'Robin Hood của Nga'

GD&TĐ - Nửa cuối thế kỷ XVII, hàng chục nghìn người Cossacks và nông dân ở miền Nam nước Nga nổi dậy, chống lại quý tộc và bộ máy quan liêu.

Stenka Razin lúc bước lên đoạn đầu đài. Ảnh: Rbth.com
Stenka Razin lúc bước lên đoạn đầu đài. Ảnh: Rbth.com

Dẫn đầu họ là Stenka Razin (1630 – 1671), người được ví như Robin Hood nhưng không chỉ nghĩa hiệp mà còn cực kỳ tàn bạo.

Thủ lĩnh trẻ

Razin được chú ý kể từ năm 1652, khi thực hiện chuyến hành hương dài đến Tu viện Solovetsky ở Biển Trắng. Năm 1661, Razin lần nữa được nhắc đến trong tài liệu lịch sử, trong vai trò thành viên của phái đoàn ngoại giao từ Don Cossacks đến Kalmyks.

Không rõ vì lý do gì, sau 6 năm biệt tích, Razin đột ngột xuất hiện với tư cách thủ lĩnh của một băng cướp ở Panshinskoye. Y chặn đường các thuyền bè qua lại trên sông Tishina, đòi phí thông hành.

Nửa cuối thế kỷ XVII, Don Cossacks là vùng đất mà quyền lực của Sa hoàng không với tới. Tuy nhiên, trai tráng Cossacks vẫn phải tòng quân để đổi lấy tự do cho quê hương. Bản thân Razin cũng từng là lính của Sa hoàng, tham chiến chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ và Tatars ở Crimea. Cả anh trai của y, Ivan cũng chiến đấu cho nước Nga và, vào năm 1665, Ivan tử trận ở Ba Lan.

Cũng trong nửa cuối thế kỷ XVII, cuộc sống của nông dân Nga vô cùng khốn khó. Vừa mới thoát khỏi dịch hạch và nạn đói, họ lại phải đối mặt với Bộ luật Hội đồng (ban hành năm 1649) tăng cường quyền lực của chủ nô, triệt để biến nông dân thành nông nô.

Quá túng quẫn và tuyệt vọng, một số người đã chạy trốn đến Don. Trái với họ kỳ vọng, Don cũng là vùng đất tàn nhẫn. Người Cossacks tiếng là tự do nhưng vô sản, toàn bộ đất đai màu mỡ đều nằm trong tay các chủ nô, quan lại, quý tộc Nga. Bước đường cùng, những nông dân này chỉ còn cách trở thành cướp.

Moscow thường nhắm mắt làm ngơ trước những vụ cướp bóc của nông dân và người Cossacks ở Don, vì họ chủ yếu cướp của các quốc gia láng giềng. Sa hoàng đương nhiệm là Alexei Mikhailovich (1629 – 1676) không bao giờ ngờ, ngay khi trở thành tướng cướp ở tuổi 30, Razin đã lập tức nhắm mục tiêu vào quan chức Nga.

Năm 1667, y tiến hành phi vụ “săn lùng zipun (trang phục của người Cossacks)”, đến tận sông Volga, chặn cướp các lữ đoàn thương mại bằng hỏa lực. Lấy danh nghĩa báo thù cho anh trai, y xử tử tất cả các sĩ quan bắt được.

Băng cướp của Razin hoan nghênh bất cứ ai gia nhập và những nông dân Nga bước đường cùng chạy trốn đến Don lũ lượt xin vào. Chỉ trong một thời gian ngắn, Razin đã có hạm đội 30 thuyền buồm.

Y tiến thẳng vào biển Caspian, cướp bóc quy mô lớn. Khu vực bị Razin đột kích liên tiếp là bờ biển Ba Tư. Trước viễn cảnh có thể xảy ra chiến tranh toàn diện với Ba Tư, Sa hoàng Mikhailovich kinh hoảng, lập tức cho sứ giả đến giải thích với Quốc vương Shah Suleiman I (1648 – 1694) rằng chuyện này không phải do ông.

