Lo ngại sách nói làm hạn chế trí tưởng tượng

GD&TĐ - Xu hướng sử dụng sách nói đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt với giới trẻ vì sự tiện lợi và hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít người lo ngại sách nói sẽ hạn chế và dần làm mất đi trí tưởng tượng của người sử dụng.

Sách nói đang trở thành xu hướng mới thay thế đọc sách truyền thống. Ảnh: First News – Trí Việt
Sách nói đang trở thành xu hướng mới thay thế đọc sách truyền thống. Ảnh: First News – Trí Việt

Sách nói - Audio Books là sách chuyển nội dung sang dạng âm thanh qua giọng đọc của con người. Song song với hình thức đọc truyền thống là sách in, sự phát triển của công nghệ dần xuất hiện của các dòng sản phẩm sách thông minh như: Sách điện tử (Ebook) và sách nói (Audio Books).

Xu hướng nghe sách nói

Năm 2015 là thời điểm sách nói bắt đầu thịnh hành trên toàn thế giới. Riêng trong năm 2015, doanh thu từ sách nói tại thị trường Mỹ và Canada đã đạt hơn 1,77 tỉ USD. Cũng trong thời gian này, thống kê của Hiệp hội Xuất bản Âm thanh Mỹ công bố doanh số bán hàng tăng 24,1%. Truyền thông thế giới gọi sách nói là “loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành xuất bản”.

Tuy nhiên, phải 2 năm sau tại Việt Nam, xu hướng sách nói mới trở nên phổ biến. Nhiều đơn vị làm công tác xuất bản bắt nhịp thị trường tung ra các sản phẩm sách nói hấp dẫn thu hút nhiều người quan tâm. Với mục đích tăng doanh thu, đưa sách đến từng nhà, phục vụ cả những người lười đọc nhất bằng cách “nghe sách”, nên đơn vị xuất bản đã chuyển nội dung sách in sang dạng âm thanh bằng giọng đọc.

Mới đây, vào ngày 18/8, bản sách nói “Muôn kiếp nhân sinh” của GS John Vu – Nguyên Phong được diễn đọc bởi MC Đông Quân chính thức ra mắt trên ứng dụng Voiz FM. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News – Trí Việt cho biết, để phát hành bản sách nói này, First News và Voiz FM đã phải thực hiện ròng rã trong 3 tháng.

Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, sách nói được đánh giá là vô cùng tiện lợi. Sách nói giúp con người tận dụng được những khoảng “thời gian chết” trong ngày. Khi di chuyển, làm việc nhà, thậm chí cả thời gian vệ sinh cá nhân… đều sử dụng được sách nói.

Sách nói còn đặc biệt hữu dụng đối với những người khiếm thị. Nó “đánh bại” thị trường sách nổi Braille vốn rất hạn chế. Từ đó, gần như 100% sách nổi (trừ tài liệu) dành cho người khiếm thị không thể tiêu thụ.

Một trong những ưu điểm của sách nói, theo đa số người sử dụng là nhỏ gọn, thuận tiện trong mọi khoảng thời gian, rất dễ tiếp nhận. Đồng thời, với sự cạnh tranh sản phẩm, nhiều bản sách nói được các nhà xuất bản đầu tư bằng những giọng đọc hay nhất chèn theo nhạc đệm, tiếng động… minh họa cho nội dung thêm sinh động.

Theo tìm hiểu, thị trường sách nói thu hút số đông người sử dụng là giới trẻ, trong đó đa số là học sinh, sinh viên. Đó là một trong các lý do lý giải vì sao các thư viện vắng người đọc, đặc biệt tại các khoa - trường chuyên ngành xã hội. Nhiều sinh viên khẳng định, sách nói đem lại sự tiện lợi, sống động, dễ nhớ lại không bị mỏi mắt như đọc sách in nên chỉ khi cần tra cứu tư liệu họ mới vào thư viện.

