Rèn luyện kỹ năng lãnh đạo cho con

GD&TĐ - Cha mẹ mất nhiều sức lực và năng lượng để dành cho các con mình tất cả những điều tốt nhất. Tiếc rằng tình yêu và sự chăm sóc con thái quá thường cản trở sự phát triển ở chúng tính tự lập, ý thức trách nhiệm và những khả năng lãnh đạo. 

Rèn luyện kỹ năng lãnh đạo cho con

Tim Elmor, chuyên gia về lãnh đạo và tác giả của nhiều cuốn sách bestseller vế giáo dục đã nghiên cứu chi tiết vấn đề này. Hiện nay Tim là người sáng lập và là chủ tịch tổ chức phi thương mại Frowing Leaders giúp cho trẻ em và thanh thiếu niên phát triển những kỹ năng lãnh đạo trong tương lai. Dưới đây là ý kiến của ông về những sai lầm cơ bản của cha mẹ cần được khắc phục để đạt được mục đích trên.

Cha mẹ không cho phép con chấp nhận thất bại

Trong thế giới hiện đại những sự nguy hiểm luôn chờ đợi chúng ta theo từng bước chân. Lo sợ cho hạnh phúc của những đứa con, cha mẹ đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chúng và coi đó là công việc của họ. Tuy nhiên, sự bao bọc thái quá có thể làm hại con.

Các nhà tâm lý châu Âu phát hiện rằng ở những đứa trẻ không được chạy nhảy chơi đùa trên phố, không bị bầm dập đầu gối và luôn được bảo vệ tránh khỏi nguy hiểm thường bị chứng ám ảnh khi trường thành. Trẻ em cần được va vấp để hiểu rằng sự thất bại là điều bình thường.

Trẻ vị thành niên phải nhận thức được mối tình đầu và sự cay đắng của việc chia tay để đạt được độ chín về cảm xúc là điều cần thiết đối với những mối quan hệ nghiêm túc. Khi cha mẹ quá tránh cho con khỏi sự thất bại sẽ góp phần phát triển tính kiêu ngạo và hạ thấp lòng tự trọng ở chúng.

Cha mẹ quá nhanh chóng đến giúp đỡ con

Thế hệ trẻ ngày nay không đủ kỹ năng mà trẻ em của 30 năm trước đó có được. Mọi thứ là bởi cha mẹ quá vội vã giúp đỡ trẻ và giải quyết mọi vấn để cho con. Kết quả là đứa trẻ không học được cách tự đưa ra quyết định và tìm lối thoát khỏi những tình huống phức tạp.

Nó đã quen với việc cha mẹ thường đến hỗ trợ cho mình. Nó suy nghĩ thế này: “Nếu có điều gì đó xảy ra không theo ý muốn thì người lớn sẽ chỉnh đốn mọi thứ và hiểu được hậu quả những sai lầm của mình”. Tuy nhiên, trong thế giới thực tế thì cách này không có lợi vì những đứa trẻ như vậy sẽ lớn lên hoàn toàn không có đủ năng lực.

Cha mẹ quá tự hào vì con mình

Nhiều phụ huynh thường xuyên khen ngợi các con mình và nói với chúng rằng chúng là những người thông minh và xinh đẹp. Họ nghĩ điều đó sẽ giúp các con cảm thấy mình thật đặc biệt và sẽ phát triển trong chúng cảm giác về giá trị của bản thân.

Tuy nhiên, cách xử sự như vậy thường có mặt trái của nó. Rốt cuộc đứa trẻ bắt đầu nhận thấy rằng cha mẹ là những người duy nhất coi nó là tài năng. Kết quả là nó bắt đầu nghi ngờ tính khách quan sự phán xét của cha mẹ.

Khi cha mẹ quá khen con cái và nhắm mắt làm ngơ đối với hành vi xấu thì các con sẽ học cách lừa lọc, dối trá và thổi phồng để tránh né sự thực phũ phàng. Vì thế mà chúng không học được cách vượt qua khó khăn.

Cảm giác có lỗi ngăn cản cha mẹ giáo dục con đúng cách

Trẻ em thường nhanh chóng quên đi lỗi lầm nhưng chúng sẽ phải khó khăn hơn nhiều khi phải đối mặt với những hậu quả của sai lầm. Đừng ngại nói với chúng từ “không” để chúng học cách biết trân trọng và đấu tranh cho những gì thực sự là quan trọng với chúng.

Thông thường thì cha mẹ sẽ cho các con những gì mà chúng muốn để khuyến khích. Khi trong gia đình có vài đứa con thì có vẻ như bạn khen ngợi không công bằng một đứa trong khi lại thiếu quan tâm đến đứa khác. Để không cảm thấy mình có lỗi cha mẹ thường khen cả hai. Tuy nhiên xử sự như vậy là mâu thuẫn với thực tế.

