Rộng mở cánh cửa việc làm với nghề 'nail'

GD&TĐ - Mỗi năm chỉ tính riêng Hà Nội đã có hàng nghìn spa, thẩm mỹ viện lớn nhỏ khác nhau được mở ra. Con số này chưa có xu hướng giảm trong 5 năm tới.

Nhiều bạn trẻ “đổ xô” đi học nghề chăm sóc móng tay, móng chân vì thời gian đào tạo ngắn, thu nhập cao.
Nhiều bạn trẻ “đổ xô” đi học nghề chăm sóc móng tay, móng chân vì thời gian đào tạo ngắn, thu nhập cao.

Như vậy nhu cầu làm đẹp của người Việt so với các năm trước đây đã tăng lên rất nhanh. Cùng với đó, nghề “nail” - chỉ công việc chăm sóc, vẽ móng tay, móng chân cũng phát triển.

“Mạnh tay” chi tiền cho việc làm đẹp

Là một người rất quan tâm đến việc làm đẹp, bạn Nguyễn Phan Minh Thư (24 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trung bình khoảng 2 tuần lại tới cửa hàng chăm sóc móng để làm móng tay.

“Mỗi bộ móng sẽ có giá thành khác nhau, tuỳ thuộc vào chất liệu sơn, sự công phu. Có những bộ đơn giản không trang trí cầu kỳ thì em làm chỉ khoảng 200 nghìn đồng, nhưng cũng có những bộ phức tạp phải gắn móng hay vẽ và gắn nhiều hoạ tiết, giá cả có thể lên tới vài triệu đồng. Ngoài ra cũng phải đánh giá cả về vị trí địa lý, ở các thành phố lớn chi phí dịch vụ sẽ đắt đỏ hơn so với những vùng ngoại thành, nông thôn”, Minh Thư cho biết.

Có thể thấy, dù mức chi phí cho mỗi bộ móng không hề thấp, song dịch vụ làm đẹp này vẫn rất thu hút khách hàng. Ngày càng nhiều người chấp nhận đầu tư tiền bạc, thời gian để chăm sóc bộ móng với mong muốn khiến bản thân được chỉn chu, lung linh và tự tin hơn.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, một thợ làm móng chuyên nghiệp với 10 năm kinh nghiệm trong nghề, hiện đang là chủ tiệm chăm sóc móng trên đường Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, đây là nghề đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và mắt thẩm mỹ. Hiện nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ, thậm chí cả nam giới ngày càng nâng cao, đòi hỏi người thợ làm móng cũng liên tục cập nhật các xu hướng làm đẹp để bắt kịp thị hiếu của khách.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù tiệm chăm sóc móng của chị Ngọc Anh khá nhỏ, chỉ vỏn vẹn 32m2, vừa đủ kê 4 bộ bàn ghế làm móng chân, tay, song chị Ngọc Anh không ngại ngần chia sẻ, thu nhập từ cửa hàng mỗi tháng trung bình lên tới 35 - 40 triệu đồng.

“Đặc biệt, vào các dịp lễ tết thì ngành dịch vụ làm đẹp như nail bùng nổ vì nhu cầu cao, khách đông nghịt từ sáng sớm đến hơn nửa đêm, chỉ sợ không còn sức mà làm. Vào tháng Tết, có khi tôi kiếm được hơn 100 triệu đồng là rất bình thường”, chủ tiệm cho hay.

Thực tế, giá thành cho dịch vụ làm móng nói riêng và các ngành dịch vụ làm đẹp ở nước ta nói chung không quá cao, ở mức dễ tiếp cận. Tại một số quốc gia trên thế giới, để có được một bộ móng chỉn chu, công phu, khách hàng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ, nếu không muốn nói là khá đắt đỏ. Chính vì điều này, ngày càng nhiều người Việt lựa chọn phát triển tay nghề nail để làm “cần câu cơm” ở nước ngoài.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cánh cửa rộng mở cho người lành nghề

Bạn Trịnh Thị Thu Trang (19 tuổi, quê Hà Nam) hiện đang theo học nghề nail tại một trường đào tạo nghề trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết: “Chị của em đã sang Đức làm móng được 2 năm. Tuy chỉ làm thuê, nhưng mỗi tháng thu nhập chị kiếm được từ công việc này không hề nhỏ, gấp ba, bốn lần thợ làm móng trong nước. Vì vậy bố mẹ cũng định hướng em đi học nghề để theo chị sang bên đó làm việc”.

Bạn trẻ này cho biết, trong quá trình học được tiếp cận xu hướng và thị hiếu ở các tệp khách hàng cũng như thị trường khác nhau. Ví dụ, khách Việt Nam ở độ tuổi trẻ thích gắn móng giả, đính đá, xà cừ, mắt mèo; còn khách lớn tuổi lại chỉ thích chăm sóc móng và sơn những màu đơn giản, nền nã,… Từ đó, Thu Trang có thể xác định cần chú trọng rèn luyện nâng cao kỹ năng gì để phục vụ cho định hướng của mình sau này.

Thu Trang cho biết, thông thường thời gian để làm một bộ móng rơi vào khoảng 60 - 90 phút. Trước khi sơn, vẽ, khách hàng được ngâm tay chân hoặc sử dụng nước làm mềm chuyên dụng để vệ sinh và làm sạch móng. Tiếp đó, bằng các dụng cụ, kìm cắt chuyên dụng, thợ làm móng bắt đầu công việc chăm sóc móng, loại bỏ các vùng da sần sùi, hư tổn, cắt móng, cắt khóe, mài dũa để tạo hình dáng mong muốn.

Để hoàn thiện một bộ móng tay, móng chân đôi khi cũng gần giống như vẽ một bức tranh có kích thước tí hon với đủ màu sắc, hình khối, chất liệu như: Sơn lì, sơn gel, sơn bóng... Nhằm bắt kịp xu hướng của thị trường, thợ làm móng phải thường xuyên sáng tạo ra những mẫu mới làm phong phú thêm bộ sưu tập móng. Để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh, người thợ giỏi phải biết tìm kiếm các màu sơn mới, chất liệu sơn tốt. Ngoài ra còn phải thành thạo các kỹ năng xử lý lỗi như móng bị gãy, trầy xước, biểu bì bị tổn thương,…

Bà Trần Thu Trà (36 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội), giảng viên trực tiếp giảng dạy tại một trường đào tạo nghề cho biết: “Với nhiều người mới vào nghề, đây là một trong những bước khó nhất. Việc nhặt biểu bì thừa tưởng chừng như đơn giản nhưng các bạn phải kiên trì từ những bước đầu là cắt những vỏ quả chanh sao cho trơn tru rồi mới được thực hành trên tay người thật vì nếu không cận thận sẽ rất dễ làm khách bị đau, chảy máu”.

Theo bà Trà, nghề này đòi hỏi người thợ phải thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng khâu, làm việc từ đơn giản đến phức tạp nhất. Cũng theo bà Trà, nhu cầu làm đẹp phát triển vượt bậc, ngày có nhiều bạn trẻ đăng ký học nghề chăm sóc móng bởi học phí không đắt đỏ, thời gian đào tạo ngắn chỉ vài tháng, không nặng lý thuyết mà được tập trung thực hành nhằm củng cố, nâng cao tay nghề.

Kết thúc khoá học, khi đã nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng và có bằng cấp chuyên nghiệp, các bạn trẻ có thể dễ dàng nắm bắt cơ hội thị trường việc làm trong và ngoài nước mang lại với mức thu nhập đáng mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Khám phá cv xin việc chất lượng