Rèn kỹ năng nói trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Cô Trương Thúy Hà (Trường THPT Nguyễn Trung Trực - TPHCM) đã nêu ra một thực trạng: Năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh với tư cách là một công cụ để tư duy, giao tiếp, công cụ để học tập vẫn còn nhiều bất cập.

Rèn kỹ năng nói trong dạy học Ngữ văn

Trong đó, những hạn chế, yếu kém về kỹ năng nói (KNN) của học sinh (HS) trung học phổ thông (THPT) đang là một vấn đề được nhà trường, xã hội, phụ huynh quan tâm tìm biện pháp khắc phục.

Nguyên nhân học sinh yếu kỹ năng nói

Theo cô Trương Thúy Hà, hiện một bộ phận HS còn yếu cả kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Các em rất ngại nói trong giờ học, có tâm lý ngượng ngùng, dè dặt, sợ mình nói sai.

Sự hạn chế về vốn sống, vốn hiểu biết và kinh nghiệm giao tiếp dẫn đến học sinh thiếu sự đa dạng, linh hoạt trong việc thực hiện các chủ đề, hình thức nói năng.

Cô Trương Thúy Hà 

Các hoạt động tập thể, trao đổi, thảo luận, tập diễn thuyết, hùng biện,... khó được tổ chức nên HS ít có điều kiện để rèn luyện KNN.

Nhiều HS bị cuốn hút vào các trò chơi hiện đại như game, chat,... khiến vốn từ vựng không được bổ sung. Lối sống hiện đại, công việc tất bật... khiến nhiều phụ huynh không có thời gian giao tiếp, chuyện trò với con em mình nên tạo điều kiện cho các em dần dần khép kín, ngại nói năng, giao tiếp, có thái độ tự kỷ.

Quy mô mỗi lớp học đông nên giáo viên ít có thời gian rèn luyện KNN cho từng HS. Một bộ phận giáo viên chú trọng rèn luyện kỹ năng viết, chưa có phương pháp linh hoạt, sáng tạo để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho HS luyện nói hiệu quả.

Chương trình Ngữ văn THPT hiện hành đã chú ý đến việc rèn kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, nhưng thời lượng quá ít, lại không yêu cầu kiểm tra đánh giá rèn luyện KNN…

Cô Trương Thúy Hà cho rằng, trong nhà trường phổ thông, hoạt động rèn luyện KNN cho HS phải đảm bảo các nguyên tắc giáo dục, nguyên tắc dạy học, được vận dụng cụ thể vào một không gian, thời gian, đối tượng nhất định.

Phải bám sát mục tiêu giáo dục của nhà trường, những quy luật khoa học về bản chất của hoạt động ngôn ngữ, của tâm lý học, của con đường hình thành kỹ năng. Rèn luyện KNN phải bám sát nội dung, chương trình dạy học và phải được cá thể hóa theo từng đối tượng HS.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả rèn luyện KNN cho HS, theo cô Trương Thúy Hà, phải chú ý thêm: Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp dạy học tiếng truyền thống; đa dạng hóa các hình thức, môi trường rèn luyện KNN cho HS trong dạy học môn Ngữ văn.

Phương pháp rèn luyện theo mẫu, giao tiếp

Cô Trương Thúy Hà cho biết, rèn luyện theo mẫu là một phương pháp được áp dụng rộng rãi trong giáo dục ngôn ngữ nói chung và dạy học tiếng Việt nói riêng.

Thực chất của quá trình học tiếng là một quá trình bắt chước có ý thức nên phương pháp này được áp dụng tốt cho việc rèn luyện KNN.

Cần tạo các tình huống ngôn ngữ để kích thích nhu cầu giao tiếp và định hướng giao tiếp cho HS về việc nói làm gì, nói nội dung gì, nói với ai, nói trong hoàn cảnh nào, sử dụng hình thức hỗ trợ nào,...

Điều quan trọng là giáo viên phải có được những mẫu tốt, phân tích được những đặc trưng của chúng để HS hiểu và nắm vững cơ chế hoạt động nói, từ đó dựa theo mô hình để thực hiện hoạt động nói năng đúng chuẩn, sáng tạo, hiệu quả.

Ngoài việc sử dụng các loại mẫu (qua ghi âm, phim ảnh, thông tin mạng,...), giáo viên cũng phải rèn luyện KNN của mình để trở thành một mẫu cho HS làm theo.

Bên cạnh phương pháp rèn luyện theo mẫu, giao tiếp là phương pháp có nhiều ưu thế trong việc rèn luyện KNN, năng lực giao tiếp cho HS, phù hợp với bản chất của ngôn ngữ, mục tiêu dạy học và nguyên tắc trực quan trong giáo dục.

Học sinh biết sử dụng các yếu tố ngôn ngữ (từ, cấu trúc ngữ, cấu trúc câu, các yếu tố ngôn điệu, tu từ, phong cách...) và những yếu tố phi ngôn ngữ (điệu bộ, phương tiện, người nói, người nghe, không gian, thời gian,...) để thực hiện một hoạt động nói năng đúng chuẩn cho từng hoạt động giao tiếp cụ thể.

Đa dạng hóa hình thức, môi trường rèn luyện KNN

Hoạt động rèn luyện KNN cho HS trong giờ dạy học chính khóa môn Ngữ văn ở trường THPT được sử dụng có hiệu quả, như hình thức kể chuyện theo vai, bằng lời của nhân vật hoặc kể chuyện sáng tạo dựa theo một tác phẩm đã được học, đọc thêm.

