Sai phạm tại SAGRI: Ông Lê Tấn Hùng khóc khi bị đề nghị 26 - 30 năm tù

GD&TĐ - Bị đề nghị xử phạt với mức án 26 - 30 năm tù, bị cáo Lê Tấn Hùng khóc nghẹn trước tòa.

Bị cáo Lê Tấn Hùng (trái) và bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa.
Bị cáo Lê Tấn Hùng (trái) và bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa.

Trong khi, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày, mình không có sai sót nào cố ý, hoàn toàn không vụ lợi, đã chủ động khắc phục thiệt hại.

“Cả cuộc đời không chỉ vì hành vi này mà phải đánh đổi”

Ngày 13/12, Tòa án nhân dân TPHCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI) và 17 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại SAGRI. Hội đồng xét xử đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo.

Đại diện Viện KSND đề nghị xử phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 26 - 30 năm tù. Theo đại diện Viện KSND, ông Hùng ở cương vị người đứng đầu, vai trò cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện chỉ đạo cấp dưới chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP Thủ Đức, TPHCM) chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TPHCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú.

Ngoài ra, bị cáo Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo cấp dưới lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chiếm đoạt 13,3 tỷ đồng của đơn vị để sử dụng vào mục đích cá nhân.

“Quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Lê Tấn Hùng cho rằng bản thân không có chủ đích hưởng lợi, chia lợi nên đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi Tham ô tài sản do bị cáo đã dùng tiền cá nhân để hoàn trả vào số tiền thất thoát tại SAGRI. Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu vụ án, HĐXX cần có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo…” - đại diện Viện KSND nêu quan điểm

Khi nghe đại diện Viện KSND cáo buộc về hai tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và đề nghị xử phạt 26 - 30 năm tù, bị cáo Lê Tấn Hùng đã khóc nghẹn ngào.

Tự bào chữa trước tòa với giọng nức nở, nghẹn ngào, bị cáo Lê Tấn Hùng cho rằng khi mình về làm việc tại SAGRI, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bị cáo cùng các lãnh đạo tổng công ty luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

Còn về hành vi tham ô tài sản, bị cáo khẳng định mình không có động cơ vụ lợi, chia lợi. Việc chỉ đạo cấp dưới lập khống 10 hợp đồng nhằm lo cho người lao động, chia sẻ thành quả cho người lao động, cho người lao động ra ngoài để học tập kinh nghiệm.

“Xin cam đoan với lương tâm, cả cuộc đời tôi không chỉ vì hành vi này mà phải đánh đổi. Sự việc ảnh hưởng tới gia đình tôi, mong tòa xem xét hình phạt phù hợp” - bị cáo Lê Tấn Hùng nghẹn ngào nói.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cũng cho rằng, bản thân bị cáo đã rất ăn năn, hối cải chứ không phải tương đối hối hận như nhận định của Viện KSND. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này. Bên cạnh đó, luật sư của bị cáo Hùng cũng cho rằng quá trình tố tụng có một số thiếu sót khi HĐXX chưa hỏi bị hại về mức hình phạt đối với các bị cáo nên đề nghị bổ sung.

Liên quan tội tham ô tài sản, luật sư cho rằng, ông Hùng có sai phạm nhưng bản thân bị cáo này không có động cơ vụ lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước, đề nghị tòa xem xét. Đồng thời, luật sư đề nghị xem xét cho thân chủ mình một số tình tiết giảm nhẹ như đã khắc phục hậu quả, quá trình công tác có nhiều đóng góp…

Đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị các mức xử phạt tại tòa.
Đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị các mức xử phạt tại tòa. 

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến: “Không cố ý tạo ra sai sót…”

Liên quan đến vai trò của bị cáo Trần Vĩnh Tuyến dẫn đến sai phạm tại SAGRI, đại diện Viện KSND nghị HĐXX xử phạt với mức án từ 7 - 8 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo đại diện Viện KSND, trong vụ án này, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, P. Phước Long B, do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú.

Đại diện cơ quan công tố cho rằng, bị cáo Tuyến biết rõ dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa thực hiện thoái vốn, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá, tổ chức đấu giá. Tuy nhiên ông Tuyến đã ký Quyết định 6077 chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Trong phần bào chữa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày, mình không có sai sót nào cố ý, hoàn toàn không vụ lợi, đã chủ động khắc phục thiệt hại, nên rất mong HĐXX xem xét, thấu đáo, chi tiết.

“Trong phần xét hỏi, bị cáo đã trình bày trung thực, khách quan quá trình bị cáo xử lý hồ sơ này và bị cáo giữ nguyên lời khai. Riêng mức án của Viện KSND đề nghị đối với bị cáo, đã vượt qua suy nghĩ và nhận thức pháp luật của bị cáo.

Bởi vì bị cáo cho rằng, đến giờ này, mình không có sai sót nào cố ý, hoàn toàn không vụ lợi, đã chủ động có hành vi khắc phục thiệt hại này. Mong HĐXX xem xét, để có bản án có tình có lý, phù hợp pháp luật” - bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày.

Bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa, các sai phạm đều diễn ra trước thời điểm ông Trần Vĩnh Tuyến được phân công làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Cụ thể, trong Công văn số 2024 ngày 2/6/2020, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định UBND TPHCM có phân công cho ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ký Quyết định 6077 dựa trên thẩm quyền, nhiệm vụ đã được phân công và thực hiện tiếp tục công việc thuộc lĩnh vực ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách do ông Khoa nghỉ phép và nghỉ làm việc vì lý do sức khỏe vào năm 2017.

Theo luật sư Hoài, quá trình SAGRI xin chuyển nhượng cho đến khi Sở Xây dựng TPHCM lập Tờ trình gửi đến UBND TPHCM, được tiếp nhận ngày 9/11/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến xử lý và ký Quyết định 6077 ngày 17/11/2017, chỉ có 8 ngày. Liệu trong 8 ngày, ông Tuyến có đủ thời gian để nắm được các bất cập, vướng mắc trong áp dụng pháp luật trong giao dịch hợp tác giữa SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú.

“Cần xem xét đánh giá về nhận thức chủ quan có phải ông Tuyến biết sai, nhưng do nể nang mà vẫn ký? Tại phiên tòa, ông Tuyến đã trung thực nhìn nhận, mặc dù không có động cơ vụ lợi, áp lực, nhưng do trong suy nghĩ có nể nang ông Lê Tấn Hùng là em của nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM. Nếu không ký quyết định, người khác sẽ hiểu sai là ông Tuyến gây khó dễ…” - luật sư Hoài nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...