Mức lương ổn định
Với cơ chế thị trường hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được thành lập ngày càng nhiều. Do vậy, nhu cầu nhân lực lĩnh vực kế toán cũng nhiều hơn, cơ hội việc làm dành cho ngành kế toán cũng đa dạng hơn, rộng mở hơn.
Sinh viên ngành kế toán sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như: Chuyên viên kế toán tổng hợp; chuyên viên phụ trách kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính; trợ lý kiểm toán; giảng viên, bộ nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu.
Chị Lê Kiều Nhi (huyện Ba Vì, Hà Nội) đang là nhân viên kế toán tại Công ty xuất khẩu Thành An cho biết, mức lương của ngành kế toán dao động từ 5 - 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số cơ bản, mức lương này có thể thay đổi phụ thuộc vào kinh nghiệm làm việc cũng như khả năng ngoại ngữ.
Cũng theo chị Nhi, mức lương sinh viên ngành kế toán mới ra trường và mức lương nhân viên chính thức, làm lâu năm cũng có sự khác nhau. Cụ thể, nếu có từ 1 - 2 năm kinh nghiệm, mức lương sẽ từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với những người có trên 3 năm kinh nghiệm thì công ty có thể đề ra mức lương từ 15 - 25 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Minh Thành, Kế toán trưởng Công ty TNHH Trần Công nhìn nhận, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, công việc kế toán sẽ không bị mất đi mà chỉ chuyển dịch từ những công việc truyền thống sang những công việc khác hữu ích hơn trên nền tảng tạo lập và quản trị dữ liệu, thông tin kinh tế, tài chính đóng góp cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, đơn vị.
“Thực tế đã chỉ ra rằng, nền kinh tế của nước ta đang phát triển đã dẫn đến sự gia tăng lượng lớn doanh nghiệp mới, tạo ra nhiều nhu cầu tuyển dụng đối với người học tốt nghiệp ngành kế toán”, ông Thành chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Yêu cầu với nhân sự trong bối cảnh 4.0
Bà Trần Phương Hoài, CEO Công ty giải pháp kế toán ANTAX cho rằng, người làm kế toán phải chịu áp lực pháp lý cao hơn hẳn so với các bộ phận khác. Việc tuân thủ những quy định, khung hình pháp lý của nơi làm việc cũng là một trong những kỹ năng hàng đầu của nghề kế toán.
“Công việc kế toán cũng như nghệ thuật, lãi hay lỗ của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào công việc hạch toán kế toán nên chúng ta sẽ phải có giá trị về đạo đức. Kế toán viên cũng sẽ chịu áp lực từ ban lãnh đạo của doanh nghiệp, cổ đông dẫn đến những tình huống phải hạch toán kế toán theo nhu cầu của những bên liên quan. Vì vậy, người làm nghề cần có tính độc lập. Giá trị đạo đức và tính độc lập giúp phản ánh đúng tình trạng của doanh nghiệp hơn là làm theo kỳ vọng của một người nào đó có lợi ích trong doanh nghiệp”, bà Hoài nhấn mạnh.
Theo CEO Công ty giải pháp kế toán ANTAX, công nghệ có thể giúp nhân sự kế toán thoát khỏi việc hạch toán nhờ sự tự động hóa nhưng các yêu cầu cũng ngày càng cao do ngành chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của các quy định pháp lý, đặc biệt khi tốc độ xử lý của cơ quan Nhà nước cũng gia tăng do sự hỗ trợ của công nghệ và nhiều yếu tố khác.
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng của người làm quản trị, cổ đông cũng vượt xa trước kia. Thay vì thiên về tuân thủ, kiểm soát, báo cáo như trước đây, người làm kế toán - tài chính nay cần đóng góp vào công tác hoạch định doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho quản lý để hỗ trợ đưa ra quyết định về kinh doanh.
Ở góc độ kinh nghiệm cá nhân, anh Nguyễn Duy Minh nhân viên kế toán tại một công ty ở Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp không thể ứng dụng một công nghệ quá tốt nhưng người dùng lại không biết cách vận hành phần mềm. Ngược lại, việc sở hữu một đội ngũ có kỹ năng tốt để làm việc nhưng không có trang bị cũng là lãng phí với nguồn lực đang có.
“Sự phát triển của công nghệ còn đòi hỏi người trẻ cần cập nhật xu hướng và học hỏi không ngừng, tích lũy các chứng chỉ nghề nghiệp để tăng khả năng thích ứng, tránh bị đào thải. Các bạn phải có tư duy khá thoáng, dám chấp nhận ở ngoài kia có những thứ mới mình chưa biết và vẫn chưa thể tiếp cận một cách chi tiết”, anh Minh nói.
Các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ nếu muốn theo ngành kế toán hiện nay nên trau dồi chuyên môn vững vàng, những vấn đề pháp lý và luôn cẩn thận, tỉ mỉ để khi bước vào “thực chiến” sẽ không tránh khỏi sai sót. Tuy nhiên, người làm nghề phải luôn luôn đưa chuẩn mực lên hàng đầu và làm theo để được bảo vệ.