Rối loạn ăn uống từ... TikTok

GD&TĐ - Các video 'sức khỏe' lan truyền trên TikTok đều nói rằng, giảm cân và gầy là điều có thể đạt được và đáng mong muốn đối với tất cả mọi người.

Rối loạn ăn uống là tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: INT
Rối loạn ăn uống là tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: INT

Một nghiên cứu phát hiện, các video TikTok tập trung vào “sức khỏe” gây nguy hiểm cho hình ảnh cơ thể, thúc đẩy giảm cân và có thể góp phần khiến người xem mắc rối loạn ăn uống.

Hệ quả khi theo đuổi cơ thể hoàn hảo

Các video “sức khỏe” lan truyền nhiều nhất trên TikTok đều nói rằng, giảm cân và gầy là điều có thể đạt được và đáng mong muốn đối với tất cả mọi người. Nghiên cứu đã liên kết việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi với chứng rối loạn ăn uống cũng như hình ảnh cơ thể tiêu cực.

Điều này rất có thể là do sự phổ biến của các chủ đề về văn hóa ăn kiêng trên mạng xã hội - một đề tài nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ quan tâm. Ngoài ra, các trẻ em gái tuổi vị thành niên dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội có nhiều khả năng lý tưởng hoá vẻ đẹp của tình trạng gầy. Đây cũng được coi là một yếu tố nguy cơ gây rối loạn ăn uống.

“Mỗi ngày, hàng triệu thanh thiếu niên và người trẻ tuổi cập nhật nội dung trên TikTok vẽ nên một bức tranh rất không thực tế và không chính xác về thực phẩm, dinh dưỡng cũng như sức khỏe”, Tiến sĩ Lizzy Pope - Giám đốc Chương trình giảng dạy về chế độ ăn kiêng tại Đại học Vermont (Mỹ) cho biết. Trẻ em, thanh thiếu niên, người trẻ tạo và xem những nội dung liên quan đến cân nặng hoặc thực phẩm trên

TikTok có nguy cơ cao hơn mắc rối loạn ăn uống. Nhiều video TikTok lan truyền những thông điệp như: Bạn nên giảm cân; Bạn nên ăn ít hơn và vận động nhiều hơn để giảm cân.

Các chuyên gia cho rằng, điều cần thiết là một ứng dụng truyền thông xã hội mạnh mẽ cung cấp cho trẻ hiểu đâu là những thông điệp sai lệch về sức khỏe và thể chất. Trong các cuộc phỏng vấn với NBC News, những nữ thiếu niên và thanh niên cho biết, nội dung TikTok có tác động đáng kể và gây tổn hại đến suy nghĩ về chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

Họ cho biết ngày càng ám ảnh với thói quen ăn uống, tập luyện và cân nặng. Trong khi đó, suốt nhiều năm, các chuyên gia về rối loạn ăn uống đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm của phương tiện truyền thông xã hội đối với hình ảnh cơ thể.

Rối loạn dạng cơ thể (BDD) là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng có liên quan chặt chẽ đến trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống và các bệnh tâm thần nghiêm trọng khác. Những người mắc chứng này có suy nghĩ ám ảnh và cưỡng chế về một hoặc nhiều khuyết điểm trên cơ thể họ.

Các chuyên gia dự đoán, có khoảng 5 - 10 triệu người ở Mỹ mắc chứng BDD. Tuy nhiên, con số này có khả năng cao hơn nhiều vì đây có thể là một tình trạng khó chẩn đoán và nghiên cứu.

