Hồi sinh Sa Ná

GD&TĐ - Gần một tháng sau khi trận lũ lịch sử tràn qua bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi có dịp trở lại vùng đất đau thương này, để ghi nhận việc tái thiết cơ sở vật chất, đời sống mới cho người dân. 

 Máy móc đang san đồi, bạt núi để mở mặt bằng cho khu tái định cư Sa Ná
Máy móc đang san đồi, bạt núi để mở mặt bằng cho khu tái định cư Sa Ná

Nỗi đau thương còn đó

Không còn phải vượt sông Luồng bằng bè, cắt rừng đi bộ như những lần trước, lần này, tôi chạm chân vào Sa Ná thuận lợi và dễ dàng hơn. Nhờ có đường tạm vượt qua con sông Luồng hung dữ ngày nào nên giờ đây, chúng tôi có thể đi xe máy vào tận bản Sa Ná.

Mặc dù nền móng, dấu tích hàng chục ngôi nhà của người dân bị dòng lũ dữ cuốn trôi vẫn còn nguyên vẹn nhưng đường đi, lối lại ở trung tâm bản không còn tràn ngập bùn đất lẫn vô số thân cây gỗ lớn bị lũ cuốn từ trong rừng sâu ra như trước. Người ta đã dọn dẹp gọn gàng hơn để nhường chỗ cho xe cộ, máy móc công trình lấy lối đi vào khắc phục hậu quả đợt thiên tai, giúp người dân tái thiết cuộc sống mới. Mọi thứ ở Sa Ná đang dần thay đổi...

Thế nhưng, đọng lại trong tôi vẫn là những ánh mắt đượm buồn, chất chứa nỗi đau thương của người dân ở thung lũng vốn dĩ bình yên này. Bởi lẽ, cơn lũ dữ hồi đầu tháng 8 tuy đã đi qua được gần một tháng, nhưng ký ức kinh hoàng của người dân Sa Ná vẫn vẹn nguyên. Nước lũ tràn về đã lấy đi của họ không chỉ mạng sống, của cải vật chất mà còn cả tinh thần. Nhiều gia đình chỉ trong phút chốc bỗng mất cha, mẹ, vợ, con, người thân.

Đó là hoàn cảnh của anh Hà Văn Vân (29 tuổi) ở Sa Ná - bỗng dưng trở thành trắng tay, không người thân, nhà cửa, ruộng vườn. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Tiếm, đau đớn khi mất đi đứa con trai mới lọt lòng được ba tháng tuổi, ngôi nhà bị lũ cuốn phăng, còn chồng thì bị dòng nước quăng quật đến gãy xương sườn, dập thận, may mà không mất mạng... Và, khi phải đối mặt với cảnh tang thương chưa từng xảy ra với mình như thế, những người còn sót lại chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Kết liễu đời mình cho xong. Cũng may, ở thời khắc đó, người dân và chính quyền địa phương đã kịp thời động viên, khuyên nhủ...

Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, Lữ Văn Hà dẫn tôi đi thăm một số người dân đã bị mất người thân, mất nhà cửa và đang phải đi ở nhờ. Trong lúc dẫn đường, Bí thư Hà bảo rằng: Sa Ná có 72 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, được chia làm 3 khu. Từ khi lập bản đến nay, vùng đất này chưa từng gặp trận thiên tai nào thiệt hại nặng nề đến thế. Những ngôi nhà sàn của người dân chủ yếu tập trung bên phía bờ hữu dòng suối Son.

Phía bờ tả là cánh đồng lúa xanh mướt được người dân hàng ngày chăm bón. Từ thượng nguồn chảy về, dòng suối Son vốn dĩ hiền hòa, là nguồn nước trong lành cho bà con sinh hoạt và dùng để tưới tắm cho đồng lúa, luống khoai... Bỗng dưng, trận lũ lịch sử kinh hoàng ập về, khiến hơn 20 ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi, xô sập.

Bao nhiêu mồ hôi, công sức, tài sản của bà con bỗng chốc trôi theo dòng lũ. Đau thương hơn, trong ngày 3/8, bản Sa Ná có tới 15 người dân bị mất tích. Ngay sau đó, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã khẩn trương tìm kiếm và cứu sống được 5 người. Đến nay, trong số 10 người bị lũ cuốn đã tìm thấy 4 thi thể, nhưng vẫn còn 6 người nữa chưa thấy tung tích.

Cũng theo Bí thư Hà, trong số 10 người mất tích thì gia đình anh Hà Văn Vân là đau thương nhất khi có tới 6 người gặp nạn. “Không thể tưởng tượng được sự mất mát đến tột cùng của người còn sống sót duy nhất là anh Hà Văn Vân. Chỉ trong phút chốc, 6 người thân, gồm: Bố, mẹ, vợ, hai đứa con, chị gái ruột cùng ngôi nhà và tài sản đã bị dòng lũ cuốn đi.

