Đây là bộ sách được đánh giá là đảm bảo tính kế thừa và phát triển.
Cuốn sách đảm bảo tính kế thừa
Quyết định số 404/QĐ-TTg quy định: “Nguyên tắc xây dựng chương trình mới, SGK mới là Chương trình mới, SGK mới phải kế thừa ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành…”.
Tuân thủ nguyên tắc này, Tiếng Việt 3 Cánh Diều đã kế thừa và tiếp tục thực hiện tư tưởng dạy học tích hợp và tích cực. Đồng thời, Tiếng Việt 3 Cánh Diều cũng kế thừa cách thiết kế cấu trúc sách theo hệ thống chủ điểm; cấu trúc bài học theo hệ thống hoạt động rèn luyện kĩ năng (đọc, viết, nói và nghe).... Đây được xem là những ưu điểm nổi bật của chương trình và SGK cũ nhưng cũng phù hợp với các yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Khi cầm Tiếng Việt 3 Cánh diều trên tay, giáo viên và phụ huynh cảm nhận được sự gần gũi, quen thuộc từ hệ thống ngữ liệu bài đọc, có khoảng 31% tổng số văn bản tập đọc trong Tiếng Việt 3 được lấy lại từ SGK thuộc các chương trình trước đây. Các văn bản này là những bài văn, bài thơ, đoạn trích đã in đậm dấu ấn và gần như trở thành “bất hủ” trong nhiều thế hệ học trò.
Có thể kể đến các bài văn, bài thơ như: Nhớ lại buổi đầu đi học (Thanh Tịnh); Ngày khai trường (Nguyễn Bùi Vợi); Ngưỡng cửa (Vũ Quần Phương); Mùa thu của em (Quang Huy); Quạt cho bà ngủ (Thạch Quỳ)… Việc sử dụng lại các văn bản này vừa thể hiện sự tuân thủ nguyên tắc kế thừa, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh được tiếp cận với các văn bản hay, có tính giáo dục cao và phù hợp với lứa tuổi.
Ngoài ra, Tiếng Việt 3 Cánh Diều còn kế thừa hệ thống bài tập viết và bài tập chính tả từ chương trình 2002 với ngữ liệu mới và phong phú, tạo ra sự hứng thú cho người dạy, người học.
Cuốn sách thể hiện rõ nét sự hiện đại
Tiếng Việt 3 – Cánh Diều vừa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về phát triển năng lực phầm chất cho người học vừa là một cuốn sách giáo khoa hiện đại, tiệm cận với sách giáo khoa của các nước phát triển trên thế giới.
Điểm mới dễ nhận thấy nhất ở Tiếng Việt 3 Cánh Diều là hệ thống bài học thiết kế theo hệ thống chủ đề, chủ điểm. Các bài học trong sách được chia làm 4 chủ đề lớn: Măng non, Cộng đồng, Đất nước, Ngôi nhà chung. Mỗi chủ đề gồm một số chủ điểm. Mỗi chủ điểm là một bài học chính, được dạy học trong 2 tuần. Mỗi bài học chính trong sách là một đơn vị trọn vẹn về nội dung (một chủ điểm), các hoạt động học tập (đọc, viết, nói và nghe).
Trong mỗi bài học, các hoạt động đọc, viết, nói và nghe được bố trí xen kẽ, luân phiên cho phù hợp với tâm lí tiếp nhận của học sinh và điều kiện dạy, học thực tế. Các bài học được thiết kế theo các bước của quy trình hoạt động: Chia sẻ (Khởi động) – Khám phá – Luyện tập – Vận dụng).
Sau mỗi bài học, học sinh được tự đánh giá những điều đã biết, những việc đã làm được bằng các bảng kiểm được thiết kế phù hợp và dễ thực hiện. Phụ huynh học sinh có thể dựa vào bảng kiểm này để nắm bắt yêu cầu của bài học và giúp đỡ con em mình học tập. Các bảng kiểm cũng là chỗ dựa để thầy cô ra đề đánh giá học sinh.
Tiếng Việt 3 - Cánh Diều có phần cứng (các bài tập đọc, viết) và phần mềm (các bài tập nói và nghe, góc sáng tạo, ôn tập) phù hợp với các đối tượng và thực tế dạy học ở các địa bàn khác nhau. Đây là điểm mới của Cánh Diều vì đến nay chưa có bộ SGK nào có.
Trong quá trình dạy học, tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của người học, thực tế địa phương mà giáo viên chủ động lựa chọn dạy một phần hay toàn bộ các tiết thuộc phần mềm hoặc sử dụng thời gian của các tiết này để giúp những học sinh gặp khó khăn trong học tập hoàn thành các yêu cầu bắt buộc (phần cứng).
Sách Tiếng Việt 3 - Cánh Diều không tổ chức tiết Luyện từ và câu riêng như ở SGK trước đây, không dạy các nội dung Luyện từ và câu theo kiểu lí thuyết, hàn lâm mà lồng ghép nội dung luyện từ và câu trong phần luyện tập sau mỗi bài đọc, sử dụng ngữ liệu bài đọc theo hướng tích hợp để học sinh dễ dàng nhận ra hiệu quả sử dụng trong thực tế cũng như học cách vận dụng chúng.
Toàn bộ nội dung rèn luyện các kĩ năng viết và nói - nghe cũng được các tác giả thiết kế lại cho phù hợp với yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngữ liệu trong SGK Tiểng Việt 3 Cánh diều được lựa chọn kĩ càng. Các bài đọc được sử dụng từ những tác phẩm hay, phù hợp với lứa tuổi, với chủ điểm học tập. Ngoài việc kế thừa từ SGK của các chương trình cũ còn đưa vào các tác phẩm, tác giả mới, tạo nên sự hấp dẫn và thích thú cho người đọc như: Trên hồ Ba Bể (Hoàng Trung Thông); Cửa sổ (Phan Thị Thanh Nhàn); Tiếng chim buổi sáng (Định Hải); Hương làng (Băng Sơn)...
Sách quan tâm giáo dục về hội nhập và tôn trọng sự khác biệt. Điều này có thể nhận thấy qua các bài văn, bài thơ về đề tài hòa bình, hữu nghị, về văn hóa của một số dân tộc, trước hết là các dân tộc Đông Nam Á mà Việt Nam là một thành viên: Một mái nhà chung (Định Hải); Em nghĩ về Trái Đất (Nguyễn Lãm Thắng); Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Quỳnh Phương); Bác sĩ Y-éc-xanh (Cao Linh Quân); Người hồi sinh di tích (Duy Hiển và An Nhi)…
Từ ngữ được sử dụng trong sách đảm bảo cho học sinh tất cả các vùng miền, các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể hiểu và sử dụng một cách dễ dàng.
Cuối sách, còn có các bảng tra cứu từ ngữ và bảng tra cứu tên riêng nước ngoài giúp các em đọc hiểu. Nhiều văn bản trong Tiếng Việt 3 Cánh Diều là các văn bản đa phương thức, hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của học sinh thế hệ mới.
Với triết lí “Đem cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống”, Tiếng Việt 3 Cánh Diều đảm bảo góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 và sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.