Sách nói và cơ hội của văn học Việt

GD&TĐ - Sự kiện nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt trọn bộ tác phẩm sang sách nói, chứng minh cơ hội rất lớn đối với văn chương Việt trước xu thế tiếp cận mới.

Ngày 12/2, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ký kết bản quyền Voiz FM, chuyển thể toàn bộ tác phẩm của mình sang sách nói. Hiện tại, đã có hàng chục tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên ứng dụng Voiz FM như: Mắt biếc, Chúc một ngày tốt lành, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Hoa hồng xứ khác, Bong bóng lên trời…

Chuyển đổi để lan tỏa

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nổi tiếng qua nhiều thế hệ bạn đọc với các tác phẩm: Trước vòng chung kết, Còn chút gì để nhớ, Thằng quỷ nhỏ, Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đi qua hoa cúc, Mắt biếc, Bồ câu không đưa thư, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... và mới nhất là truyện dài đồng thoại “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, các đầu sách còn lại trong toàn bộ tác phẩm bao gồm 54 tập của bộ “Kính Vạn Hoa” và 46 truyện dài cũng sẽ được chuyển thành sách nói và ra mắt trong quý I năm nay.

Đây là một dự án quy mô, bắt đầu từ tháng 4/2021, Voiz FM cùng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và đơn vị giữ bản quyền của ông là NXB Trẻ thương lượng các điều khoản để Voiz FM chuyển đổi từ sách giấy sang sách nói lên ứng dụng.

“Việc chuyển sang sách nói là điều cần thiết để mang đến trải nghiệm mới cho những ai yêu tác phẩm của mình”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho hay.

Có một khó khăn là hiện nay nếu tìm nghe sách nói của Nguyễn Nhật Ánh trên mạng sẽ thu được hàng trăm nghìn kết quả nhưng tất cả đều không có bảo hộ bản quyền. Đây sẽ là thất thoát về doanh thu bản quyền nói riêng và ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người nghe sách vì chất lượng.

Vì thế, sau khi nhận được sự đồng ý từ tác giả Nguyễn Nhật Ánh, khó khăn tiếp theo của Voiz FM chính là việc xử lý các vi phạm bản quyền.

Theo thông tin từ đơn vị này, từ khi ký kết hợp tác, phòng bản quyền của ứng dụng này đã báo cáo để gỡ bỏ hàng nghìn nội dung sách nói vi phạm bản quyền của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên các trang mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của đối tác.

Theo ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc Điều hành Voiz FM: “Khi chuyển đổi thành sách nói của Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi chú trọng vào tinh thần và nội dung của tác phẩm. Điểm tiếp theo là phải dựa vào giọng đọc phù hợp để thể hiện trọn vẹn câu từ của sách.

Đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là âm nhạc, giúp dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Ngoài ra, những đoạn có cảnh sắc thiên nhiên thì sẽ có những tiểu âm thanh để khiến người đọc cảm thấy sinh động hơn”.

Lần ra mắt này, Voiz FM cũng cho biết riêng sách nói “Mắt biếc” sẽ được thể hiện qua giọng đọc của ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân - người đã lồng tiếng cho nhân vật Ngạn trong dự án điện ảnh cùng tên.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) trong buổi ra mắt trọn bộ tác phẩm sang sách nói.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) trong buổi ra mắt trọn bộ tác phẩm sang sách nói.

Thị trường sôi động

“Chúng tôi cũng tự tin hơn vì hiện nay ngành xuất bản đang hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp nội dung hiện đại, trong đó chuyển đổi số là một hướng đi đã được xác định trong 5 năm tới. Trong đó, sách nói được đề cập trực tiếp như một xu thế cần đẩy mạnh” -  Bà Thái Minh Châu, Giám đốc đối ngoại Fonos.

Có thể nói, trong 3 năm qua, sách nói đang có sự bứt phá mạnh mẽ trên thế giới, và ngay tại Việt Nam thị trường này cũng có những bước tiến đáng kể.

Theo khảo sát của We Are Social, tại thị trường Việt Nam đã có gần 30 triệu người nghe audio contents (sách nói, podcast, radio) qua mạng.

Trong bối cảnh chung, thị trường nội dung âm thanh ở Đông Nam Á trở nên sôi động, với sự hiện diện của nhiều hãng công nghệ lớn. Việt Nam là thị trường được đánh giá có tiềm năng với dân số trên 90 triệu người, trong đó 56% dưới 35 tuổi.

Mảng thanh toán di động cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh: Tỷ lệ người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng các phương thức thanh toán di động tăng 61% năm 2019. Số lượt thanh toán di động đạt gần 700 triệu lượt vào cuối tháng 8/2020.

Thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, có ba kênh sách nói được cấp phép chính thức: Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (thành lập năm 2020) và Mydio (thành lập năm 2021). Tuy mới ra mắt trong khoảng 3 năm trở lại đây, các nhà phát hành sách nói đều có tốc độ phát triển nhanh.

Ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc Điều hành Voiz FM - cho rằng, thị trường sách nói hiện nay tăng trưởng nhanh. Bởi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhịp sống nhanh, mọi người muốn trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Trong thời gian giãn cách vì đại dịch Covid-19, các nhà xuất bản, công ty sách gặp khó khăn quá lớn trong khâu phát hành sách giấy. Họ buộc phải tìm hướng đi mới và phát hành điện tử thông qua sách nói. Một số đơn vị đã bắt tay với các đối tác để phát triển nguồn tài nguyên sẵn có là những cuốn sách của mình.

Có thể nói, trong khi việc đọc sách giấy đang sụt giảm nghiêm trọng thì sách nói là xu hướng được giới trẻ quan tâm. Theo thống kê, 60% số người nghe sách nói ở Việt Nam vào khoảng thời gian từ 21 giờ - 2 giờ sáng. Mọi người nghe trước giờ đi ngủ, cho thấy nhu cầu nghe để học tập, trau dồi kiến thức cao.

Bởi vậy, cùng với sự phát triển của thị trường sách nói thì đây chính là cơ hội cho giới văn chương Việt Nam lan tỏa các tác phẩm đến đông đảo độc giả. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài Nguyễn Nhật Ánh và một vài nhà văn tên tuổi, thì dường như chưa có sự bứt phá mạnh của giới văn chương nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