Sa mạc Danakil - nóng bỏng mà hấp dẫn

GD&TĐ - Sa mạc Danakil là nơi nóng nhất thế giới. Nhiệt độ ban ngày nơi đây luôn vượt mức 40 độ C, cá biệt lên đến 50 độ C.

Sa mạc Danakil - nóng bỏng mà hấp dẫn

Quanh năm Danakil gần như không thấy một giọt mưa nào bởi vì chưa rơi xuống đất, nước đã bị bốc hơi. 

Có địa hình ngổn ngang, nham nhở tựa một hành tinh khác trên Trái đất, sa mạc Danakil vẫn rất đông đúc, với đa số là người khai thác muối và một số nhà nghiên cứu cùng khách du lịch.

Sở dĩ sa mạc Danakil có sự khác biệt như vậy vì đây là một ví dụ điển hình cho sự trôi dạt dần dần giữa hai lục địa châu Phi và châu Á tại miền Đông Bắc của Ethiopia. Danakil với sự kỳ diệu của các ao hồ lava, ôn tuyền và có địa mạo như thể sao Hỏa, sao Kim, sao Thổ…

Từ cách đây hàng nghìn năm, nó còn là kho muối, được xem là vàng trắng của Ethiopia và Phi châu với trữ lượng không đếm xuể.

Sa mạc Danakil - nóng bỏng mà hấp dẫn ảnh 1

Nơi đây chỗ nào cũng gặp muối, đóng thành vảy, xếp thành đống trên mặt đất. Để lấy muối, các công nhân chỉ cần dùng que cạy hoặc cuốc thuổng mà bổ, rồi xếp muối thành những tảng như viên gạch, chất lên lưng lừa, lạc đà thồ về. Mỗi năm, người dân trên sa mạc khai thác khối lượng muối đến 35 nghìn tấn.

Và lý do để người ta sản xuất ra nhiều muối như vậy lại là trong quá khứ muối được dùng như tiền ở châu Phi để đổi lấy hàng hóa. Và đến nay muối ở nơi đây chủ yếu dùng cho người và cung cấp chất khoáng cho hơn 60 triệu con bò, dê tại châu lục.

Một điều nữa khiến mọi người lui tới sa mạc Danakil là để được tiếp xúc với nền văn hóa lâu đời đáng nể phục của người Afar, dân tộc duy nhất trong vùng đã bám trụ và phát triển được trong môi trường khắc nghiệt. Họ thường được ví là những viên kim cương đen của châu Phi.

Ai nấy đều mặc sặc sỡ (có lẽ là để dễ nhận ra nhau giữa sa mạc mênh mông) và họ thường quấn vải rất dày để chống cái nắng như lửa. Mỗi ngày nơi đây thường có hàng nghìn người Afar đào muối một cách bền bỉ.

Một mảng muối có thể dài cả mét, nên họ phải cắt nó thành từng miếng vuông như viên gạch lát (với mỗi viên dài khoảng 35 - 40 cm, nặng 4 - 5 kg) sau đó chất đầy lên lưng lạc đà.

Sa mạc Danakil - nóng bỏng mà hấp dẫn ảnh 2

Đa số du khách đến đây không chỉ bị hút hồn vì những đồng muối bao la mà còn choáng bởi màu sắc rực rỡ của khoáng chất tại các ao hồ, suối nước nóng. Trong đó, tiêu biểu là suối Dallol tại vùng lõm chảo Danakil Depression.

Tại đây có đủ các tông màu song đặc biệt là vàng, đỏ và xanh lam, xanh lơ hòa quyện lẫn nhau và bốc mùi hóa chất nồng nặc.

Sa mạc Danakil - nóng bỏng mà hấp dẫn ảnh 3
Sa mạc Danakil - nóng bỏng mà hấp dẫn ảnh 4

Với các nhà nhiếp ảnh, đây lại là một thiên đường trên mặt đất. Vì ngoài màu sắc sặc sỡ, nước biển, nước hồ và khoáng chất còn tạo nên vô số hình học, họa tiết đan xen tráng lệ.

Cũng là nước nhưng hồ Afrera gần đó lại tắm được và hơn thế du khách còn nổi bồng bềnh như một miếng xốp. Hồ Afrera vì vậy được gọi là biển chết của Ethiopia.

Những ai không thích nước thường tìm đến miệng núi lửa Lava Erta Ale. Nó không chỉ là một hỏa  diệm sơn nằm thấp nhất địa cầu mà còn là nơi có hồ dung nham dài và sống động nhất hành tinh.

Trên thế giới chỉ có 6 hồ dung nham, mà ở đó dung nham đánh vào bãi bờ dào dạt tựa sóng biển, bắn lên những tia lửa dữ dội. Trong đêm, cả vùng hồ Erta Ale sáng rực như đốt lửa trại và vang lên những tiếng sôi sục như xả van nồi áp suất.

Theo CN Traveler

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