Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 3 lần/tháng
Bộ Công Thương mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, trường hợp áp dụng phương án điều hành giá bán lẻ xăng dầu 3 lần một tháng (vào các ngày mùng 1, 11 và 21).
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày. Trường hợp ngày điều hành giá là ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ theo quy định, Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ của chu kỳ tính giá.
Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường (trên 10%) so với giá cơ sở kỳ liền trước đó, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.
Đối với trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng (phương án 1 tăng trên 10%, phương án 2 tăng trên 7%), Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Trường hợp giá cơ sở tăng quá cao dẫn đến việc tăng giá xăng dầu trong nước ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước.
Nên điều chỉnh theo ngày
Đại diện của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần là để sát hơn với giá biến động của thế giới. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, giá xăng dầu rơi không có điểm dừng. Bất chấp giá dầu thế giới có thời điểm lao dốc không phanh, giá xăng dầu trong nước vẫn không được điều chỉnh theo thị trường.
Nếu trong 15 ngày mà giá thế giới có sự biến đổi rõ nét thì độ trễ điều hành trong nước chưa sát, chưa kịp với thị trường thế giới. Vì vậy, khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kỳ vọng giá tăng, tất yếu sẽ xảy ra hiện tượng găm hàng gây ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.
Cách đây 2 tháng, có tình trạng thị trường xăng dầu xuất hiện nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung. Nhiều cây xăng đã đóng cửa, găm hàng, chờ đến ngày điều chỉnh xăng dầu để tăng giá bán. Bởi theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nguyên liệu đầu vào nhập với giá thành cao nhưng bán thành phẩm lại thấp. Bởi theo quy định, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày.
TS Lương Văn Tuấn, Giảng viên luật kinh tế (Học viện Phụ nữ) cho rằng: “Khi xăng dầu giảm mà không kịp thời điều chỉnh thì gây thiệt hại cho người tiêu dùng, còn khi tăng mà không kịp điều chỉnh thì lại làm khó doanh nghiệp.
Thực tế này cho thấy bất cập về việc điều chỉnh xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày. Chu kỳ này là quá dài. Tốt nhất là hãy để thị trường tự điều tiết dưới sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, nhập tăng thì điều chỉnh giá bán tăng, nhập giảm thì điều chỉnh giá bán giảm. Còn nếu không được thì càng ngắn càng tốt”.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, phù hợp nhất là điều chỉnh hàng ngày khi có biến động giá. Khi thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự, không còn doanh nghiệp nào giữ vị trí thống trị thị trường. Khi đó việc điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày hay 15 ngày không còn ý nghĩa bởi giá xăng dầu hoàn toàn do thị trường quyết định.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, xăng dầu thế giới biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ nên cần điều chỉnh cho phù hợp giá xăng dầu thế giới. Ông tán thành đề xuất của Bộ Công Thương về điều chỉnh giá xăng dầu 3 lần/tháng.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày không có trở ngại nào nhưng phải đặt trong điều kiện giá phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng, bảo đảm kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu, bắt kịp với giá xăng dầu trên thị trường thế giới và phải gắn với thực tế giá xăng dầu trong nước.
Thông thường, giá xăng dầu trong nước có sự điều hành của Nhà nước nhằm bảo đảm sự cân đối giữa lợi ích của người kinh doanh xăng dầu, lợi ích của người tiêu dùng, cũng như mục đích phát triển kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu rơi vào cảnh đóng băng khiến không ít doanh nghiệp khó khăn. Để có thể kích cầu, đẩy kinh tế phát triển trở lại, phương án dừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm bớt một số loại thuế phí sẽ tạo cơ hội để tiêu dùng giá xăng dầu ở mức thấp hơn.