Réo rắt tiếng Khèn trên cao nguyên đá Tủa Chùa

Giữa tầng tầng, lớp lớp đá xám trên cao nguyên Tủa Chùa, âm thanh réo rắt của những cây Khèn Mông vẫn có sức hút riêng…

Réo rắt tiếng Khèn trên cao nguyên đá Tủa Chùa

Thanh âm vùng cao

Từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), lần theo những âm thanh réo rắt, da diết của tiếng khèn Mông vọng lại, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân Giàng A Sử. Ông hiện là một trong số rất ít nghệ nhân của tỉnh Điện Biên vừa biết thổi, lại vừa chế tác ra cây Khèn Mông.

Bản vùng cao Huổi Lếch, xã Mường Báng - nơi ông Sử đang sinh sống nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi. Bên hiên nhà, người đàn ông ngoài 80 tuổi vẫn say sưa trong điệu khèn. Ông bảo: “Đó là thứ nhạc cụ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và đồng bào nơi đây suốt nhiều đời qua”.

Học thổi khèn từ bé, nhưng đến tận năm 17 tuổi ông Sử mới tự chế tác được một chiếc khèn hoàn chỉnh. Rồi phải mất hơn chục năm “thổi hồn” cho nó để có thể phát ra được âm thanh chuẩn như mong muốn. Chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân, song đôi tay chế tác của ông điêu luyện đến mức có thể “vừa nhắm mắt vừa làm”.

“Chẳng biết khèn có từ bao giờ, tôi sinh ra đã thấy rồi. Âm thanh ấy cứ cất lên mỗi ngày thành quen. Để có được cây khèn theo ý muốn, tôi đã tự học và bắt đầu làm từ năm 17, 18 tuổi. Nghề làm khèn theo tôi cho đến tận bây giờ. Cứ tưởng xã hội phát triển thì sẽ mai một. Nhưng vẫn có khách mua là tôi biết tiếng khèn vẫn có đất sống”, ông Sử tâm sự.

Réo rắt tiếng Khèn trên cao nguyên đá Tủa Chùa ảnh 1

Ông Sình A Tâu (ở giữa) trao đổi về nghệ thuật múa khèn với bà con địa phương.

Còn ông Sình A Tâu, thôn 4, xã Sính Phình là một trong những người giỏi nhất về nghệ thuật thổi và múa khèn trên cao nguyên Tủa Chùa. Thuần thục hàng chục điệu khèn và hàng trăm bài hát, nên chẳng có sự kiện gì của đồng bào địa phương mà ông không được mời tham gia.

Ông Tâu chia sẻ, ông đam mê tiếng khèn từ nhỏ. Trải qua hàng chục năm học hỏi, tích lũy, hiện nay ông đang sở hữu kho kiến thức phong phú về những điệu múa khèn. Những năm qua, ông Tâu tham gia biểu diễn ở rất nhiều cuộc thi trong, ngoài tỉnh và giành được nhiều giải thưởng.

Với kiến thức sâu rộng về khèn Mông, năm 2019 ông Tâu được công nhận là Nghệ nhân ưu tú trình diễn nghệ thuật dân gian tỉnh. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ông Tâu chính là tiếng khèn Mông vẫn cất lên trong những dịp tết đến, xuân về và được người dân ủng hộ.

“Mỗi lần được mời đi múa khèn, tôi rất tự hào vì có thêm cơ hội mang văn hóa dân tộc đến gần hơn với nhiều người. Bởi vậy tôi luôn cố gắng luyện tập, đổi mới để tiếng khèn hay và đa dạng hơn. Và tôi hạnh phúc khi ở bất cứ đâu, mọi người cũng đều nhiệt tình đón nhận”, ông Tâu bộc bạch.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Ngoài gia đình ông Sử, hiện nay ở Tủa Chùa đang khuyến khích và duy trì tốt hai cơ sở chế tác khèn Mông khác, phục vụ không chỉ nhu cầu trong huyện, trong tỉnh, mà còn cho các vùng lân cận có đồng bào Mông sinh sống.

