Phơi, đốt rác cho dân… hưởng khói
Bãi rác thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) nằm cạnh khu dân cư. Nó đang trong tình trạng ô nhiễm. Mỗi ngày, hàng tấn rác được chở đến.
Rác không được phân loại, xử lý nên ứ đọng, chất đống. Một trong những “phương pháp xử lý” được áp dụng thường xuyên là đốt tự nhiên. Khói bốc lên từ đốt rác nghi ngút, theo gió mùi hôi thối bay khắp nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều hộ gia đình.
Chị Phạm Thị Lành (thôn 1, thị trấn Sa Thầy) sinh sống ở đây được khoảng 3 năm nay. Do sống gần bãi rác nên gia đình chị chịu nhiều ảnh hưởng bởi mùi hôi thối. Không chỉ vậy, hàng ngày bãi rác bị bốc cháy khiến khói, bụi bay nghi ngút.
“Bãi rác này ngày đêm người ta cứ đốt liên miên. Lúc nào cũng khói, bụi và mùi. Cứ vài bữa hoặc một tuần người ta lại quật rác lên phơi rồi đốt. Cái mùi hôi thối bốc ra ảnh hưởng rất nhiều đến bà con nơi đây khiến mọi người khó thở được. Mùa hè nóng bức như vậy nhưng nhà tôi đóng cửa suốt. Đêm không ngủ được vì mở cửa ra thì khói, đóng vào thì nóng và bí”, chị Lành chia sẻ.
Cũng theo chị Lành, khi mua đất làm nhà chị không nghĩ cuộc sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi bãi rác. Đến khi làm xong nhà, chịu đựng không được mùi hôi thối nên gia đình chị quyết định cắm biển bán nhà. Tuy nhiên treo biển bán cả năm cũng chẳng ai mua.
“Nhiều người ở đây cũng bán đất như gia đình tôi. Có người đến mua, ở một thời gian khiếp quá lại treo biển bán bởi mùi hôi và ruồi, muỗi, bọ bu đen kịt”, chị Lành chia sẻ.
Từng sinh sống bên cạnh nhà chị Lành, nhưng gia đình anh Phạm Văn Long phải bán đất chuyển đi nơi khác bởi mùi hôi thối và ruồi muỗi.
“Mỗi lần qua nhà chị gái ăn uống, gia đình mình đều phải vội vàng để về. Bởi mùi hôi thối nồng nặc và ruồi bu khắp nhà, đen mâm. Chỉ ngồi một lúc mình đã thấy mệt. Khách đến còn vậy, huống gì sinh sống ở đây từ năm này qua năm khác”, anh Long nói.
Nhà đối diện bãi rác, chia sẻ của chị Trần Thị Thúy cũng vậy: “Ngày nào cũng như ngày nào, bãi rác đều bốc khói nghi ngút. Nhà tôi ở đối diện nên hầu như phải hứng hết mùi hôi, khói bụi.
Tôi có con nhỏ hơn 4 tuổi nhưng thường xuyên ốm vặt, người thì còi cọc. Để hạn chế khói và mùi hôi, nhà tôi phải dùng tôn, bạt để che chắn lại, tuy nhiên vẫn không ăn thua. Hôm nào ở nhà cũng phải đóng cửa im ỉm để hạn chế mùi thối”.
Rác thải không được phân loại, chất thành từng đống khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng xuất hiện nhiều. |
Chủ tịch huyện: Bãi rác có trước, dân đến ở sau
Cũng theo chị Thúy, khói từ bãi rác theo gió bay đi khiến nhiều người dân chịu ảnh hưởng, đặc biệt là thôn 1 và thôn 5.
“Người lớn chúng tôi ngửi phải mùi khói, mùi hôi thối cũng đã thấy khó chịu lắm rồi. Đối với những nhà có con nhỏ thì thường xuyên đau ốm, mắc bệnh về đường hô hấp nên chúng tôi vô cùng lo lắng. Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý rác thải và di dời bãi rác để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống”, chị Thúy lo lắng nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sâm – Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, bãi rác thị trấn đã hình thành từ lâu. Sau đó người dân mới đến đây sinh sống. Rác thải được thu gom ở thị trấn và nhiều xã nên mỗi ngày có khoảng 7 - 8 tấn rác được chở về đây. Tuy nhiên, do huyện chưa có kinh phí để xây dựng nhà máy rác nên rác thải không được phân loại và xử lý kỹ lưỡng.
Huyện đã nắm được việc người dân phản ánh về mùi hôi thối và tình trạng người dân đốt rác. Tuy nhiên, việc di dời bãi rác cần có quy trình và thời gian, chứ không thể giải quyết ngay lập tức.
“Về vấn đề bãi rác bị cháy khiến khói bụi bay vào nhà dân có thể là do những người đi nhặt ve chai đốt để lấy phế liệu. Đơn vị đã yêu cầu bên Công ty Dịch vụ Môi trường Đô thị theo dõi không để người dân đốt rác. Bên cạnh đó sử dụng vôi để xử lý, hạn chế mùi hôi thối.
Trong cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 sắp tới đơn vị sẽ không cho xe rác đổ tại đây để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đến đầu năm sau huyện sẽ có phương án di dời bãi rác đến nơi khác, cách xa khu dân cư và thực hiện quy trình xử lý rác thải để người dân yên tâm sinh sống”, ông Sâm khẳng định.