Những loại hình chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) như thế đã tồn tại trong gần một thập kỷ, ngày càng trở nên phổ biến, khi các cơ quan truyền thông dựa vào chúng để sản xuất ra tin tức, cá nhân hóa việc đưa tin và trong một số trường hợp sàng lọc dữ liệu để tìm thông tin quan trọng.
Toby viết về kết quả bỏ phiếu cho mỗi đô thị trong 2.222 đô thị của Thụy Sĩ bằng cả tiếng Pháp và tiếng Đức…, theo nội dung bài viết được trình bày tại hội nghị Báo chí Điện toán ở Miami (Mỹ) vừa qua.
Một chương trình viết tự động tương tự mang tên gọi là Heliograf đã cho phép tờ Washington Post đưa tin về khoảng 500 cuộc đua bầu cử, cùng với tin thể thao và kinh doanh địa phương trên nhật báo kể từ năm 2014.
Giáo sư Damian Radcliffe - thuộc Đại học Oregon, người theo dõi xu hướng tiêu dùng và mô hình kinh doanh cho báo chí, cho biết: “Chúng ta đã thấy sự chấp nhận rộng rãi hơn về tiềm năng của AI hay robot báo chí trong các phòng tin tức trên toàn thế giới. Hệ thống này có thể đem lại tốc độ, sự chính xác và đồng thời có khả năng hỗ trợ thực tế cho các phòng tin nhỏ và giảm áp lực thời gian cho các nhà báo”.
Các tổ chức tin tức cho biết “bot” sẽ không thay thế được các phóng viên hay biên tập viên mà hỗ trợ, giải phóng họ khỏi các nhiệm vụ đơn điệu, buồn tẻ như đưa tin về kết quả thể thao hay báo cáo thu nhập.
Jeremy Gilbert, Giám đốc các sáng kiến chiến lược tại The Washington Post cho biết Heliograf được phát triển như một công cụ hỗ trợ đội ngũ biên tập viên của tờ báo.
“Tòa báo có đội ngũ phóng viên và biên tập viên tuyệt vời và chúng tôi không muốn thay thế họ”, Gilbert trao đổi với truyền thông. Gilbert cho biết “bot” có thể phân phối và cập nhật câu chuyện nhanh hơn khi chúng được phát triển mạnh hơn, cho phép các phóng viên tập trung vào các nhiệm vụ khác và phản ứng khá tích cực.
Hãng thông tấn NTB của Na Uy tự động hóa các báo cáo thể thao để đưa tin về kết quả trận đấu mới nhất trong vòng 30 giây. Tờ Times thì phát triển một “quakebot” có thể nhanh chóng phân phối các bản tin về động đất trong khu vực và cũng sử dụng hệ thống tự động như một phần trong giao diện.
Hãng tin Associated Press đã tự động hóa báo cáo thu nhập hàng quý cho khoảng 3.000 công ty niêm yết, mở rộng con số từ vài trăm và trong năm nay công bố kế hoạch cùng với đối tác của họ là Automated Insights đem đến các bản duyệt trước về những trận bóng rổ của các trường ĐH được dựng hoàn toàn bởi AI.
Hãng tin đối thủ Reuters cũng đã ra mắt Lynx Insight, thiết bị sử dụng phân tích dữ liệu tự động để xác định các xu hướng cũng như chuyện bất thường mới và gợi ý câu chuyện nên viết cho các phóng viên.
Một lợi thế của việc sử dụng các câu chuyện được tạo bằng thuật toán là chúng cũng có thể được “cá nhân hóa”, hay được gửi đến các địa phương có liên quan, điều có thể hữu ích cho các cuộc bầu cử và bản tin thể thao.
Mặc dù các chuyên gia tin tức thừa nhận giới hạn của các chương trình máy tính, họ cũng lưu ý rằng, các hệ thống do AI đảm nhiệm có thể hoàn thành những thứ mà con người không thể.