“Với đồng bào người Mông, cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình, mà còn được xem như sợi dây, phương thức kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Trong các nghi lễ đời sống, không thể thiếu tiếng khèn. Bởi vậy, dẫu trải qua biết bao cuộc thiên di thì các dòng họ người Mông ở đây vẫn phải tìm cho được một thế hệ kế nghiệp, nối truyền”, ông Bắc cho hay.

Nỗ lực trao truyền

Không giữ cho riêng mình những điệu khèn, mặc dù tuổi đã cao song những năm qua ông Sình A Tâu vẫn miệt mài tìm cách trao truyền cho thế hệ trẻ. Ông trăn trở và lo lắng khi bản sắc dân tộc đứng trước nguy cơ phải cạnh tranh với “làn sóng” âm nhạc hiện đại. “Những thế hệ như tôi mất đi thì lấy ai giữ tiếng khèn?”, ông Tâu nói.

Bởi vậy, trong những năm qua, ông đã phối hợp và tự tổ chức nhiều lớp dạy học khèn miễn phí tại nhà. Năm 2020, ông từng đứng ra mở lớp học khôi phục, bảo tồn khèn truyền thống dân tộc Mông, với 10 thành viên. Trong suốt 3 tháng, đều đặn hàng ngày ông Tâu ân cần, chỉ dạy cho từng người.

Réo rắt tiếng Khèn trên cao nguyên đá Tủa Chùa ảnh 2

Học sinh huyện Tủa Chùa tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về khèn Mông.

Tuy nhiên, do hạn hẹp về kinh phí, công tác tổ chức…nên những lớp học quy mô như vậy không được duy trì nhiều. Ông chủ yếu truyền dạy tự do trong mọi hoàn cảnh, thời gian. Học trò của ông chủ yếu là thanh niên người Mông trong thôn, xã. Đôi lúc, cũng có người từ các thôn, bản lân cận đến học. Ngoài ra, ông Tâu không từ chối bất cứ lời mời nào, nhất là các trường học tại địa phương khi muốn ông tham gia vào các hoạt động ngoại khóa giới thiệu về khèn.

“Trong đời sống hiện nay, còn có người quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống như thế thì tôi rất mừng. Nhất lại là các cháu học sinh. Vì thế, mỗi lần các nhà trường mời, nếu không phải vì sức khỏe không đảm bảo thì tôi đều cố gắng tham gia đầy đủ. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa để khèn Mông được gìn giữ và phát huy”, ông Tâu tâm sự.

Cùng với chế tác, nghệ thuật thổi khèn, múa khèn Mông cũng đang được huyện Tủa Chùa nỗ lực bảo tồn. Từ năm 2009, địa phương này đã xây dựng thành công dự án khôi phục những nét đặc sắc của văn hóa khèn Mông, duy trì một lớp dạy thổi và múa khèn cho lớp trẻ.

Hàng năm, các địa phương trong huyện đều đặn duy trì tổ chức hội xuân. Trong đó, nghệ thuật múa khèn là một trong những hoạt động không thể thiếu và luôn có sức hút nhất định. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lần đầu tiên nghệ thuật này được lựa chọn đưa vào giao lưu với quy mô cấp huyện.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, hội thi không chỉ tạo sân chơi để các nghệ nhân giao lưu, gặp gỡ mà còn là cơ hội để sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy các loại hình biểu diễn của khèn Mông. Trên thực tế, sự kiện này đã tạo hiệu ứng rất tốt trong bà con đồng bào Mông bản địa. Đồng thời cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách tới tham quan, trải nghiệm.

“Với những nỗ lực của bà con và địa phương thời gian qua, khèn Mông vẫn có được chỗ đứng nhất định. Theo định hướng, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa tiếng khèn Mông trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương”, ông Bắc cho biết thêm.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