Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Chiều ấy, trên hành lang Khoa Văn, tôi dõi mắt nhìn nắng rót mật lên giàn hoa tigon hồng hồng, nhỏ xíu. Từ căn gác nhỏ phía bên kia đường vẳng lên tiếng hát: “Gọi nắng/ Trên vai em gầy/ Đường xa áo bay...”. Ca từ và giai điệu da diết của “Hạ trắng” ăn nhập với tâm trạng nhớ nhà của cô sinh viên năm thứ nhất đến lạ kì.

Và từ đó, tôi nghe Trịnh, mỗi ngày.

Cõi mơ ngày ấy…

Càng nghe, nhạc Trịnh càng hút tôi vào “Diễm xưa”, “Biển nhớ”, “Cát bụi”, “Như cánh vạc bay”, “Để gió cuốn đi”… Từng nốt nhạc của Trịnh vừa ru êm vừa mênh mang, man mác. Những con chữ hoài niệm dẫn tâm hồn người nghe bềnh bồng trên sóng nước vô định, cô liêu: “Nắng có hồng bằng đôi môi em?/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em?/ Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…” (Như cánh vạc bay).

Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy. Mong manh như khói, ảo huyền như sương. Chưa kịp cầm tay đã tan vào hư vô, kì bí.

Nhạc sĩ Văn Cao – người bạn vong niên, một tri âm của Trịnh nhận định: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người hát thơ. Bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ…”.

Thế nên lời ca của Trịnh lúc nào cũng đầy mong đợi, khát khao: “Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhớ mãi trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau…”.

“Diễm xưa” là một trong những ca khúc bất hủ Trịnh viết tặng Diễm – cô gái xứ Huế mộng mơ. Đây là bài hát hiếm hoi Trịnh để tên người yêu. Kỷ niệm gọi tên Diễm mà ai nghe cũng thấy có mình. Đó là cái tài của Trịnh. Nói đến một người để nói mọi người. Như cách diễn đạt trong “Nhớ mùa Thu Hà Nội: Nhớ đến một người/ Để nhớ mọi người”.

Còn nhớ như in chiều 1/4/2001. Tan học, tôi từ giảng đường về khu kí túc xá, một người bạn cùng phòng nhưng khác lớp thông báo cho tôi: “Trịnh mất rồi”. “Đừng đùa kiểu đó” - Tôi bình thản trả lời vì nghĩ đây là trò Cá tháng Tư. “Thật đấy. Cậu sang phòng bên mà hỏi”.

Lưỡng lự một chút nhưng rồi tôi vẫn sang phòng bên. Một lần nữa tôi nghe tin Trịnh mất. Có thể tụi bạn đã thống nhất với nhau trò đùa này. Mồng Một tháng Tư là ngày nói dối mà. Tôi không tin. Hoặc không dám tin. Hoặc không muốn tin…

Chuẩn bị đến giờ phát thanh trực tiếp của trường, tôi rảo bước thật nhanh. Như thường lệ, thầy trưởng phòng phát thanh đưa cho tôi tập bản tin: Thể thao, văn nghệ, kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Cuối cùng là một bài có tựa đề: “Vĩnh biệt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”. Mặt tôi biến sắc, tay tôi run lên. Thầy nhìn thấy cả nên đưa cho cho tôi ly nước lạnh. Để giảm oi bức của tiết trời hay để dịu bớt những dữ dội trong tôi? Có lẽ là cả hai.

Tôi cảm ơn thầy rồi tự gói ghém, niêm phong cảm xúc trong khoảng thời gian vừa quá ngắn lại cũng quá dài. Những điều về Trịnh phải buộc lòng nén lại. Tôi kiểm tra kết nối tai nghe, micro, khởi động giọng và sẵn sàng vào việc. Bài cuối cùng trong buổi phát thanh đó dành riêng cho Trịnh.

Tôi vừa đọc xong thì bạn phụ trách kĩ thuật mở ca khúc “Cát bụi”. Nhạc dạo từ từ vang lên, tiếng hát Khánh Ly nghe thê lương khắc khoải: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”.

Sau buổi phát thanh hôm ấy, tôi đi thẳng lên hành lang Khoa Văn, nơi có giàn hoa tigon hồng hồng, nhỏ xíu. Nắng đã tắt hẳn, giảng đường thênh thang, lặng phắc. Chỉ giàn hoa biết những cảm xúc trong tôi được bung tháo thế nào… Từ căn gác nhỏ, lại vẳng lên tiếng hát: “Có khi mưa ngoài trời/ Là giọt nước mắt em/ Đã nương theo vào đời/ Làm từng nỗi ưu phiền…” (Ru đời đi nhé).

Thời gian như là gió, chớp mắt đã hơn hai mươi năm Trịnh về làm cát bụi. Hơn hai mươi năm, nhạc Trịnh giúp tôi cảm và đón nhận sự vô thường trong cuộc đời một cách nhẹ nhàng, bình thản: “…Từ đó em là sương/ Rụng mát trong bình minh/ Từ đó ta là đêm/ Nở đóa hoa vô thường...”. “Đóa hoa vô thường” vừa là bản tình ca vừa là bài kinh cầu bên vực thẳm, bi mà không lụy.

