Rộn ràng đón năm học mới nơi miền núi

GD&TĐ - Ngoài việc dọn dẹp vệ sinh đón học sinh trước thềm năm học mới, các trường học huyện miền núi ở Quảng Ninh như: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ cũng được đầu tư xây dựng, sửa chữa, sẵn sàng đón học sinh trở lại.

Giáo viên Trường Mầm non Húc Động, huyện Bình Liêu dọn dẹp vệ sinh trường học.
Giáo viên Trường Mầm non Húc Động, huyện Bình Liêu dọn dẹp vệ sinh trường học.

Trường lớp khang trang

Tại Trường Mầm non Húc Động, xã Húc Động (huyện Bình Liêu) không khí chuẩn bị cho năm học mới khá rộn ràng. Gần 20 cô giáo tất bật lau từng ô cửa, bàn học, cắt cỏ dọn khuôn viên trường.

“Trường có một điểm chính và bốn điểm lẻ ở các bản khác nhau. Năm học 2022 - 2023, trường đón 243 trẻ, chủ yếu là người Sán Chỉ. Năm nay trường được huyện ưu tiên đầu tư xây thêm tầng 2 với 4 phòng chức năng; xây mới khu vực bếp, phòng ăn cho học sinh, sửa chữa các phòng học ở tầng 1, sửa chữa nhà vệ sinh, tổng kinh phí hơn 4,9 tỷ đồng. Công trình đang được gấp rút thi công”, cô Trần Thị Minh Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Ngoài Trường Mầm non Húc Động, nhiều trường như: Tiểu học Vô Ngại, Tiểu học Húc Động, THCS Húc Động, Mầm non Đồng Tâm, Mầm non Đồng Văn... cũng được huyện Bình Liêu đầu tư bổ sung, xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được ngành Giáo dục huyện quan tâm.

Năm học 2022 - 2023, huyện Bình Liêu có 24 trường học, 1 Trung tâm GDNN&GDTX, 7 trung tâm học tập cộng đồng, 115 điểm trường với 421 nhóm, lớp, dự kiến đón trên 9.600 học sinh. Ngành đặt mục tiêu, năm học này huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trẻ 5 tuổi ra lớp.

Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu cho biết, năm học mới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới toàn diện giáo dục. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện miền núi biên giới Bình Liêu còn nhiều khó khăn. Song với sự tâm huyết, tận tụy của đội ngũ nhà giáo bám trường, bám địa bàn; quan tâm đặc biệt của huyện dành cho giáo dục, học sinh vùng cao nơi đây luôn có môi trường thuận lợi nhất khi đến trường học tập.

Tại Trường Tiểu học thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) những ngày này rộn vang tiếng cười nói của thầy cô giáo khi tiến hành dọn dẹp vệ sinh sân bãi, phòng làm việc, phòng học…

Cô Phạm Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị Trấn Tiên Yên cho hay, trường có 25 lớp học với 845 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường được trang bị các thiết bị và đồ dùng học tập cho học sinh từ lớp 1 - 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. “Nhà trường được sửa chữa, nâng cấp một số phòng học xuống cấp và đồng thời xây thêm nhà để xe, nhà vệ sinh”, cô Hiền nói.

Năm học 2022 - 2023, huyện Tiên Yên có 34 trường học, 1 trung tâm GDNN&GDTX, với 15.150 học sinh. Để đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện Tiên Yên đầu tư 6 dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các điểm trường. Trong đó xây mới, cải tạo sửa chữa tổng số 28 phòng học, nâng tổng số phòng học trên địa toàn huyện là 577, bảo đảm sĩ số trung bình 26 học sinh/lớp học.

Tiên Yên là huyện miền núi, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ thông tin trên, bà Đỗ Thị Bích Hồng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên đồng thời trao đổi: Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cũng như các ban ngành, đoàn thể đến từng hộ dân để nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng, tuyên truyền vận động học sinh đến trường đảm bảo theo quy định, kiên quyết không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học.

Nỗ lực từ nhiều phía

Trong năm học này, huyện Ba Chẽ có hơn 6.000 học sinh ở 3 cấp học. Huyện duy trì hoạt động của 14 trường phổ thông và 1 Trung tâm GDNN&GDTX. Huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều phòng học, phòng làm việc cho giáo viên, các hạng mục phụ trợ, mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế, máy tính, từng bước cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng chính trị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tại huyện và tỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tại Trường Mầm non xã Nam Sơn, không khí chuẩn bị cho năm học mới khá rộn ràng. Trước cổng trường, đơn vị đang thi công vỉa hè để làm chỗ đỗ xe cho các bậc phụ huynh khi đến đón con.

Cô Đào Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, công tác chuẩn bị năm học mới được triển khai từ tháng 8. Nhà trường đã rà soát và xây dựng kế hoạch sửa chữa và sắm sửa trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới, gồm các hạng mục như hệ thống điện nước hay các hạng mục nhỏ như: Mua sắm và làm thêm đồ chơi cho các em, sơn sửa lại đồ dùng, đồ chơi ngoài trời.

Với huyện còn nhiều khó khăn như Ba Chẽ, công tác chuẩn bị năm học mới cần nhiều nỗ lực, cố gắng từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ nhìn nhận, công tác chuẩn bị cho năm học mới của Ba Chẽ không thể thiếu nhiệm vụ huy động học sinh ra lớp sau nghỉ hè.

Duy trì sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ học chuyên cần trong năm học ở các trường vùng cao đã khó, việc vận động học sinh đến trường sau hè còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm của các thầy, cô giáo cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, việc huy động học sinh đến trường đã được huyện thực hiện ngay từ cuối tháng 7.

Năm học 2022 - 2023, Quảng Ninh có trên 340.000 học sinh các cấp học. Thời gian tựu trường sớm nhất từ ngày 29/8. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 22/8. Toàn tỉnh tổ chức khai giảng thống nhất vào ngày 5/9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...