Hình thức kể chuyện theo vai được thể hiện chủ yếu trong dạy học đọc - hiểu văn bản ở lớp 10.

Rèn luyện KNN qua hình thức kể chuyện theo vai cũng là góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm; trau dồi, mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống; phát triển vốn từ ngữ, vốn văn học, khả năng sáng tạo, thói quen quan sát, ghi nhớ; phát triển năng lực trí tuệ cho HS.

Đàm thoại là hình thức trao đổi giữa giáo viên và HS hoặc giữa HS với nhau, trong đó giáo viên nêu ra hệ thống câu hỏi dẫn dắt hợp lý để HS tập luyện KNN đúng, phản ứng nhanh, biểu lộ được tình cảm và phong cách ngôn ngữ phù hợp.

Khi luyện tập KNN qua đàm thoại, cần chú ý đảm bảo số lượng, nội dung, mức độ của câu hỏi để phù hợp với trình độ HS, tạo hứng thú nói năng cho HS.

Thảo luận nhóm là một hình thức dạy học phân hóa, HS hợp tác làm việc với nhau, thông qua giao tiếp, trao đổi, tranh luận, chia sẻ và có cơ hội để diễn đạt ý nghĩ của mình, tìm tòi và mở rộng hình thức bộc lộ suy nghĩ để rèn luyện KNN.

Nhấn mạnh tổ chức dạy học theo nhóm giúp những HS nhút nhát, diễn đạt yếu có điều kiện rèn luyện, tập dượt để dần dần khẳng định tính tự chủ của mình trong hoạt động giao tiếp, cô Trương Thúy Hà cũng cho rằng, giáo viên phải chuẩn bị tốt kế hoạch, phân chia nhóm hợp lý, xác định nội dung và thời gian trình bày, xử lý tốt các tình hưống xảy ra, cá thể hóa trong việc điều chỉnh, uốn nắn sự lệch chuẩn trong KNN...

Luyện nói theo chủ đề, phát biểu, thuyết trình là hình thức giúp HS nắm được những vấn đề liên quan đến đối tượng nghe, chuẩn bị bài nói, trình bày bài nói, quan sát và tiếp xúc với người nghe, tự đánh giá và rút ra những kinh nghiệm cho mình sau mỗi lần nói.

Giáo viên cũng có thể thực hiện tích hợp rèn luyện KNN trong các môn học khác, qua việc kiểm tra đánh giá cũng là một hình thức đưa lại hiệu quả cao về nhiều phương diện.

Tuy nhiên, cô Trương Thúy Hà lưu ý, giáo viên bộ môn phải có ý thức về việc rèn luyện KNN, có năng lực đánh giá trình độ HS, tạo cơ hội để HS được nói nhiều hơn trong các môn học khác.

Ngoài ra, hình thức kiểm tra vấn đáp không chỉ có tác dụng đánh giá kết quả học tập của HS mà còn là một dịp để rèn luyện KNN một cách toàn diện.

Rèn kỹ năng nói qua hoạt động tự học

Hoạt động rèn luyện KNN qua hoạt động tự học, hoạt động ngoài giờ lên lớp được thể hiện rất phong phú về nội dung và hình thức ở trên các lĩnh vực văn hoá, khoa học, nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ thuật.

Những hoạt động này có tác dụng rèn luyện KNN một cách toàn diện, sinh động cho HS. Cô Trương Thúy Hà gợi ý, có thể tổ chức theo hình thức thảo luận nhóm, đóng vai diễn kịch, tổ chức phong trào “nói lời hay, làm việc tốt”, diễn đàn tranh luận phê phán những lối nói phi chuẩn mực, hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường, rèn luyện nói trong môi trường gia đình,...

Tổng kết vấn đề, cô Trương Thúy Hà cho rằng, hoạt động rèn luyện KNN trong dạy học môn Ngữ văn cho HS THPT đều phải tuân thủ những mục tiêu giáo dục và mục tiêu dạy học.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả rèn luyện KNN cho HS, không chỉ thay đổi nhận thức của cả người dạy và người học, mà quan trọng hơn, phải đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức rèn luyện để tạo hứng thú cho HS, nâng cao hiệu quả chất lượng dạy học.

Đây cũng là một vấn đề cần chú ý khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

Song song, cần phải đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên đứng lớp không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, ổn định về đời sống mới có thể tâm huyết với nghề nghiệp, với sự nghiệp trồng người.

Có như vậy mới tránh được bệnh hình thức, đối phó, không đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay, góp phần giáo dục HS trở thành những con người phát triển toàn diện để tiếp tục học tập hay lao động trong cuộc sống; thúc đấy công cuộc đởi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong bối cảnh hiện nay.

Rèn luyện kỹ năng nói là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. 

Việc rèn luyện kỹ năng nói cho học sinh đã có nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có những khó khăn về sử dụng phương pháp rèn luyện. 

Ngoài việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng nói, người giáo viên Ngữ văn phải không ngừng đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng những phương pháp truyền thống với các phương pháp hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Ngữ văn, trong đó có việc rèn luyện kỹ năng nói.

Cô Trương Thúy Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