Những dòng thư gửi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hằng Nguyễn

Những dòng thư gửi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hằng Nguyễn

“Tuyệt vọng cũng đẹp như bông hoa”

Trịnh từng nói về mình: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...” Quả thật, những ca khúc của Trịnh thường nhuốm màu hư ảo, không dễ hiểu nhưng vẫn thấy hay.

Mỗi ca khúc là một câu chuyện, một đoạn trải lòng, thành thật. Trịnh quan niệm: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.

Và: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”. Và nữa: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa…”.

Có lẽ vì thế mà nhà nghiên cứu âm nhạc Tâm Anh từng nhận xét: “Nguồn cảm hứng của nhạc Trịnh khơi nguồn từ những nỗi khổ đau trong đời người, nỗi thất vọng, sự chông chênh, những gì không vuông tròn, đối xứng.

Cảm xúc của ông dường như luôn đi trước một bước. Trong nỗi sống đã hình dung nỗi chết, mới gặp gỡ đã dự cảm chia lìa… Những cặp phạm trù buồn – vui, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau, đắng – ngọt luôn tồn tại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng và từ đó đi vào từng ca khúc của ông”.

Không chỉ vậy, Trịnh còn được đông đảo các văn nghệ sĩ nước ngoài yêu mến. Nhiều người nổi tiếng như: Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu, Kyo Yorkr, Richard Fuller, Vagne Christian… hát nhạc Trịnh bằng những ngôn ngữ khác nhau: Việt, Anh, Pháp, Nhật... Trịnh được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam”.

Frank Gerke - Tiến sĩ triết học người Đức, nghe nhạc Trịnh, say nhạc Trịnh và thốt lên rằng: “Nhạc anh Sơn là nhạc chỉ dành cho một người. Khi nào buồn, khi nào cô đơn đến tuyệt vọng mà không còn biết bấu víu vào đâu nữa, người ta tìm về với Trịnh. Trịnh sẽ đón họ, nâng đỡ, an ủi họ. Vì thế, tôi mới bảo Trịnh Công Sơn là một nửa âm nhạc Việt Nam”. Frank Gerke lấy tên tiếng Việt là Trịnh Công Long.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Ảnh tư liệu

Haike Manning - cựu Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình đã chọn hát “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh. Haike Manning chia sẻ: “Tôi muốn bày tỏ tình yêu của mình với Việt Nam, lòng ngưỡng mộ sâu sắc trước tài năng và di sản của Trịnh Công Sơn”.

Đành lòng biết nhạc Trịnh buồn lắm, triết lý lắm và đôi khi cũng khó hiểu lắm nhưng hàng triệu triệu người vẫn yêu nhạc Trịnh theo dặm dài năm tháng. Vì sao ư? Nghe Trịnh để có “một tấm lòng, để có một tiếng cười, để lặng nhìn không nói năng, để yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui” (Để gió cuốn đi).

Nghe Trịnh để giữ chặt niềm tin và không khi nào tuyệt vọng (Tôi ơi đừng tuyệt vọng)… Nghe Trịnh để: “Và như thế tôi sống vui từng ngàу/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã уêu cuộc đời nàу bằng trái tim của tôi…” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).

Người tài hoa thường bị số phận trêu đùa. Sống thật lòng, yêu thật lòng, thương thật lòng, thơ thật lòng, nhạc cũng thật lòng… Đó là Trịnh. Sao lại mất vào ngày nói dối? À không. Không phải. Sự ra đi của Trịnh chỉ là lời nói dối. Thời gian đã minh chứng Trịnh trường tồn trong lòng công chúng. Một cách mãnh liệt. Nhạc Trịnh vẫn được hát, vẫn được nghe bằng tất cả trái tim của người ái mộ.

Đêm qua, Trịnh đàn ghita và hát trong giấc mơ của tôi: “Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm/ Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm/ Cho vừa nhớ nhung/ Có em dỗi hờn nên mãi ru thêm ngàn năm/ Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ…” (Ru em từng ngón xuân nồng).

Ai yêu nhạc Trịnh sẽ yêu giọng hát của Ly: Liêu trai, u tịch, mê hồn… Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Trịnh viết chủ yếu cho Ly hát. Trong sự nghiệp cầm ca vươn tới tầm cao của mình, Ly hầu như chỉ hát nhạc Trịnh. Họ sinh ra để thắp sáng nhau nhưng không phải là yêu.

Trịnh từng nói: “Khánh Ly hát về nỗi buồn một cách bình thản. Và còn gì buồn hơn khi nỗi buồn đến một cách bình thản, đương nhiên như thế?”. Trịnh thương Ly, xa xót cho Ly. Và nhiều hơn thế. Còn Ly, Ly gọi Trịnh là gì? Tri kỉ! Họ là một cặp tri kỉ, là định mệnh của nhau, cùng góp cho âm nhạc Việt Nam nốt sol kì diệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.