Hôm đó, khi anh Vân nhận được tin gia đình mình gặp nạn, anh ấy tức tốc từ Hà Nội trở về. Thế nhưng, khi về đến bản Bo Hiềng (phía bên hữu sông Luồng) thì bị nước lũ chia cắt. Chính quyền địa phương, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã lập tức bố trí ca nô để đưa anh Vân vượt sông, rồi cắt cử cán bộ dẫn anh về bản. Vừa tới nhà, Vân như một người hoàn toàn khác vậy. Anh ấy dường như không còn sức để gượng dậy trước sự mất mát quá lớn trong đời.

Đã có lúc, anh Vân định quyên sinh, nhưng rất may được mọi người can ngăn, an ủi. Và đến thời điểm hiện tại, trong số 6 người thân, ruột thịt của anh Vân, thì mới tìm thấy thi thể của vợ và một đứa con trai của anh. Còn bố, mẹ, chị gái và một con trai vẫn chưa tìm thấy” - Bí thư Hà kể lại.

Anh Hà Văn Vân với ánh mắt vô định khi một lúc mất đi 6 người thân
Anh Hà Văn Vân với ánh mắt vô định khi một lúc mất đi 
6 người thân 

Chúng tôi ghé thăm gia đình cụ bà Phạm Thị Lít (70 tuổi), để chia sẻ nỗi đau với gia đình, nhưng bà cụ đang ra bờ suối Son thắp hương kêu cầu các con. Cụ Lít kể rằng: Vợ chồng người con trai đầu lòng của cụ là Ngân Văn Kiêm và Vi Thị Ọi ở nhà trông nom hai đứa con cho người con trai. Khi lũ đến, ông Kiêm vội bế đứa bé 3 tuổi nhờ người đưa lên vị trí cao tránh lũ, sau đó quay về để đưa vợ và đứa cháu trai còn lại nhưng không kịp thoát thân.

“Lũ ập xuống, cuốn trôi vợ chồng nó và thằng cháu trai. Thi thể hai vợ chồng nó đến nay vẫn chưa tìm thấy. Còn thằng cháu trai 10 tuổi may mắn ôm được một gốc cây, trôi xuống tận bản Bo Hiềng (cách nhà 4 km), thì được người dân cứu sống. Từ khi lũ cuốn mất ông, bà nội của nó, thằng bé cứ lầm lì và ít nói năng như trước. Gia đình chúng tôi chỉ mong sớm tìm được thi thể của các con, kẻo tội lắm”. Nói xong, cụ Lít lại bưng mặt khóc.

Còn chị Vi Thị Hòa (29 tuổi), ở Sa Ná thì bảo rằng: “Từ khi lũ tràn về, đến nay cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn hoàn toàn, thiếu thốn trăm bề. Không có điện lưới, thiếu nước sạch, nơi ở... Bà con cũng biết rằng, các cấp chính quyền đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm người mất tích cho dân bản, nên chúng tôi rất hiểu, chia sẻ nỗi vất vả ấy và không đòi hỏi gì nhiều. Bà con chỉ mong được Nhà nước quan tâm, giúp cho dân bản sớm ổn định cuộc sống, không lo mưa lũ tàn phá nữa thôi. Vì, ông trời đã lấy đi của chúng tôi quá nhiều rồi...”.

Vực dậy Sa Ná

Khu phòng học lắp ghép cho con em bản Son, Sa Ná học tạm
Khu phòng học lắp ghép cho con em bản Son, Sa Ná học tạm 

Bây giờ, ở Sa Ná không còn cảnh đổ nát, hoang tàn, tang thương như những ngày sau khi trận lũ lịch sử tràn qua. Thung lũng vốn bình yên là thế nhưng giờ đây đang hối hả như một đại công trường.

Gặp tôi ở đầu bản, ông Cao Xuân Bình - Phó Giám đốc Công ty xây dựng Phương Đông (Sầm Sơn, Thanh Hóa) – đơn vị đảm nhiệm xây dựng mặt bằng khu tái định cư cho người dân Sa Ná, cho hay: Sau khi lũ dữ đi qua, cơ quan chức năng khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng khu tái định cư (TĐC) Sa Ná, đơn vị ông được UBND huyện giao cho việc san lấp mặt bằng và xây dựng một số hạng mục công trình này.

Tuy nhiên, do địa hình bản Sa Ná bị chia cắt bởi sông Luồng nên việc vận chuyển máy móc, vật liệu xây dựng vào đây vô cùng khó khăn. Muốn đưa được máy móc, thiết bị vào Sa Ná, buộc phải có đường giao thông thuận lợi. Vì vậy, UBND huyện Quan Sơn đã thống nhất cho đơn vị chúng tôi lập đường tạm bằng cách ngăn dòng sông Luồng từ những ống cống ly tâm cực lớn, tạo thành đường giao thông có thể chịu lực cho xe chở vật liệu, máy móc công trình vượt sông” – ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, khu TĐC cho người dân bản Sa Ná có diện tích rộng 52.000m2, trong khu đất rừng sản xuất. Sau khi đưa được máy móc, thiết bị vào đây, đơn vị thi công sẽ tiến hành san lấp mặt bằng; làm đường giao thông, kè đá mái ta luy; xây dựng trường học (gồm tiểu học và mầm non), nhà ở cho giáo viên; xây nhà văn hóa; hệ thống điện, nước sinh hoạt và các công trình phụ trợ khác. “Trước tình hình cấp bách nên đơn vị chúng tôi huy động toàn bộ nhân lực, máy móc thiết bị để thực hiện theo lối “cuốn chiếu”. Có nghĩa là, khi tạo được mặt bằng đến đâu, sẽ tiến hành xây dựng và hoàn tất đến đó, tạo nền móng cơ bản cho người dân vào dựng nhà cửa, lấy nơi sinh sống”, ông Bình cho hay.