Một số nghiên cứu đánh giá sách nói đặc biệt phù hợp cho nhóm học sinh từ 6 - 12 tuổi, với tác dụng giúp hạn chế căng thẳng cho mắt. Đồng thời nghiên cứu đánh giá độ tuổi này chưa có đủ khả năng thôi thúc đọc sách, nên việc ép các em đọc trọn vẹn một cuốn sách in là tương đối khó. 

Nhiều người đánh giá sách nói tiện lợi nhưng hạn chế trí tưởng tượng. Ảnh: ITN
Nhiều người đánh giá sách nói tiện lợi nhưng hạn chế trí tưởng tượng. Ảnh: ITN

Hạn chế từ sách nói

Vì sự tiện lợi sinh động của sách nói, rất nhiều người đã thay đổi cách đọc từ truyền thống bằng sách in sang “nghe” sách nói. Từ đó những lo ngại cũng được đặt ra và bàn thảo một cách nghiêm túc.

Nhà văn Đỗ Chu cho rằng, sách nói không phải là xấu nhưng lạm dụng sẽ dần làm mất thói quen đọc sách truyền thống. Ở nhiều nước tiên tiến, sách nói ra đời không phải để thay thế toàn bộ sách in, người dùng cũng không lạm dụng công nghệ một cách quá mức. Chỉ khi họ bận bịu, di chuyển trên xe buýt hay dọn dẹp, làm vườn thì mới dùng sách nói. Thời gian rảnh, họ đọc sách in và số lượng đầu sách họ đọc mỗi năm rất cao.

Nhà văn Lưu Quốc Hòa nêu quan điểm: “Chúng ta phải đọc đi đọc lại những đoạn viết phức tạp, thậm chí những đoạn hay cũng đọc đến thuộc lòng. Một người đọc có kỹ năng làm sao không suy nghĩ vấn đề đang đọc, điều đó chỉ khi đọc sách in mới có thể thực hiện”.

Theo ông Hòa, sách nói có cái hay riêng nhưng không thể lạm dụng thay thế sách in. Nghe sách nói được ví như nghe truyện, còn đọc sách in mới là đọc truyện. Hai cách tiếp nhận khác nhau dẫn tới tri thức lĩnh hội sẽ khác, dù nội dung giống nhau.

Năm 2016,  Giáo sư giáo dục tại Đại học Bloomsburg (Hoa Kỳ) là Beth Rogowsky đưa ra một nghiên cứu. Một nhóm được cho nghe các trích đoạn của tiểu thuyết “Unbroken” viết về Thế chiến thứ 2 của Laura Hillenbrand. Nhóm thứ 2 đọc các trích đoạn đó bằng sách điện tử. Nhóm thứ 3 thực hiện cả hai, vừa đọc vừa nghe sách nói.

Sau đó tất cả làm một bài test để xem họ thu nhận được bao nhiêu từ tác phẩm. Kết quả nhận thấy không có sự khác biệt nào đáng kể về mức độ lĩnh hội giữa đọc, nghe, hoặc kết hợp đọc và nghe. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra bằng chứng cho thấy, đọc trên màn hình sẽ giảm mức độ lĩnh hội so với đọc từ một cuốn sách bình thường.

Việc các dòng chữ trong sách in gắn với một vị trí cụ thể trong trang sách cũng giúp người đọc nhớ tốt hơn so với sách điện tử. Cũng tương tự đối với sách nói, chúng không mang lại cảm thức về không gian để người nghe có thể bám vào đó như khi đọc sách truyền thống.

“Có một điều chắc chắn là sách nói khiến người dùng tiếp nhận một cách thụ động, lười tưởng tượng và không có thời gian để suy ngẫm. Nếu không suy ngẫm, không tưởng tượng thì sự đọc chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, không có lợi ích gì. Trong khi đó, đọc sách truyền thống đòi hỏi kỹ năng, khả năng bao quát vấn đề và cả thời gian để “nhập” tri thức”. - Nhà văn Đỗ Chu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.