'Nghĩa quân' của Razin tàn bạo giết chóc và cướp giật. Ảnh: Rbth.com

'Nghĩa quân' của Razin tàn bạo giết chóc và cướp giật. Ảnh: Rbth.com

Vẻ vang và bi thảm

Quốc vương Suleiman I đã cho một hạm đội đi tiễu trừ băng cướp của Razin nhưng hạm đội này thất bại. Có nguồn tin khẳng định, Razin đã bắt được hoàng tử và công chúa Ba Tư. Sau đó, trong lúc say xỉn, y dìm công chúa Ba Tư xuống sông Volga.

Tháng 8/1669, Razin trở lại Don, mang theo nhiều chiến lợi phẩm. Hay tin, nông dân Nga mới bỏ trốn và người Cossacks thi nhau gia nhập. Đầu năm 1670, lực lượng của Razin đã đông đến 20 nghìn người và thủ lĩnh này khởi động chiến dịch đầy tham vọng mới là lật đổ Sa hoàng.

Mùa Xuân cùng năm, Razin cùng 20 nghìn quân lấy danh khởi nghĩa từ Don tiến tới Moscow. Trên đường đi, họ cướp bóc, đánh chiếm hết thị trấn này đến thị trấn khác, tàn sát hàng loạt quân lính, sĩ quan, quan chức và địa chủ Nga, thiết lập chính phủ tự trị - Volnitsa.

“Hỡi các anh em, hãy đứng lên! Bây giờ chính là lúc đạp đổ những kẻ quan liêu, bạo chúa đã bóc lột chúng ta tàn bạo hơn cả quân Thổ Nhĩ Kỳ và những kẻ ngoại đạo”, Razin kêu gọi. “Tôi đến đây để trao cho mọi người sự tự do, giải thoát. Tất cả mọi người đều sẽ là anh em, con cháu của tôi”, y hứa hẹn.

Các vùng đất giàu có như Astrakhan, Tsaritsyn, Saratov… lần lượt bị chiếm đóng. Ở một số thị trấn, “nghĩa quân” còn không cần phải ra tay vì người dân đã nổi dậy trước, lật đổ bộ máy thống trị và mở cửa chào đón.

Để hợp pháp hóa cho cuộc nổi dậy của mình, Razin tung tin đồn giả rằng Alexei Alexeyevich, con trai của Sa hoàng, người vốn đã từ trần và Thượng phụ Nikon, người đang bị dày ở Tu viện Kirillo Belozersky đều đang có mặt trong đội quân của mình.

Mùa thu cùng năm, “nghĩa quân” tràn đến Sinbirsk. Tại đây, họ bị Gia tộc Baryatinsky chặn đứng và đánh bại. Razin bị thương nặng, phải chạy trốn về Don, ẩn náu trong Pháo đài Kagalnik.

Biết không thể tránh khỏi sự trừng phạt của Sa hoàng, các bô lão người Cossacks không tham gia vào cuộc nổi dậy lập tức huy động trai tráng, xông vào Kagalnik bắt sống Razin và giao nộp cho Moscow.

Tại kinh đô, Razin bị tra tấn thừa sống thiếu chết. Ngày 16/6/1671, tại Quảng trường Đỏ, y bị trói trên đoạn đầu đài. Sau khi nghe đọc bản án tử hình của mình, y bình tĩnh quay về phía nhà thờ, cúi đầu lạy 3 lần, nhìn một lượt Điện Kremlin và Sa hoàng rồi nói, “Hãy thứ tội cho tôi”.

Đao phủ bước lên, chặt đứt tay phải của y, sau đó là chân trái. Anh trai của Razin, Frol gào lên: “Tôi xin chỉ điểm tất cả những kẻ bất trung với Sa hoàng”, mong người thống trị giảm bớt cực hình cho y. Razin trừng mắt, quát to: “Im đi, tên khốn!”. Đao phủ vung đao và đầu của y lăn xuống đất.

Cả 5 phần thân thể của Razin đều bị cắm trên cọc, thị chúng. Nội tạng thì bị móc ra, đem cho chó ăn. Nhờ có công chỉ điểm, Frol được tha chết nhưng, năm 1676, có lẽ vì đã hết công dụng, anh ta vẫn bị đưa lên đoạn đầu đài.

Sau thất bại của Razin, người Cossacks quy thuận hoàn toàn. Tuy nhiên, họ xin Sa hoàng hãy quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của người dân, đặc biệt là hãy trao cho họ nhiều quyền tự chủ hơn. Vì ái ngại có Razin thứ 2, Sa hoàng đành phải nhượng bộ một phần.

Theo rbth.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