Ngoài biết kéo xe, thồ hàng, cung cấp thịt, sữa, da, lông… lạc đà còn có rất nhiều phẩm chất và tài năng đáng phục. Một trong đó là việc đi khắp sa mạc khô cằn, nóng bỏng và thồ số hàng nặng gấp ba lần cơ thể.
Mang nặng, cồng kềnh như vậy song lạc đà vẫn đi được hơn 40 km/ngày nhờ sải chân dài như ngựa. Nếu lạc đà chạy, nó đạt vận tốc từ 40 - 65 km/h, cùng khả năng nhịn khát gần 20 ngày. Chúng cũng nhịn ăn được 5 tháng và tồn tại với cơ thể teo tóp do đói khát chỉ còn phân nửa.
Bù lại, lạc đà sẽ ăn uống bù thật nhiều (uống tới 200 lít nước một lần, với thời gian chỉ trong ba phút). Đi được một đoạn gặp nước tiếp, nó có thể uống thêm 150 lít. Ở sa mạc cứ vài tiếng lại có những trận bão cát với tốc độ tới 97 km/h, khiến vạn vật đều bị vùi lấp trong cát.
Song với lạc đà, chúng không sợ bão cát, bị vùi lấp vẫn ngoi lên được vì cơ thể chịu được sức nặng - nóng rát. Mắt lạc đà có tới ba mí, hai lông mày ngăn cản đất cát vào mắt, đồng thời mũi có thể bịt lại phòng tránh cát, côn trùng lọt vào.
Tuy không uống nước, chơ vơ giữa sa mạc, lạc đà vẫn tồn tại được là nhờ có một hoặc hai cái bướu tích mỡ trên lưng và như một nguồn nước dùng dần vậy! Trong tự nhiên, môi trường khắc nghiệt thế nào, đa số chúng vẫn sống tới 40 tuổi.
Vì tất thảy những lợi ích ấy, dân gian các nước có lạc đà gồm Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Tunisia, Yemen, Ấn Độ, Mông Cổ… đều coi lạc đà là phao cứu sinh và như một con thuyền trên sa mạc.
Tại Trung Đông, từ thế kỷ thứ VII còn có trò đua lạc đà. Có tới hai loại lạc đà để cưỡi và đua, gồm lạc đà một bướu Dromedary và lạc đà hai bướu Bactrian.
Tuy nhiên, lạc đà một bướu hay được đua hơn vì chạy nhanh và có tên Dromedary xuất phát từ tiếng Hy Lạp - dramein có nghĩa là chạy. Có nhiều cuộc đua lớn ở từng nước, song lớn nhất là trong lễ hội lạc đà của Vua Abdulaziz tại
Ả-rập Xê-út. Cuộc đua hàng năm thu hút hơn 30 nghìn con lạc đà từ các nơi đổ về vùng sa mạc Al-Dahnna. Tại đây, cũng diễn ra cuộc thi hoa hậu lạc đà lớn nhất châu lục. Chủ nhân của hoa hậu lạc đà có thể nhận hàng triệu USD.
Vì vai trò quan trọng của lạc đà trong văn hóa cổ kim, thế giới đã dành ngày 22/6 làm ngày lạc đà. Ngày này, ở nhiều quốc gia nuôi lạc đà đều tưng bừng lễ hội, trong đó có việc cho du khách cưỡi lạc đà dạo chơi ngắm cảnh.
Nhằm giải trí và thu hút du lịch, mỗi con vật đều được trang điểm cực kỳ sặc sỡ, diêm dúa bằng những cái mũ, cái khăn, tấm thảm, quả bông - tua rua đẹp mắt.