Kết quả là bọn trẻ không biết rằng thành công của chúng phụ thuộc trực tiếp vào những hành động của mình. Không cần dạy con chờ đợi những món quà mỗi khi chúng nhận được điểm tốt. Làm như vậy không làm cho con có được sự say mê vô điều kiện và một nội lực thực sự để phấn đấu.

Cha mẹ không chia sẻ những lỗi lầm của mình với con cái

Tất cả trẻ em dù sớm hay muộn đều đến lúc cần “tung cánh” và rời khỏi tổ kén của cha mẹ. Cha mẹ cũng không thể ngăn cản chúng điều này, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ không cần chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Hãy kể cho con về những sai lầm mà mình đã mắc phải khi ở lứa tuổi của chúng. Đồng thời cố gắng tránh những bài răn dạy vô tận về cái hại của hút thuốc và uống rượu.

Trẻ em cần được chuẩn bị tinh thần cho sự thất bại và hậu quả của những quyết định và hành động sai trái. Hãy kể cho con rằng bạn cảm thấy thế nào khi rơi vào những tình huống khó khăn và từ kinh nghiệm đó đã rút ra được những bài học gì.

Cha mẹ nhẫm lẫn khả năng trí tuệ với sự trưởng thành

Cha mẹ thường lầm tưởng chỉ số về năng lực trí óc với chỉ số trưởng thành của đứa con. Họ nghĩ rằng một đứa trẻ thông minh đã sẵn sàng cho một cuộc sống thực tế, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng như vậy.

Chẳng hạn, có một số vận động viên chuyên nghiệp và những ngôi sao sáng của Hollywood có nhiều tài năng nhưng vẫn gây ra những vụ scandal. Nếu đứa trẻ thể hiện khả năng về việc gì đó, không có nghĩa là nó có tài về mọi thứ và đã sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập.

Cha mẹ không nêu gương cho con

Cha mẹ phải gương mẫu về hành vi mà họ đòi hỏi ở đứa con của mình. Bằng tấm gương của mình hãy dạy con chịu trách nhiệm về những lời nói. Đừng nói dối bởi vì trẻ em nhận thấy được thậm chí cả lời nói dối vô hại.

Nếu bạn xử sự một cách thiếu trung thực thì điều đó là không chấp nhận được đối với con. Hãy quan tâm, giúp đỡ những người khác, con bạn ghi nhớ điều đó và cũng sẽ hành động như thế.

Vì sao cha mẹ phạm sai lầm?

Tim Elmor cho rằng từ những nỗi sợ hãi mà cha mẹ đã bao bọc con bằng tình yêu thái quá. Nhiều người do không nhận thức được vai trò của họ lớn thế nào đối với việc giáo dục con cái nên họ cố gắng cho các con tất cả những gì mà họ đã không có được khi còn nhỏ.

Đó là lý do vì sao mà ngày nay nhiều phụ huynh đang sống cho ngày nay mà không nghĩ về tương lai, trong khi cha mẹ họ (hiện đã là ông, bà) lại chỉ lo lắng về cho tương lai. Họ đã tiết kiệm, không lãng phí và chuẩn bị cho thời kỳ nghỉ hưu.

Đạt được những kết quả tốt nhất trong việc giáo dục là những bậc phụ huynh có ý thức kết hợp cả hai điều: không chỉ biết nghĩ đến tương lai, mà còn biết cách hưởng thụ hiện tại một cách lành mạnh.

Làm thế nào đề phát triển kỹ năng lãnh đạo cho con cái?

·Kể cho các con vể những vấn để cuộc sống của người lớn mà bạn từng muốn biết khi còn nhỏ.

·Cho phép con trải nghiệm những thất bại.

·Thảo luận về những hậu quả có thể xảy ra từ những sai lầm của con để hình thành cho chúng ý thức trách nhiệm.

·Giúp con xác định được những tính cách và kỹ năng nào cần thiết phải có để giải quyết những vấn đề trong thực tế.

·Giao cho con việc gì đó đòi hỏi sự kiên nhẫn để chúng học cách biết chờ đợi.

·Nên giải thích cho con rằng trong cuộc sống cần thường xuyên có sự thỏa hiệp và phải lựa chọn. Chúng không thể có được mọi thứ.

·Giao cho con những công việc của người trưởng thành, thí dụ như thanh toán hóa đơn.

·Giới thiệu cho con làm quen với những người đàng hoàng trong số người quen của bạn để chúng noi theo.

·Giúp con xác định những mục đích sống và sau đó thảo luận khả năng đạt được chúng.

·Khuyến khích con mong muốn có tính tự lập và tinh thần trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...