Rèn luyện kỹ năng mới với Phân môn Chính tả lớp 5

GD&TĐ - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn về việc thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Năm học 2022 ‑ 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đối với các lớp 1, 2 và lớp 3; riêng các lớp 4 và 5 vẫn thực hiện chương trình hiện hành năm 2006.

Nhằm giúp các em học sinh lớp 5 có những kĩ năng bước vào cấp học mới, ngày 1/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3799/BGDĐT‑GDTH về việc thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Theo công văn, yêu cầu cần đạt khi dạy kĩ năng viết có nhiều thay đổi: Từ từ chuyển dịch dạy kĩ năng NGHE ‐ VIẾT sang kĩ năng hoàn toàn mới mẻ đối với học sinh tiểu học là NGHE ‐ GHI.

Giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động nghe - ghi: Ghi lại ý chính của đoạn, bài Tập đọc, cái hay của câu thơ, câu văn khi học tìm hiểu nội dung bài; ghi lại ý nghĩa của câu thành ngữ, tục ngữ khi dạy Luyện từ và câu; ghi lại một số nội dung quan trọng của bài Lịch sử, Địa lý, Khoa học; ghi lại thông tin cơ bản của một đoạn phim tư liệu; một câu chuyện…

Yêu cầu về NGHE ‐ GHI cần được sử dụng thường xuyên trong các môn học, đặc biệt khi học phân môn Chính tả để dần hình thành cho học sinh thói quen ghi chép nội dung quan trọng, cần thiết trong cấp học mới ‐ đây là bước chuẩn bị cần thiết cả về kỹ năng và tâm lý cho các em.

Để đáp ứng được các yêu cầu đó, đòi hỏi người giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung Công văn số 3799/BGDĐT‐GDTH có sự điều chỉnh cần thiết về nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, cách đánh giá trong dạy học mà không có sự xáo trộn cơ học giữa Chương trình GDPT 2018 với chương trình hiện hành.

Sau đây, tôi xin minh họa sự thay đổi này qua cách triển khai bài dạy môn Chính tả tuần 26 ‐ Bài Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động.

LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG

I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:

1. Kiến thức, kĩ năng:

‐ Nghe ‐ viết đúng tên riêng trong bài chính tả: Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động.

‐ Nhận biết được công dụng của dấu gạch nối (nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng).

‐ Tìm được các tên riêng theo yêu cầu của bài tập 2 và nắm vững quy tắc viết hoa tên riêng nước ngoài, tên ngày lễ, tên cuộc cách mạng, tên tác phẩm. (Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm:

Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm).

‐ Hình thành và củng cố kĩ năng nghe - ghi.

2. Năng lực:

‐ Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác qua quá trình trao đổi thảo luận nhóm, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

‐ Năng lực văn học, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ.

3. Phẩm chất:

‐ Giáo dục và rèn cho học sinh ý thức cẩn thận, viết đúng và đẹp, yêu thích môn học.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

II. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU

1. Khởi động

‐ Học sinh nhắc lại quy tắc viết hoa tên người, tên địa lý nước ngoài.

(­ Khi viết tên người, tên địa lý nước ngoài, ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó. Nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có dấu gạch nối.

­ Có một số tên người, tên địa lý nước ngoài viết giống như cách viết của tên riêng Việt Nam. Đó là những tên riêng được phiên âm theo âm Hán Việt)

‐ Giáo viên nhận xét, giới thiệu và nêu yêu cầu cần đạt của tiết học.

2. Hình thành kiến thức mới

Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh nghe ­ viết

‐ Học sinh đọc bài chính tả Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động.

"Bài chính tả nói về điều gì? (Bài chính tả giải thích lịch sử ra đời của ngày Quốc tế Lao động 1/5)

‐ Tìm tên ngày lễ có trong bài? (Ngày Quốc tế Lao động)

‐ Học sinh tìm từ chỉ tên người, tên địa lý nước ngoài (Chi‐ca‐gô, Mĩ, Niu Y‐oóc, Ban‐ti‐mo, Pít‐sbơ‐nơ)

‐ Giáo viên: Ngày Quốc tế Lao động là tên riêng chỉ một ngày lễ (không thuộc nhóm tên người, tên địa lí). Đối với loại tên riêng này, ta cũng viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó.

