Mở rộng cánh cửa việc làm với nhóm 'người điếc'

GD&TĐ - Những năm gần đây, việc dạy nghề, tạo cơ hội việc làm để nhóm “người điếc” hòa nhập xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Chị Vũ Thị Lệ - nhân viên quán cà phê Flow-ee sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với khách hàng.
Chị Vũ Thị Lệ - nhân viên quán cà phê Flow-ee sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với khách hàng.

Các doanh nghiệp cũng có những chính sách thiết thực để hỗ trợ.

Đổi mới về tư duy

Theo số liệu thống kê, hiện nay có hơn 1,5 tỷ người (chiếm gần 20% dân số toàn cầu) sống chung với tình trạng nghe kém, trong đó có 430 triệu người điếc tai. Dự kiến đến năm 2050, con số 430 triệu người bị điếc có thể tăng đến 700 triệu người.

Điếc, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống, tác động nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp, học tập và kiếm sống. Khó giao tiếp, mất tự tin sẽ gây nên tình trạng tự thu mình lại. Chính vì vậy, những người mắc bệnh điếc nói riêng và người khuyết tật nói chung thường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Chị Nguyễn Thanh Thảo (27 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) là một người mắc bệnh điếc bẩm sinh. Chị Thảo cho biết, đến năm bản thân hơn 2 tuổi, gia đình mới phát hiện ra chị không có khả năng nghe. Dù gia đình đã tìm nhiều cách, đưa chị Thảo tới thăm khám nhiều bác sĩ giỏi trong nước, song, vẫn không có tín hiệu tích cực. Sau đó, chị Thảo dần chấp nhận việc mình không có khả năng nghe. Việc này ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt của chị.

Chị Thảo hiện đang lựa chọn công việc kinh doanh trực tuyến và làm người mẫu ảnh cho các cửa hàng thời trang. “Nhiều người tới giờ vẫn cho rằng người khuyết tật chỉ có thể làm những công việc tay chân, học một nghề đơn giản để kiếm sống, song, thời đại công nghệ kỹ thuật và mạng xã hội phát triển vượt bậc, xã hội cũng dần có cái nhìn cởi mở hơn với người khuyết tật, tôi cảm thấy tìm một công việc phù hợp không còn quá khó khăn. Quan trọng nhất, mọi người cần vượt qua rào cản của sự tự ti, dám thử và trải nghiệm”, chị Thảo trải lòng.

Anh Vũ Quang Anh (30 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là người mắc bệnh điếc bẩm sinh hiện đang làm ở bộ phận kỹ thuật lắp ráp ở xưởng ô tô. Anh Quang Anh chia sẻ, nhiều người vẫn bị nhầm lẫn giữa khái niệm “điếc” và “khiếm thính”. Trên thực tế, đây là 2 nhóm người hoàn toàn khác nhau. Cụm từ “người điếc” (deaf) dùng để chỉ những trường hợp bị mất thính lực hoàn toàn ở 1 hoặc cả 2 tai.

Cộng đồng người điếc có nền văn hóa riêng và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau. Khiếm thính (hearing loss) dùng để chỉ người nghe kém, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và cả ngôn ngữ nói (có thể có sự hỗ trợ của máy trợ thính). Đối với họ, được gọi là “người điếc”, không hề mang ý xúc phạm hay tổn thương. Trái lại, đây là một sự tôn trọng dành cho cộng đồng người điếc nói chung.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Lan tỏa giá trị tới cộng đồng

Những năm gần đây, việc dạy nghề, tạo cơ hội việc làm để người điếc hòa nhập xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều doanh nghiệp cũng đã có những chính sách tạo công ăn việc làm cho nhóm người điếc. Đơn cử, chuỗi cửa hàng TokyoLife, hiện có 172 người khuyết tật làm việc. Trong đó có 56 người khuyết tật thể vận động đang làm việc tại xưởng may tại Hà Nội, 4 nhân viên văn phòng và 112 người điếc làm việc tại các cửa hàng.

