Sách giáo khoa điện tử có thay được sách giấy?

GD&TĐ - Nhận định những ưu điểm của sách giáo khoa điện tử, nhiều thầy cô cho rằng cần biết khai thác và sử dụng linh hoạt để bổ trợ SGK truyền thống.

Cô Nguyễn Phương Thảo, Trường Tiểu học Phenikaa hướng dẫn học trò trong giờ học.
Cô Nguyễn Phương Thảo, Trường Tiểu học Phenikaa hướng dẫn học trò trong giờ học.

Nhiều ưu điểm nhưng…

Là người thường xuyên sử dụng sách giáo khoa điện tử, cô Nguyễn Phương Thảo, giáo viên của Trường Tiểu học Phenikaa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, sự ra đời của sách điện tử nói chung và sách giáo khoa điện tử nói riêng là tiến bộ, xu thế của thời đại. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, những phương tiện thông dụng như điện thoại, máy tính, ở bất cứ đâu đều có thể tìm được đầu sách mình cần.

“Sách giáo khoa điện tử không mất chi phí in ấn, có thể nhanh chóng phát hành; đồng thời có ưu điểm là màu sắc, hình ảnh sinh động, dễ dàng đính kèm các video hình ảnh, link tương tác… Bởi vậy hiện nay, các nhà sách dần có xu thế dịch chuyển từ sách giấy sang sách điện tử”. Chia sẻ điều này, nhưng cô Nguyễn Phương Thảo cũng cho rằng, tuy nhiên, sách điện tử chưa thể thay thế hoàn toàn sách giấy.

Lý do được cô Thảo đưa ra là: Sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu đến mắt của học sinh, trong khi sách giấy có thể hạn chế được điều này. Thêm vào đó, kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử của các em nhỏ còn hạn chế, nên có thể gặp khó khăn khi dùng sách điện tử. Thiết bị điện tử cũng rất hấp dẫn với học trò bởi có nhiều ứng dụng, game; vậy nên, sẽ có những học trò ham chơi, chưa biết kiểm soát bản thân dẫn tới sao nhãng việc học. Với sách giấy, học sinh có thể tương tác trực tiếp với sách qua những động tác: Lật, sờ, giở, gạch chân, đánh dấu bài… Do đó, thầy cô, học sinh nên sử dụng linh hoạt để tận dụng ưu điểm của cả hai loại sách này, vì bất cứ loại sách nào cũng đều là công cụ tốt cho việc dạy và học.

Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) cũng khẳng định nhiều ưu điểm của sách giáo khoa điện tử. Với sự thuận tiện, gọn nhẹ, học sinh sẽ không phải vác cặp với những quyển sách giáo khoa nặng đến trường, mà chỉ cần tìm tất cả cuốn sách cần dùng trên một thiết bị điện tử. Sách giáo khoa điện tử cũng giúp việc học của học sinh được trực quan, thú vị hơn.

Trò có thể khai thác thêm những nội dung đa phương tiện, như nghe bài hát, kể chuyện hay phát âm mẫu tiếng Anh; xem đoạn video minh họa cho thí nghiệm hay hiện tượng tự nhiên, xã hội; tương tác với ứng dụng mô phỏng, thí nghiệm ảo; làm bài tập, bài kiểm tra dưới hình thức trắc nghiệm. Việc tự học của học sinh dễ dàng hơn, có thể xem ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Đức Hùng đồng thời cho rằng, sách giáo khoa điện tử có những hạn chế, hiện tại chưa thể áp dụng cho mọi vùng miền do điều kiện dân trí, điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ thông tin của các địa phương có sự chênh lệch lớn.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Kết hợp hiệu quả

Kết hợp giữa sách giáo khoa điện tử và sách giáo khoa giấy, theo thầy Nguyễn Đức Hùng, cần phải xác định nội dung kiến thức phù hợp với từng loại sách, từ đó đưa phương pháp học hiệu quả. Ví dụ, với những nội dung kiến thức cơ bản học trực tiếp trên lớp có thể sử dụng sách giáo khoa giấy. Với nội dung thí nghiệm mô phỏng, mở rộng, tìm hiểu thêm, tự học, bài tập tương tác nhanh, bài tập về nhà... nên sử dụng sách giáo khoa điện tử sẽ giúp học sinh tư duy trực quan hơn. Các em có thể xem và làm bài tập ở bất kỳ đâu mà không cần phải mang theo những quyển sách nặng nề.

Chia sẻ về nội dung này, ThS Lê Anh Tuấn, Chủ biên Chương trình môn Âm nhạc, lưu ý cân nhắc khái niệm “sách giáo khoa điện tử” vì đã là sách giáo khoa thì phải có giấy phép xuất bản, được thẩm định; nên trường hợp này dùng “học liệu điện tử” phù hợp hơn. Dù học liệu điện tử có nhiều lợi ích, nhưng từ thực tiễn môn Âm nhạc, ThS Lê Anh Tuấn cho rằng, tài liệu này chỉ hỗ trợ, không thể thay thế sách giáo khoa.

“Bản điện tử của sách giáo khoa giấy đôi khi đưa lên mạng chưa đầy đủ, không phải nội dung nào trong sách giáo khoa giấy cũng được đưa lên. Bên cạnh đó, để làm học liệu điện tử tốt cần có nhiều điều kiện, từ hình ảnh, âm thanh đến các phần mềm hỗ trợ khác… và có bộ sách làm tốt, nhưng có bộ sách làm chưa tốt điều này. Chưa kể cách sử dụng, khai thác học liệu điện tử của thầy cô cũng rất khác nhau, tùy năng lực mỗi người”.

Chia sẻ điều này, ThS Lê Anh Tuấn cho rằng, thầy cô không nên quá lạm dụng học liệu điện tử dẫn đến ỷ lại, ít thể hiện kỹ năng thực hành, không phát huy được vai trò của giáo viên. “Thầy cô nên khai thác học liệu điện tử một cách phù hợp. Giáo viên dạy âm nhạc thì vẫn phải thể hiện các kỹ năng thực hành như đàn, hát làm mẫu cho học sinh” - ThS Lê Anh Tuấn cho hay.

Là chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết: Các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều được đưa lên mạng; tuy nhiên người đọc sẽ không tải được về máy mà phải xem trực tiếp qua đường link.

Nếu vì lý do nào đó sách giáo khoa giấy chưa về đến nhà trường, thầy cô hoàn toàn có thể sử dụng bản điện tử này để thay thế và gửi đường link cho học sinh học tập. Ngay cả khi có sách giáo khoa giấy, bản điện tử cũng rất hữu ích, đặc biệt với việc soạn giảng trên Power Point.

“Toàn bộ các hình ảnh trong sách giáo khoa bản điện tử đều dễ dàng được copy về, nếu thầy cô muốn sử dụng để làm sinh động bài giảng trên Power Point của mình” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.