Theo chia sẻ của ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, đợt mưa lũ sau hoàn lưu bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với người dân nơi đây. Hơn chục người chết và mất tích, 35 ngôi nhà, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị sập hoàn toàn. Mưa lũ cũng cuốn trôi 71 cây cột trung áp, 58 cột hạ áp, 2 trạm biến áp và hơn 20.000m dây điện. Tính đến thời điểm hiện tại còn 4 bản của 2 xã (bản Sa Ná, bản Son, bản Ché Lầu của xã Na Mèo và bản Muống của xã Sơn Thủy) với 315 hộ dân chưa có điện dùng.

“Hiện nay, công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai quyết liệt do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương tìm kiếm 6 người mất tích, đồng thời hỗ trợ nước bạn Lào tìm kiếm 7 nạn nhân do lũ cuốn trôi.

Tiếp tục cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu, đảm bảo đời sống cho người dân đến khi chủ động được lương thực. Đối với việc tái thiết bản Sa Ná, xây dựng khu TĐC, hiện nay huyện đã yêu cầu đơn vị thi công thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa dân vào nơi ở mới trước ngày 31/11/2019. Đồng thời, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch khắc phục thiên tai, ổn định sinh kế trên toàn địa bàn huyện Quan Sơn”, ông Đạt nói.

Cũng theo Chủ tịch Vũ Văn Đạt, khu TĐC Sa Ná được mở rộng 5,2ha để tạo mặt bằng, các công trình phúc lợi, phụ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do trận lũ vừa qua, có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Do số lượng công việc san lấp mặt bằng, xây dựng các hạng mục công trình rất lớn, nên huyện đang đề nghị UBND tỉnh nâng vốn đầu tư lên cho phù hợp với giá thành thực tế, vì chi phí vận chuyển vật liệu, máy móc công trình rất cao.

Bên cạnh đó, huyện đã khắc phục khẩn cấp tuyến giao thông tạm thời, nhất là đường vượt sông đưa phương tiện, thiết bị, vật tư, vật liệu vào thi công khu tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ đến 31/11/2019 người dân có nhà mới. Về lâu dài, huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng cầu bê tông vượt sông Luồng, làm đường giao thông nối bản Bo Hiềng vào Sa Ná, Son và đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Ché Lầu (xã Na Mèo). Tổng số vốn của dự án này là hơn 50 tỷ đồng.

“Đối với dự án khu TĐC mới cho người dân Sa Ná, UBND tỉnh đã phê duyệt mức hỗ trợ cho 51 hộ dân khi chuyển vào khu ở mới. Theo đó, mức hỗ trợ đối với những nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên là 300 triệu đồng/hộ; những nhà bị hư hỏng từ 50 – 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng/hộ; những nhà bị thiệt hại từ 30 – 50%, được hỗ trợ 100 triệu đồng; còn những nhà có nguy cơ sạt lở, hư hỏng dưới 30% thì được hỗ trợ 40 triệu đồng để di chuyển nhà cửa.

Chúng tôi cũng sẽ họp bàn với người dân, khi mặt bằng khu TĐC ổn định, huyện sẽ huy động lực lượng như quân đội, công an, thanh niên và đội ngũ thợ xây dựng ở miền xuôi lên giúp người dân di dời, xây dựng nhà cửa, để đến cuối tháng 11/2019, bà con sẽ ổn định về nơi ở mới” - ông Đạt cho biết thêm.

Bí thư Lữ Văn Hà nói với tôi rằng, gần 1 tháng qua, theo thống kê của chính quyền sở tại, đã có gần 500 đoàn gồm các cấp, ngành trung ương, địa phương, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện ở khắp mọi miền tổ quốc về hỗ trợ cho người dân xã Na Mèo. Trong đó chủ yếu là bản Sa Ná với số tiền ước tính gần 14 tỷ đồng; khoảng 20 tấn gạo, trên 4.000 thùng mì tôm và các loại nhu yếu phẩm khác.

Tôi rời Sa Ná vào buổi chiều muộn, nhưng ở phía trên đồi Pom Ngồ - nơi được chọn là khu TĐC mới cho bà con Sa Ná, tiếng máy móc ầm ĩ đang hối hả bạt đồi, san lấp mặt bằng. Còn ở đầu bản, nhiều đoàn từ thiện vẫn kéo về để trao quà hỗ trợ cho người dân. Nhìn dòng xe nối đuôi nhau vận chuyển hàng nghìn tấn xi măng, gạch đá, trang thiết bị tập kết vào trong bản… tôi tin tưởng rằng, Sa Ná sẽ hồi sinh trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.