‐ Giáo viên đọc cho học sinh nghe ‐viết các tên riêng trong bài chính tả: Chi‐ca‐gô, Mĩ, Niu Y‐oóc, Ban‐ti‐mo, Pít‐sbơ‐nơ

‐ Giáo viên nhấn mạnh công dụng của dấu gạch nối (nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng).

‐ Soát lỗi và chấm bài.

Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh làm bài tập chính tả

‐ Gọi học sinh đọc yêu cầu và nội dung bài tập.

‐ Học sinh đọc thầm lại bài văn.

‐ Học sinh thảo luận nhóm 2: Tìm và viết tên riêng trong bài văn.

‐ Học sinh đọc tên riêng mà các em tìm được.

‐ Học sinh nêu cách viết những tên riêng đó.

‐ Giáo viên mở rộng: Công xã Pa‐ri là tên một cuộc cách mạng khi viết ta viết hoa chữ cái đầu tạo thành tên, Quốc tế ca là tên một tác phẩm, khi viết ta viết hoa chữ cái đầu của tên tác phẩm.

Hoạt động 3: Hình thành và củng cố kĩ năng nghe ghi

Điệp khúc

Trận này là trận cuối cùng

Ầm ầm đoàn lực, đùng đùng đảng cơ,

Lanhtécnaxiônanlơ

Ấy là nhân đạo, ấy là tự do.

Đoạn I

Hỡi ai nô lệ trên đời,

Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên!

Bất bình này chịu sao yên,

Phá cho tan nát một phen cho rồi!

Bao nhiêu áp bức trên đời,

Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha!

Cuộc đời này đã đổi ra,

Xưa kia con ở nay là chủ ông!

Đoạn II

Công nông ta có đảng to,

Có nhờ ta mới có kho có tài.

Trời sinh đất để cho người,

Những đồ lười biếng thì mời đi đi,

Những đồ ăn xổi ở thì,

Mình làm chúng hưởng lẽ gì xưa nay.

Nếu đem diệt sạch lũ này,

Mặt trời vẫn cứ ngày ngày xuân dung!

Đoạn III

Việc ta ta phải gắng lo,

Chẳng nhờ trời phật chẳng nhờ thần linh.

Công nông mình cứu lấy mình,

Sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền.

Muốn cho đánh đổ cường quyền,

Tự do bình đẳng vẹn tuyền cả hai.

Thụt lò ta phải ra tay,

Sắt kia đang nóng đập ngay mà dùng!

‐ Giáo viên tổ chức cho học sinh trao đổi nội dung bài.

‐ Học sinh thảo luận nhóm 4, viết vắn tắt, ngắn gọn một số ý chính của bài thơ.

‐ Giáo viên chốt nội dung: Bài thơ là tiếng lòng của tầng lớp công nhân bị áp bức, là lời kêu gọi tinh thần đoàn kết vùng lên đấu tranh, đập tan xiềng xích bóc lột để làm chủ cuộc đời mình.

‐ Học sinh tự ghi nội dung bài theo cách hiểu của mình vào vở chính tả; ghi chép một số câu thơ em yêu thích.

3. Vận dụng

‐ Giáo viên nhấn mạnh: Công xã Pa‐ri, Quốc tế ca là tên một cuộc cách mạng và tên một tác phẩm, khi viết ta viết hoa chữ cái đầu tạo thành tên riêng đó.

- Về nhà ghi lại một số tên nhân vật trong truyện, tên nguyên thủ một số quốc gia mà em biết của Việt Nam và nước ngoài.

Đối với học sinh lớp 5, việc chuyển tiếp từ bậc tiểu học lên lớp 6 - bậc trung học cơ sở là một dấu ấn, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Nếu không chuẩn bị tốt về mọi mặt: Tâm lí, kiến thức, kĩ năng, năng lực, phẩm chất, các em sẽ hoang mang, lo lắng, thậm chí còn hụt hẫng và không kịp thích ứng. Làm việc độc lập với tài liệu, khai thác hiệu quả không gian mạng, rèn luyện kỹ năng NGHE - GHI là những hành vi cụ thể nhằm từng bước hình thành thói quen tự ghi chép nội dung cốt lõi của bài học, môn học từ đó phát triển năng lực tự học, tự chủ cho học sinh, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Tác giả Dương Thị Soa hiện công tác tại Trường Tiểu học Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