Sa Ná (Thanh Hóa): Vùng “đất chết” đã hồi sinh

GD&TĐ - Nhắc đến Sa Ná, nhiều người vẫn nhớ đến trận lũ lịch sử xảy ra hồi tháng 8/2019, khiến bản này gần như bị “xóa sổ”.

Điểm trường Sa Ná đã được xây dựng kiên cố, khang trang.
Điểm trường Sa Ná đã được xây dựng kiên cố, khang trang.

Hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hơn 10 người bị tử vong và mất tích, thiệt hại do đợt lũ gây ra cho Sa Ná hàng trăm tỷ đồng.

Thay da, đổi thịt

Hơn một năm bà con ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) về khu tái định cư sinh sống, giờ đây vùng “đất chết” ấy đã hồi sinh rõ rệt và đang thay da đổi thịt từng ngày.

Con đường từ Quốc lộ 217 vào bản Sa Ná dài chừng 6km, đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Cây cầu bê tông bắc qua sông Luồng, nối từ bản Bo Hiềng vào Sa Ná đã hợp long, đang thi công đường dẫn hai đầu cầu.

Ông Ngân Văn Thêu - Trưởng bản Sa Ná cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, hơn 50 hộ dân ở Sa Ná giờ đây đã ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng hơn, là khu trường học điểm lẻ của Trường Tiểu học và Mầm non Na Mèo, được Nhà nước xây dựng khang trang, kiên cố tại khu tái định cư.

Hàng ngày, gần 120 thầy, cô giáo, học sinh trong bản Sa Ná dạo bộ đến trường trên con đường kiên cố, xanh mát bởi đầy hoa và cây xanh. Có trường lớp sạch đẹp, phụ huynh trong bản đưa con đến trường học chữ, để yên tâm lao động, sản xuất, mưu sinh.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Sa Ná vẫn nhớ như in hình ảnh ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ngày ấy (nay là Thủ tướng Chính phủ) đến với Sa Ná sau khi lũ đi qua.

Ông Thêu kể: “Hôm ấy là ngày 8/8/2019, ông Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác lội bộ vào Sa Ná, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con đến tận gần 13 giờ. Ông Chính đã thay mặt Đảng, Chính phủ thăm hỏi, động viên, chia sẻ với người dân Sa Ná. Việc làm ấy đã khiến đồng bào ấm lòng hơn khi thấy Đảng, Chính phủ thật gần gũi người dân”.

Sau khi thăm hỏi, trao quà cho đồng bào ở Sa Ná, ông Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Sơn và các ngành liên quan tại nhà trưởng bản Sa Ná. Tại buổi làm việc, ông Chính chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa dùng mọi phương tiện để tìm kiếm người dân mất tích.

UBND huyện Quan Sơn, ngành chức năng của tỉnh cần sớm hoàn thiện mặt bằng tại khu tái định cư cho người dân. Khu tái định cư này phải đầy đủ hạng mục, như: Đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, khu vệ sinh... để người dân bị mất nhà sau lũ ở Sa Ná có nơi ở mới.

Những ngôi nhà sàn ở khu tái định cư Sa Ná.
Những ngôi nhà sàn ở khu tái định cư Sa Ná.

Người dân phải sớm có nhà mới tại khu tái định cư, với điều kiện nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, để đồng bào an cư, lạc nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh, huyện phải tập trung sửa chữa, xây mới ngay các điểm trường học bị thiệt hại do mưa lũ, để đầu năm học mới 2019 - 2020, các cháu học sinh có trường, lớp để học...

Ngay sau đó, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mức hỗ trợ cho dân 50 hộ dân theo mức: Đối với những nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên được là 300 triệu đồng/hộ. Những nhà bị hư hỏng từ 50 – 70%, được hỗ trợ 200 triệu đồng/hộ.

Đối với nhà bị thiệt hại từ 30 – 50%, được hỗ trợ 100 triệu đồng. Còn những nhà có nguy cơ sạt lở, hư hỏng dưới 30%, thì được hỗ trợ 40 triệu đồng để di chuyển nhà cửa.

Theo đó, khu tái định cư được mở rộng 5,29 ha để tạo mặt bằng ở khu đồi Poong Hồ, thuộc địa phận bản Sa Ná. Sau khi san lấp mặt bằng, khu tái định cư này có vị trí khá bằng phẳng, không ảnh hưởng ta luy âm và ta luy dương. Người ta cũng xây dựng bờ kè chống sạt lở cục bộ, cách vị trí xảy ra lũ quét gần 1km

Ông Vũ Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy Quan Sơn, cho hay: Hơn một năm qua, bản Sa Ná đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây nhà tái định cư cho người dân.

Cơ sở hạ tầng đường, điện, đường, trường học, nhà văn hóa, khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp cho người dân để tái thiết tại bản Sa Ná đã cơ bản ổn định. Đến nay, tất cả các hạng mục đầu tư tái thiết tại Sa Ná đã hoàn thành, đưa vào sử dụng có hiệu quả, giúp Sa Ná hồi sinh sau lũ dữ.