Trước đây, các phương tiện truyền thông đại chúng như tạp chí và truyền hình bị cáo buộc tạo ra các tiêu chuẩn cơ thể không thực tế. Song, ngày nay, việc sử dụng các ứng dụng như TikTok được cho là nguy cơ lớn gây ra chứng BDD và rối loạn ăn uống. Nhiều trào lưu mạng xã hội đưa ra các khuôn mẫu có hại về thế nào là cơ thể “đẹp”, tuyên truyền về việc hạn chế ăn uống, giảm cân để theo đuổi “cơ thể hoàn hảo”.

roi-loan-an-uong-tu-tiktok-2-2751-5147.jpg
Nội dung TikTok có tác động đáng kể đến suy nghĩ của thanh thiếu niên về chế độ ăn kiêng. Ảnh: INT

Nguy cơ tử vong cao

Kết quả từ nghiên cứu được công bố cuối năm 2022 trên tạp chí PLOS One cho thấy, gần 44% trong số tất cả các video TikTok có nội dung về giảm cân. 20% cho thấy sự thay đổi cân nặng trong video. Những thông điệp này thường được gói gọn bằng các tuyên bố về sức khỏe rằng, giảm cân và trọng lượng cơ thể thấp là lành mạnh.

Nhiều video mô tả quá trình chuyển đổi giảm cân đạt được thông qua các thói quen tập thể dục và chế độ ăn kiêng. Tập thể dục được mô tả không phải vì nhiều lợi ích cho sức khỏe mà là để hỗ trợ giảm cân.

Trong 47% video có hashtag “dinh dưỡng”, chúng cung cấp lời khuyên về những loại thực phẩm nên ăn. Song, hầu hết trong số này đưa ra lời khuyên về cách ăn để giảm cân. Chế độ ăn kiêng được đề cập như một cách để đạt được “mục tiêu về cơ thể”. Khoảng 14% video đề cập đến chế độ ăn kiêng hoặc hành vi ăn kiêng cụ thể.

Các chế độ ăn kiêng phổ biến nhất trên TikTok là: Nhiều protein; Ít calo; Thanh lọc cơ thể bằng chất lỏng; Nhịn ăn gián đoạn; Trà/đồ uống giảm cân hoặc thải độc. Một xu hướng phổ biến khác trên TikTok là tạo ra các phiên bản “lành mạnh” của đồ ăn vặt.

Rối loạn ăn uống là tình trạng nguy hiểm và thường gây tử vong liên quan đến những rối loạn nghiêm trọng trong hành vi/mô hình ăn uống. Trong phần lớn các trường hợp, rối loạn ăn uống phát triển do suy nghĩ quá mức về cân nặng, hình dáng cơ thể và thức ăn. Sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi ăn uống thường dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, xương, răng và khoang miệng.

Rối loạn ăn uống đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, như chán ăn tâm thần, cuồng ăn tâm thần và chứng rối loạn ăn uống vô độ. Chán ăn tâm thần phát triển khi mọi người hạn chế đáng kể lượng thức ăn tiêu thụ vì sợ tăng cân. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng do sụt cân quá nhiều. Yếu tố góp phần chính là nhận thức không chính xác về cân nặng hoặc hình dáng cơ thể.

Chứng cuồng ăn tâm thần xảy ra khi mọi người thỉnh thoảng ăn một lượng lớn thức ăn và sau đó cố gắng cắt giảm lượng calo dư thừa theo cách không lành mạnh. Do cảm giác tội lỗi khi ăn uống vô độ không kiểm soát, mọi người thường cố nôn, tập thể dục nặng, dùng thuốc nhuận tràng hoặc ngừng ăn để bù đắp cho những lần ăn quá nhiều.

Những người mắc chứng cuồng ăn có thể có cân nặng bình thường hoặc hơi thừa cân. Trong khi đó, rối loạn ăn uống vô độ phát triển khi mọi người thường xuyên ăn quá nhiều nhưng không cố gắng loại bỏ lượng calo thừa.

Một đợt ăn uống vô độ mới thường xảy ra ít nhất một lần một tuần. Do lượng thức ăn nạp vào cơ thể cao bất thường, mọi người thường bị thừa cân hoặc béo phì.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống. Bởi, thanh thiếu niên và người trẻ quá chú trọng vào cách mọi người nhìn nhận về họ trên mạng xã hội. Điều này khiến họ rất ý thức về cân nặng, vóc dáng, lượng calo nạp vào và việc tập thể dục. Đây là những yếu tố tâm lý cốt lõi ảnh hưởng đến hành vi ăn uống sai lệch.

Theo More-love; News-medical

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