Tương tự, trên con phố Thể Giao (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một quán cà phê đặc biệt “yên lặng” có tên Flow-ee. Đến quán, khách hàng sẽ gọi đồ uống bằng cách thức riêng, viết ra giấy, chỉ vào thực đơn hoặc gọi món bằng ngôn ngữ ký hiệu. Bởi, tất cả nhân viên ở đây đều là người điếc, không có khả năng nhận diện âm thanh và đều không nói được. Hiện tại quán có 6 nhân viên, từ 21 - 33 tuổi.

Chị Hoàng Thị Thu Thủy (32 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đồng sáng lập Flow-ee cho biết, quán đi vào hoạt động đã được 1 năm. Đội ngũ sáng lập gồm: 7 thành viên, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Một trong những người đồng sáng lập quán là người khuyết tật xe lăn, bên cạnh đó, có những thành viên có cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhóm người khuyết tật.

“Họ hiểu rằng, người khuyết tật có năng lực trong những công việc nhất định, tuy nhiên còn gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm, loại hình công việc để lựa chọn chưa đa dạng.

Từ khi lên ý tưởng, chúng tôi đã mong muốn kết hợp mô hình kinh doanh với việc đóng góp cho sự phát triển bền vững, mang lại công ăn việc làm cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương. Flow-ee trở thành nơi làm việc của người điếc, cũng là nơi mà khách hàng có thể tiếp xúc để hiểu và cảm thông với họ hơn”, chị Thu Thủy chia sẻ.

Vì lý do lựa chọn nhóm người điếc mà không phải những nhóm người khuyết tật khác, chị Thủy cho rằng, sau khi các thành viên trong nhóm nghiên cứu, mọi người rút ra rằng nhóm người điếc là một trong những nhóm người dễ tổn thương nhất. Người câm thì vẫn nghe được nhưng khi đã điếc thì họ không nói được, chỉ phát ra âm thanh, vì vậy, nhóm này cần có thêm cơ hội.

Do đã có kinh nghiệm làm việc với nhóm người yếu thế nên quán được các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật và những tổ chức tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật ở Hà Nội nhiệt tình ủng hộ, giới thiệu nhân sự. Ngoài ra, một số bạn tự tìm tới quán qua các thông tin tuyển dụng trên nền tảng mạng xã hội. Các bạn nhân viên sẽ được phỏng vấn để xác định phù hợp và có năng lực đáp ứng được công việc.

Chị Thủy tự hào cho biết, tuy hầu hết đều không có kinh nghiệm làm việc, song, các bạn nhân viên tại quán rất nghiêm túc, có ý thức học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Trong quá trình làm việc, tuy còn thiếu sót, song các bạn luôn nỗ lực để hoàn thành công việc tốt nhất.

“Thời gian đầu chúng tôi khá lo lắng, phải thay phiên nhau nghỉ công việc chính để tới vận hành quán. Thế nhưng rất nhanh, các bạn nhân viên đều đã quen việc, có thể xử lý tốt các tình huống và kiêm nhiệm các công việc của quán mà không cần có chúng tôi”, chị Thủy chia sẻ.

Ngoài định hướng đảm bảo môi trường làm việc an toàn, sáng tạo cho người điếc, Flow-ee còn là không gian kết nối để khách hàng phần nào hiểu hơn về cộng đồng người điếc.

Điều khiến nhóm sáng lập của Flow-ee tự hào nhất là sự nhìn nhận của các khách hàng. Khách đến quán không phải vì sự tò mò hay vì lòng thương với những người kém may mắn, mà vì đồ uống, vì thái độ phục vụ của các bạn nhân viên. Đó là một sự công nhận ý nghĩa nhất với tất cả thành viên của Flow-ee, tạo động lực để cả nhóm kiên định trên hành trình tạo giá trị cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Bí quyết tìm việc nhanh