Giáo viên và học sinh yên tâm trong trường mới

Khi người dân Sa Ná đã được an cư, cũng là lúc chính quyền địa phương lo cho bà con lạc nghiệp. Bởi lẽ, những mất mát của bà con đồng bào Sa Ná, là điều không thể bù đắp nổi. Thiên tai đã lấy đi mồ hôi, công sức, nước mắt và cả máu của họ quá nhiều.

Ông Vũ Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy Quan Sơn, cho biết: Sau khi lũ đi qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều lo cho người dân Sa Ná có nơi ở, công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, tìm hướng tạo sinh kế mới cho bà con đồng bào như thế nào, mới là điều cấp thiết. Cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang tập trung quy hoạch, cải tạo đất piềng bãi ven sông suối, đồi rừng để tạo quỹ đất sản xuất cho người dân Sa Ná.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang thực hiện việc đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng xưởng chế biến lâm sản tại địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động ở bản này.

Mặc dù, người dân ở Sa Ná đã có nhà mới để ở, nhưng thực tế bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, huyện Quan Sơn đang quyết tâm giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống mới.

Vì vậy, huyện Quan Sơn đã chọn phương án, ưu tiên đào tạo nghề mới cho lao động bản Sa Ná. Trước tiên, là số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động…

Cùng với đó, huyện cũng sẽ đầu tư cơ sở thiết yếu, phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, để nâng cao thu nhập cho bà con....

Khu tái định cư Sa Ná.
Khu tái định cư Sa Ná.

Bí thư Đạt tâm sự: “Huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, khôi phục diện tích ruộng lúa nước hai vụ bị thiệt hại do lũ (khoảng 4,0 ha) cho bà con. Về lâu dài, huyện sẽ đào tạo nghề chăn nuôi, sản xuất hàng nông nghiệp, để xây dựng một thương hiệu đặc trưng, mang “thương hiệu” Sa Ná.

Huyện hỗ trợ vốn cho bà con phát triển các mô hình sản xuất, như: sản xuất rau an toàn, chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm sạch, khuyến khích bà con phát triển thương mại, dịch vụ trong thôn bản...

Khi người dân chăn nuôi, sản xuất ra sản phẩm, huyện sẽ vận động các tổ chức, doanh nghiệp, trường học bán trú ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Một điều đáng mừng nữa, là bây giờ trẻ em ở Sa Ná đã được học tập trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp”.

Thầy giáo Chung Trường Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, tâm sự: Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra hồi tháng 8/2019, đã khiến điểm trường Sa Ná tan hoang.

Ngay sau đó, Nhà nước đã hỗ trợ, đầu tư kinh phí xây dựng một ngôi trường mới kiên cố, khang trang. Trong đó, có dãy nhà 5 phòng học cho 5 lớp, 4 phòng ở cho giáo viên, nhà bếp, phòng ăn và khu vệ sinh trường học đảm bảo tiêu chuẩn.

Hôm chúng tôi trở lại Sa Ná đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Tiếm - người mẹ bị mất đứa con trai 3 tháng tuổi lẫn nhà cửa, tài sản bởi dòng lũ quái ác. Ngồi trò chuyện, cô Tiếm bày tỏ sự biết ơn Báo GD&TĐ đã có bài phản ánh việc suốt bao năm cô phải dạy hợp đồng.

“Gia đình tôi và bà con trong bản đã phải trải qua một lần đau thương, mất mát không bao giờ có thể bù đắp được. Thời điểm con trai tôi bị nước lũ cuốn trôi, chồng bị thương nặng, nhà cửa, tài sản bị mất sạch, tôi đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất.

Cũng may, có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm nên tôi mới gắng gượng vượt qua. Bây giờ, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà mới cho khang trang, chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, nhờ có Báo GD&TĐ mà tôi đã được cấp trên xét duyệt chính thức vào biên chế của ngành Giáo dục, để yên tâm công tác”, cô Tiếm tâm sự.

Chúng tôi chia tay bản Sa Ná khi chiều muộn. Những ngôi nhà sàn khang trang, nhà xây kiên cố nơi Sa Ná bừng lên tươi sáng bởi ánh điện lưới quốc gia... Tất cả đều thể hiện sự hồi sinh của “vùng đất chết” Sa Ná. 

Điểm trường Sa Ná có cơ sở vật chất khang trang nhất so với các điểm lẻ còn lại của nhà trường. Các thầy, cô giáo, học sinh ở đây rất phấn khởi, vì không còn phải dạy và học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như trước nữa. Đặc biệt, trong số giáo viên ở điểm trường Sa Ná, có hai cô giáo là Nguyễn Thị Tiếm, Ngân Thị Long đang cắm bản. Sau khi lũ tràn qua Sa Ná, nhờ Báo GD&TĐ viết bài phản ánh và trực tiếp đề nghị với lãnh đạo huyện, mà giờ đây các cô đã được biên chế chính thức trong ngành Giáo dục. Các cô giáo ấy cũng đã phải chờ đợi biên chế trong mười năm trời. Thầy Chung Trường Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.