Tình yêu sách lịch sử còn khoảng cách

Tình yêu sách lịch sử còn khoảng cách

Đồ sộ nhưng vắng... “khách”

PGS.TS Trần Đức Cường là vị khách mời đầu tiên “đăng đàn” giao lưu trực tuyến với độc giả trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 đang diễn ra tại sàn thương mại điện tử book365.vn. Dù đường truyền của buổi trực tuyến có phần chưa được nét, âm thanh khó nghe, song buổi giao lưu có chủ đề “Để bạn đọc yêu sách lịch sử” vẫn thu hút sự quan tâm của khá đông độc giả.

Ở buổi giao lưu này, PGS.TS Trần Đức Cường đã đặc biệt nhấn mạnh về vai trò quan trọng của các công trình sử học đối với việc phản ánh quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời phản ánh thực tiễn của các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ khác nhau. Với các công trình sử học của cha ông để lại, ông Cường nhắc đến các cuốn: “Việt Nam sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”... Nối tiếp đó, giới sử học nước nhà, nhất là trong những năm qua đã không ngừng nghiên cứu và cho ra mắt nhiều công trình đồ sộ như các bộ “Lịch sử Việt Nam” của Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, của Hội đồng Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh... Đặc biệt, là Bộ thông sử gồm 15 tập, đề cập mọi vấn đề về lịch sử Việt Nam, từ khởi thủy tới năm 2000. Ngoài ra, còn có các cuốn sử cũng dày dặn không kém khi viết về các vùng đất của Tổ quốc như: Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ... hay những bộ sách chuyên khảo về các lĩnh vực khác nhau cũng được hết sức chú ý tới việc thể hiện trung thực, có thực chứng.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đức Cường đã không khỏi băn khoăn trước thực tế, dù có nhiều bộ sách, công trình lịch sử đồ sộ là thế, song tình yêu của độc giả với sách lịch sử còn khoảng cách không nhỏ. Thực tế này được đặt ra với cả độc giả và nhà nghiên cứu, biên soạn. Ở góc độ của nhà nghiên cứu, ông Cường cho rằng, giới sử học cũng cần đặt ra câu hỏi: Tại sao rất nhiều người dân Việt Nam, từ các bậc cao niên cho đến lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng yêu lịch sử quê hương, đất nước nhưng yêu sách lịch sử lại không nhiều? Sách lịch sử ở đây cần phải kể đến từ sách giáo khoa cho đến các bộ sử và các loại sách khác. Nguyên do cơ bản nhất có lẽ là do các cuốn sách biên soạn chưa được hấp dẫn về hình thức lẫn nội dung. Cùng với đó, cách chuyển tải các sự kiện lịch sử còn khô khan, chưa sinh động.

“Các công trình nghiên cứu lịch sử đồ sộ là dành cho các nhà nghiên cứu. Còn với độc giả đại chúng thì cần có những công trình sử ngắn, gọn hơn. Hiện nay, chúng ta đang thiếu loạt sách lịch sử viết cho thiếu nhi. Nhắc đến điều này, tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ được đọc cuốn “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để vẫn nhớ như in trong hơn 60 năm qua. Những cuốn truyện lịch sử hay những bộ phim, vở kịch lịch sử dù sử dụng các yếu tố hư cấu, song không làm cho người đọc, người xem hiểu sai về nhân vật, sự kiện lịch sử luôn dễ dàng dẫn dắt độc giả quan tâm, yêu thích hơn với lịch sử. Vậy nên, chúng tôi rất mong được phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà văn, biên kịch... để từ đó đưa lịch sử vào các loại hình nghệ thuật một cách dày dặn hơn, thường xuyên hơn” – PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh.

Không giãn cách tình yêu sách

Bởi dịch Covid-19 hoành hành, toàn xã hội phải thực hiện giãn cách, Ngày sách Việt Nam – 21/4 năm nay đã không thể “hò hẹn” độc giả tới các điểm thực địa. Dẫu vậy, tình yêu sách của các độc giả dường như chưa khi nào bị giãn cách khi Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 được tổ chức. Thật thú vị vì hội sách này không bị bó hẹp về thời gian (chỉ trong vài ngày) khi kéo dài gần một tháng (từ 19/4 – 20/5). Thậm chí, hội sách còn không bị bó hẹp về không gian, dù rằng chỉ cần ngồi một chỗ cùng với chiếc máy vi tính hay thiết bị điện tử thông minh là mỗi người có thể lướt qua những cuốn sách được gợi ý rồi “dạo” qua “gian hàng” của hàng chục đơn vị xuất bản, liên kết xuất bản và chọn mua sách. Ai quan tâm đến sách thiếu nhi thì ghé “gian hàng” NXB Kim Đồng. Ai quan tâm đến sách văn học thì sang “gian hàng” NXB Văn học. Ai quan tâm đến sách khoa học thì “bước” vào “gian hàng” của NXB Bách khoa - Hà Nội... Một loạt đơn vị liên kết xuất bản thường có nhiều đầu sách được độc giả tìm kiếm như: Thái Hà, Nhã Nam, Phương Nam, Đinh Tỵ... cũng góp “gian hàng” trên book365.vn.

Cùng với đó, cũng ngồi một chỗ, độc giả vẫn có thể giao lưu với nhà nghiên cứu, nhà văn, người nổi tiếng... từ các đầu cầu Bắc, Trung, Nam. Trong hai ngày vừa qua, PGS.TS Trần Đức Cường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà văn Dương Thụy đã trò chuyện cùng độc giả về những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, văn học... khá thú vị. Đôi khi, độc giả cảm thấy buổi giao lưu có phần hụt về thời gian (chỉ trong một giờ) khi những điều thắc mắc chưa được sáng tỏ hay khó chịu đôi chút khi mạng bị nghẽn và việc đăng ký tham gia còn phức tạp, trục trặc...

Theo thông tin từ Ban tổ chức, trong ba ngày đầu tiên, (từ 19 - 21/4), Hội sách đã thu hút được gần 60 nghìn lượt người truy cập. Lịch các buổi giao lưu sẽ được cập nhật theo ngày, dự kiến sẽ có sự tham gia của các diễn giả như các nhà văn, nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Phong Việt, Hamlet Trương, Trần Thùy Mai, Nguyễn Văn Thọ... Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học, Hội sách trực tuyến đã kết nối giữa sách và độc giả giữa mùa dịch Covid-19. Đây cũng là sự kiện linh hoạt và ý nghĩa, không chỉ với người yêu sách mà cả giới hoạt động xuất bản.

“Bên cạnh các bộ sử, còn có nhiều cuốn sách viết về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng tham gia vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đưa ra các chứng cứ về lịch sử để khẳng định rằng cha ông chúng ta đã xác định được chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ thế kỷ 17, nhất là thời các chúa Nguyễn và các thời kỳ sau này. Đây là việc vô cùng quan trọng chúng ta cần tiếp nối cha ông...”. - PGS.TS Trần Đức Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