GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời là chủ biên bộ SGK Tiếng Việt – Ngữ văn Cánh Diều nhận định: Cần phải phân biệt giữa sách bổ trợ và sách tham khảo. Sách bổ trợ cần phải có vì hiện nay qui định SGK phải có sách bổ trợ. Học sinh không được viết vào SGK nên phải có sách bổ trợ để các em làm bài tập. Như vậy, đương nhiên 1 quyển SGK sẽ kèm theo 1 cuốn sách bổ trợ. Nhất là với HS lớp 1, các em còn chưa đọc thông, viết thạo thì những cuốn sách bổ trợ sẽ giúp thầy và trò tiếp cận nhanh với bài học trên SGK.
Còn sách tham khảo là sách mở rộng, dùng để luyện tập, nâng cao thêm kiến thức cho những HS có nhu cầu. Thế nhưng, đang có tình trạng “loạn” sách tham khảo. Có NXB định giá SGK thấp để cạnh tranh nhưng lại xuất bản rất nhiều sách ăn theo với giá cao hơn cả SGK.
Ông Thuyết cho biết: Bộ SGK Cánh Diều của chúng tôi cũng đang có một số sách tham khảo “ăn theo” nhưng không phải do chúng tôi biên soạn và nội dung là nội dung của sách cũ tân trang. Chỉ cần nhìn phụ đề của sách là “sách dành cho buổi học thứ hai” là biết. Bây giờ, chương trình mới quy định học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì nội dung SGK phải bảo đảm 2 buổi/ngày, làm gì còn sách dành cho buổi học thứ hai như trước nữa. Vì vậy, cần phải kiểm soát sách tham khảo “ăn theo” SGK. Các thầy cô và phụ huynh học sinh cũng nên tỉnh táo khi đi chọn sách để đừng chọn nhầm.
Theo ông Thuyết, nhiều trường tổ chức cho HS mua sách tham khảo theo sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT. Điều này cần nghiêm túc xem xét. Bộ GD&ĐT cũng như các Sở GD&ĐT cần xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục qui định việc bán sách tham khảo cho học sinh. Đồng thời, cần rà soát và có hướng dẫn danh mục SGK, sách bổ trợ và sách tham khảo phù hợp để tránh nhập nhằng cho phụ huynh học sinh khi chọn mua sách.
Trường TH Đông Thái (quận Tây Hồ) chọn SGK Toán, Tiếng Việt Cánh Diều, còn các môn khác chọn của một số NXB trong qui định. Đối với SGK Toán, Tiếng Việt có thêm sách bổ trợ là Bài tập toán và Luyện viết. Còn các SGK khác không có sách bổ trợ.
Cô giáo Phan Thiên Hương-Tổ trưởng khối 1, GVCN lớp 1A8 trường TH Đông Thái cho biết: Từ thực tế dạy học, chúng tôi lựa chọn những cuốn sách bổ trợ phù hợp với học sinh lớp 1, chứ không chọn nhiều sách bài tập hay tham khảo để đỡ tốn kém cho PHHS, đồng thời đảm bảo được hiệu quả tiếp thu bài học của HS. Với những HS mới vào lớp, thì các cuốn sách như Bài tập toán và Luyện viết là cần thiết với cô và trò. Nội dung bổ trợ gắn với bài học trong SGK chứ không phải là nâng cao hay mở rộng kiến thức.
Cô Hương cho biết thêm, SGK Tiếng Việt có thêm cuốn Bài tập Tiếng Việt đi kèm, nhưng chúng tôi không sử dụng vì thấy không cần thiết. Vì để dạy phần này, GV phải có phương pháp ra bài tập gắn với việc rèn chữ trong HS…
Cũng như vậy, cô giáo Vũ Thị Diệu Huyền, trường TH Giang Biên (quận Long Biên) nhận định: Để bộ SGK sử dụng được nhiều lần, HS không trực tiếp làm bài tập vào SGK mà có thể sử dụng vở bài tập cũng rất tiện lợi và phù hợp với tâm lý lứa tuổi của HS. Hệ thống bài tập trong vở được thiết kế tương đồng với nội dung bài tập trong SGK với những kênh hình sinh động, đa dạng và dễ hiểu; giúp các em hứng thú trong quá trình học tập, nhận biết và thực hiện các hoạt động tương tác như: viết, vẽ, tô màu, nối tranh, nối các ô chữ, điền dấu, điền kết quả, đánh dấu vào ô trống hay khoanh tròn vào chữ cái... Vấn đề là nhà trường và GV phải chọn được sách bổ trợ phù hợp, chứ không dàn trải rồi yêu cầu học sinh học thêm ngoài SGK một cách không cần thiết.