Nguyên do là tỉ lệ cạnh tranh về nhân lực đang diễn ra gắt gao tại các trung tâm đô thị lớn trên cả nước.
Cạnh tranh gắt gao việc làm
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023 lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm. Chỉ riêng tại thị trường lao động của Hà Nội giai đoạn 2008 - 2022, đã có 2,1 triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp và tỉ lệ tìm được việc làm sau khi ra trường đạt 70 - 80%.
Nguồn lực lao động lớn đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, có đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước. Song song với sự gia tăng về số lượng đô thị là sự gia tăng về dân số ở khu vực thành thị, đặc biệt tại các khu đô thị lớn.
Năm 2020, dân số của nước ta là 97,58 triệu người, trong đó dân số thành thị là 35,93 triệu người, chiếm 36,82% tổng dân số, tăng 6% so với năm 2010. Dân số thành thị tăng chủ yếu do tác động của tình trạng di cư từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị, phần lớn là để học tập và làm việc. Nhóm người này nằm trong độ tuổi từ 15 - 39, chiếm tỷ lệ 84%.
Tuy nhiên, việc người lao động có trình độ chuyên môn tập trung ở các đô thị lớn đã khiến khu vực nông thôn thiếu hụt về nguồn nhân lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, người lao động tại các thành phố lớn, đặc biệt là sinh viên mới ra trường luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi xin việc làm do nguồn cung đang lớn hơn cầu.
Dù sở hữu tấm bằng giỏi chuyên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc tại một trường đại học lớn tại Hà Nội, nhưng Nguyễn Khánh Hòa (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang lo lắng nộp hồ sơ và đăng tải thông tin cá nhân lên các trang môi giới việc làm. Hòa đã thất nghiệp 3 tháng.
“Vì chuyên ngành của tôi là tiếng Hàn nên rất mong muốn tìm được công việc phiên dịch viên hoặc làm thư ký cho các công ty Hàn Quốc. Nhưng ở Hà Nội thì công việc như vậy thường khó để ứng tuyển bởi rất nhiều người giỏi hơn tôi cũng đăng săn tìm vị trí đó”, Khánh Hòa chia sẻ.
Do đó, Khánh Hòa quyết định về quê (Từ Sơn, Bắc Ninh) của mình nộp hồ sơ ứng tuyển trong khu công nghiệp. Bởi ở đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc luôn có nhu cầu tuyển dụng người lao động thành thạo tiếng Hàn, có trình độ đại học, mức lương hấp dẫn hơn so với ở Hà Nội.
Bạn Đặng Hoàng An (22 tuổi, quê Nghệ An) cũng đang có dự định sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán sẽ quay trở về nhà để làm việc do muốn gần gia đình. Hoàng An cho rằng bản thân cũng cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc ở quê vì môi trường thân thuộc, bố mẹ của cô cũng đã lớn tuổi nên rất muốn con cái gần gũi, sinh sống và làm việc ở bên cạnh mình.
Không chỉ riêng các bạn trẻ, những người lao động như chị Lê Thanh Thu (32 tuổi, Quảng Ninh) đã lên kế hoạch mở cửa hàng kinh doanh ở quê nhờ số vốn tích góp được sau 10 năm kiên trì bám trụ tại Thủ đô.
Thời điểm hiện tại, chị Thu đang làm ở bộ phận nhân sự hành chính cho một công ty nước ngoài với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập của chị Thu được xếp vào loại ổn định tại Hà Nội, nhưng cũng không thể đủ cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ và nuôi hai con nhỏ. Do đó, vợ chồng chị Thu quyết định cùng gia đình chuyển về quê để lập nghiệp, môi trường làm việc cũng không phải chịu áp lực như ở thành phố lớn.
Ảnh minh họa ITN. |
Khai thác tiềm năng phát triển tại quê hương
Anh Nguyễn Duy Duy (28 tuổi, Hà Nội) hiện là nhà sáng lập Fox Design, trực thuộc Công ty TNHH nội thất Xứ Đoài. Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa. Anh Duy đã lựa chọn về kế nghiệp nghề thi công nội thất truyền thống của gia đình tại làng nghề Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) thay vì làm việc cho các công ty trong nội thành như các bạn đồng trang lứa.
Từ đồ án tốt nghiệp chuyên ngành, anh Duy đã trở thành người đầu tiên tại Việt Nam phát triển dòng tranh đèn giấy 3D được sáng tạo từ nghệ thuật cắt giấy Kirigami (Nhật Bản), đèn kéo quân (Việt Nam) và biểu diễn rối bóng (Trung Quốc). Mỗi tác phẩm của Fox Design đều xoay quanh chủ đề về văn hóa Việt Nam và được các nhân sự trẻ là người địa phương lên kế hoạch từ 1 - 3 tháng để hoàn thiện từ khâu thiết kế, gia công lắp ghép giấy…
“Đi học rồi trở về quê, tôi luôn mong muốn phát triển nghề thi công nội thất truyền thống của làng, cũng như tạo ra nghề mới từ dòng tranh đèn giấy 3D để người lao động địa phương có việc làm ổn định”, Anh Duy chia sẻ.
Theo anh Duy, hiện nay ở một số làng nghề như nghề mộc Hữu Bằng và một số địa phương khác đang rơi vào tình cảnh thiếu nhân sự trẻ trong bối cảnh thế hệ người lao động lớn tuổi muốn giữ nghề. Dù mức lương cho thợ lành nghề ở một số làng nghề cũng dao động từ 10 triệu đồng/tháng trở lên, nhưng vẫn không có người làm. Lý do, đa số lao động trẻ đang tập trung tại trung tâm thành phố.
Nhận thấy tiềm năng phát triển tại quê nhà, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh Duy đã quyết định tham gia vào phát triển công việc kinh doanh nội thất gỗ của gia đình. Ban đầu khi khởi nghiệp với dòng tranh đèn giấy 3D, anh Duy cũng đã gặp nhiều khó khăn, trải qua nhiều lần thất bại.
Lý do, anh chưa nắm chắc về kỹ thuật cắt giấy, công đoạn chọn khung tranh và vật liệu giấy thuần Việt. Nhưng giờ đây thương hiệu Fox Design của anh Duy đã được công chúng biết tới và nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ các thị trường lớn như: Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan…
Việc lao động trẻ tập trung hầu hết ở khu vực thành thị vừa dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn vừa gia tăng áp lực lên các đô thị lớn. Do đó, người lao động cần có định hướng và cân nhắc lựa chọn năng lực, sở thích cá nhân để lựa chọn được môi trường làm việc phù hợp, đem lại hiệu suất và thu nhập cao.