếu ý kiến đó, thì có 2 ý kiến ghi “đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan” và phiếu thứ 2 ghi “thống nhất chuyển nhượng và đề nghị lấy ý kiến thêm của Sở Tài chính”, chứ không có ý kiến nào ghi là không thống nhất.

Trong cuộc họp, thành viên hội đồng đã họp thống nhất chuyển nhượng và tôi cũng đã kết luận. Còn phiếu ý kiến là ghi lại để làm cơ sở đối chiếu sau này” - ông Tuấn phát biểu tại tòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.