Sách lịch sử và chuyện “bé cái nhầm”

GD&TĐ - Sách, tư liệu lịch sử là hệ soi chiếu giúp hậu thế biết những gì đã diễn ra trong quá khứ một cách chính xác. Thế nhưng, chính tư liệu lịch sử lại có những nhầm lẫn, sai sót nghiêm trọng thì hậu thế biết soi chiếu vào đâu?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sử ta không biết lại thông sử Tàu – lời trách cứ ấy đúng lắm, vì rất ngược đời. Nhưng cũng phải nhìn lại, đảo ngược vấn đề, đặt ra câu hỏi vì sao lại có chuyện ngược đời ấy?

Người Trung Quốc rất giỏi làm phim. Những bộ phim lịch sử được công phu tạo dựng trên nền bối cảnh hoành tráng, vĩ đại. Không chỉ công chúng Việt Nam, rất nhiều nước mê phim điện ảnh Trung Quốc vì sức hấp dẫn.

Nói đến một khía cạnh rất nhỏ, để thấy rằng một đề tài nghiêm túc như lịch sử - nếu biết sáng tạo, biết dụng công và không xa rời hai chữ “chính xác” thì lo gì không được đón nhận.

Sử ta không biết lại thông sử Tàu – lỗi tại chính chúng ta, đã không khai thác được mảng đề tài rất đáng để khai thác. Điện ảnh thì gần như bập bõm với vài bộ phim nhưng lại bị phản ứng vì phục trang không phù hợp. Âm nhạc, hội họa, sân khấu… cũng chẳng khá hơn dù mấy năm nay, nhiều nghệ sĩ lấy lịch sử làm cảm hứng, nguyên liệu để sáng tác nhưng chất lượng gần như không có gì nổi trội để kéo công chúng.

Còn vấn đề về sách và tư liệu lịch sử mới đáng lo. Tình trạng nhầm lẫn, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” xảy ra thường xuyên. Mới đây nhất, báo chí phát hiện cuốn “Bác Hồ với Ninh Bình - Ninh Bình làm theo lời Bác”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện. Trang 17 có bức ảnh với chú thích: “Bác Hồ chụp ảnh cùng Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào Phát Diệm, năm 1946”. 

Tuy nhiên, đây là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tháng 11/1946. Hai cụ áo the khăn xếp đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng và Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố. Những vị còn lại đều là các bộ trưởng và thứ trưởng của Chính phủ. 

Trong sách “Ban chấp hàng Trung ương Đảng” (1930 - 2019) do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành đầu năm 2020, viết về ông Võ Thanh Bình – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau. Tuy nhiên, ảnh chân dung lại là cố Thượng tướng Song Hào.

Ở sách “Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Sự kiện, hình ảnh và ký ức)” do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành (2017), trang 41 có hình ảnh được chú thích là “Phan Bội Châu (1867 - 1940) lãnh tụ phong trào Đông Du và tổ chức Việt Nam quang phục hội, thời kỳ 1900 - 1917”. Đáng tiếc người biên soạn lại lấy nhầm ảnh cụ Phan Chu Trinh.

Cuốn “Trí thức Nam Bộ tiêu biểu từ cuối thế kỷ XIX đến 1975”, thuộc danh mục xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng của NXB Văn hóa Văn nghệ (TPHCM, 2018). Cuốn sách đã “bức tử” luật sư Thái Văn Lung khi cho ông chết vào năm 1945. Trong khi thực tế, ông mất tháng 7/1946 do bị thực dân Pháp tra tấn.

Đó chỉ là một số ví dụ về “bé cái nhầm” trong lĩnh vực sách và tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, những nhầm lẫn, dù nhỏ bé có thể để lại những hậu quả rất lớn cho hậu thế. Cho nên, trước khi trách cứ “sử ta không biết lại thông sử Tàu”, thì những người làm công tác biên soạn, xuất bản hãy nhìn lại sự cẩu thả do chính mình gây ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