Cơ quan CSĐT đề nghị phải có bản án nghiêm khắc
Theo Cơ quan CSĐT, ông Lê Tấn Hùng là người có trình độ hiểu biết về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (năm 2016), Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng “Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM” trái quy định.
Cơ quan CSĐT chỉ rõ dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án - kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng ông Lê Tấn Hùng bất chấp các quy định, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục và ký văn bản đề nghị UBND TP chấp thuận chuyển nhượng, ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ “Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM” cho Nhà nước số tiền hơn 348,7 tỷ đồng tại thời điểm chuyển nhượng dự án; số tiền hơn 648,2 tỷ đồng (tại thời điểm khởi tố vụ án).
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, hành vi của ông Lê Tấn Hùng đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cần phải xử lý bằng một bản án nghiêm khắc trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Ký khống 10 hợp đồng du lịch
Cơ quan CSĐT còn kết luận ông Lê Tấn Hùng chịu trách nhiệm chính trong việc chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng của Nhà nước. Bằng việc lập, ký khống 10 hợp đồng du lịch nước ngoài, ông Lê Tấn Hùng - Tổng Giám đốc Sagri và các đồng phạm đã chiếm đoạt 13.346.900.000 đồng tiền Nhà nước.
Số tiền chiếm đoạt được, ông Lê Tấn Hùng chỉ đạo không đưa vào sổ sách theo dõi của Sagri. Ông giao cho 2 thuộc cấp là Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng Tài chính Kế toán kiêm Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Nhân sự hành chính để ngoài quản lý, theo dõi, chi theo yêu cầu của ông Hùng.
Cụ thể, tháng 6/2016, ông Hùng yêu cầu bà Thúy báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dự kiến ba quý đầu năm và dự kiến lợi nhuận năm 2016 của Sagri. Mục đích là để chuẩn bị kinh phí cho việc ký hợp đồng với Công ty CP Du lịch thanh Thanh niên xung phong (gọi tắt Công ty VYC).
Sau khi nghe Kế toán trưởng báo cáo công tác tài chính, ông Hùng đã gặp Trần Văn Trường - Giám đốc Công ty VYC để trao đổi, thỏa thuận ký hợp đồng tham quan du lịch nước ngoài. Đến ngày 17/11/2016 hai bên thống nhất ký 6 hợp đồng trị giá hơn 4,97 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng, ông Hùng ký 6 lệnh chi chuyển cho Công ty VYC số tiền hơn 4,97 tỷ đồng như hợp đồng đã ký giữa hai bên vào hai ngày 25/11 và 9/12/2016. Cũng với chiêu thức tương tự, tháng 10/2016, ông Hùng đã ký 4 hợp đồng du lịch với Công ty TNHH Thương mại du lịch lữ hành Hòa Bình Quốc tế (gọi tắt Công ty PIT) do Đoàn Quang Hồi làm Giám đốc trị giá 8,38 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo thỏa thuận, sau khi Sagri chuyển tiền theo hợp đồng, phía Công ty PIT sẽ chuyển trả lại 70%, giữ lại 30%.
Sau khi hoàn thành tổng cộng 10 hợp đồng khống với 2 công ty du lịch và chuyển đủ 13.346.900.000 đồng cho đối tác, ông Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm đã được 2 công ty chuyển ngược lại 70% tổng số tiền theo thỏa thuận ban đầu là hơn 9,3 tỷ đồng. Số tiền được hai công ty chuyển trả ngược lại ông Hùng chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thúy chia nhỏ làm 4 sổ tiết kiệm gửi vào hai ngân hàng Sacombank và ACB.
Từ tháng 1 đến tháng 4/2017, ông Hùng yêu cầu bà Thúy và bà Mai rút hết số tiền đã gửi tiết kiệm. Số tiền rút về ông Hùng giao cho Thúy và Mai quản lý, không thể hiện trong hệ thống sổ sách kế toán của Sagri. Khi biết Thanh tra TPHCM sẽ tiến hành thanh tra toàn diện Sagri, lúc này, Lê Tấn Hùng mới phổ biến về việc tổ chức cho cán bộ nhân viên đi du lịch năm 2017.
Ngày 23/3/2017, Thanh tra TPHCM tiến hành thanh tra toàn diện Sagri. Đoàn thanh tra yêu cầu Sagri cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến 10 hợp đồng du lịch. Để qua mắt, đoàn thanh tra, ông Hùng đã chỉ đạo cấp dưới tiến hành làm hàng loạt giấy tờ để hợp thức hóa các hợp đồng trên.
Đồng thời, để che đậy sai phạm và hợp thức dòng tiền, tránh sự phát hiện của cơ quan thanh tra, ông Hùng đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức cho cán bộ, công nhân viên trong năm 2017 đi tham quan du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, Sagri không chuyển tiền cho Công ty VYC và Công ty PIT mà lấy số tiền hai công ty này còn giữ lại 30% từ năm 2016 để thanh toán.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an, khẳng định, tổng số tiền mà các bị can chiếm đoạt của Sagri thông qua lập khống 10 hợp đồng lịch nước ngoài là hơn 13,346 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt trên, ông Hùng chỉ đạo bà Thúy và bà Mai chi hết hơn 3,981 tỷ đồng cho cá nhân Hùng và chi ngoại giao. Số tiền còn lại, tiếp tục được giao cho bà Mai và bà Thúy quản lý để sử dụng khi có nhu cầu.