Rèn EQ để cân bằng IQ

GD&TĐ - Một số chuyên gia cho rằng, cái đích của việc học không phải để con đứng đầu hay xuất sắc nhất mà để con tiến bộ từng ngày. Vì vậy, đừng chỉ nhăm nhăm rèn IQ cho con để đạt được thành tích cao.

Cha mẹ không nên chỉ chú trọng rèn luyện IQ mà bỏ qua EQ. Ảnh minh họa
Cha mẹ không nên chỉ chú trọng rèn luyện IQ mà bỏ qua EQ. Ảnh minh họa

EQ thấp khiến học hành sa sút

Theo Thạc sĩ, chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Thu Hường, chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) không phụ thuộc vào chỉ số thông minh (IQ), mà có thể hiểu nó là cách sống của một người. Nếu IQ đánh giá về năng lực tư duy, một điều kiện cần để thành đạt về mặt học thuật thì EQ là yếu tố quyết định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời.

EQ cao sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, giúp trẻ thích ứng nhanh với cuộc sống. Điều này sẽ tạo cho trẻ một nền tảng tốt về nhân cách cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống làm nên thành công trong tương lai.

Ngược lại trẻ có EQ thấp sẽ thiếu bạn bè, sống thu mình, khó hòa nhập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé học kém. Nhiều khi chỉ vì tính thích gây hấn, hay không thích chia sẻ cái mình có với bạn bè mà trẻ bị bạn trong lớp tẩy chay, cảm thấy đơn độc, ảnh hưởng tâm lý. Từ đó việc học cũng sút đi.

Trong tương lai, nhóm trẻ này cũng khó kiến tạo các mối quan hệ tốt để phát triển sự nghiệp. Tình trạng thiếu xúc cảm có thể dẫn đến những chuyện tồi tệ hơn, thậm chí hành vi phạm tội. Hoặc do không nhạy cảm với tình cảm của người khác, trẻ có thể làm họ đau khổ mà không thấy hối hận hay cắn rứt...

Bà Hường cũng cho biết thêm, trẻ có EQ cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng IQ. Trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ thiếu sự tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai, trẻ dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại...

Chỉ số trí tuệ xúc cảm (EQ) là khả năng hiểu và kiểm soát ngôn ngữ cảm xúc của bản thân. EQ rất quan trọng không kém thậm chí còn hơn IQ trong nhiều trường hợp, nó giúp bé kiểm soát sự lo âu và kìm nén được cơn giận… Tất cả những điều này rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ ở hiện tại và cả tương lai sau này. EQ không chỉ giới hạn ở sự đồng cảm, thấu hiểu người khác, mà còn bộc lộ qua trực giác, sức sáng tạo, sự năng động, kiên cường, cân bằng áp lực… Nếu như IQ học được ở sách vở và trường lớp, thì EQ được rèn luyện thông qua cuộc sống.

“Vì vậy, mỗi khi con vấp ngã hay bị điểm kém, đừng chăm chăm la rầy, mà hãy biến đó thành cơ hội để luyện cho trẻ động cơ phấn đấu. Ngay cả lúc cha mẹ gặp khó khăn trong công việc, hãy thể hiện cho con biết mình đang cố gắng vượt qua như thế nào. Điều này sẽ dạy còn biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”, bà Hường nhấn mạnh.

Cảm xúc nên vừa đủ

EQ được xác định là quá trình xử lí cảm xúc của bản thân, sử dụng những thông tin cảm xúc này để phô bày hành động thích hợp khi có những tình huống xuất hiện. Khi người nào đó phản ứng mà không có quá trình xử lí các cảm xúc này thì hành động đó sẽ không phù hợp với cảm xúc. Theo nhiều nghiên cứu, những tội phạm nguy hiểm thường hành động theo loại này. Trẻ phạm pháp thường sống trong một gia đình không gương mẫu về đạo đức, có một tuổi thơ chìm trong bạo lực. Vì thế, trẻ không có khả năng điều khiển cảm xúc của bản thân, luôn chán nản và thiếu nhiệt tình với bất kì điều gì.

Ngày nay, với sự phát triển rộng rãi của các kênh thông tin, sự phát triển của giáo dục đem đến một sự thật rằng, bé thường có xu hướng chỉ số thông minh cao hơn chỉ số cảm xúc. Nhưng nếu cha mẹ không biết cách cân bằng sẽ khiến con dễ thất bại, nhất là với trẻ có chỉ số IQ cao nhưng EQ lại thấp. Bởi chỉ cần một thất bại nhỏ trong học tập hoặc không đạt được kì vọng thì sẽ có những suy nghĩ tiêu cực.

TS Lê Thu Thủy – Viện Nghiên cứu tâm lý trẻ em - cho rằng, nhiều cha mẹ thường chán nản khi mọi thứ không thành công ngay từ lần đầu tiên họ dạy con. Ngày nay nhiều trẻ em thường phản ứng theo cảm tính cá nhân, dễ nổi cáu và không biết kiềm chế bản thân. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con cách tiết chế cảm xúc, hình thành lối ứng xử tốt đẹp và hòa nhập với những người xung quanh.

Cảm xúc luôn cần được tiết chế ở mọi dạng. Vui quá cũng ảnh hưởng không tốt, mà buồn quá cũng vậy, kể cả sợ hãi. Vì thế, con người cần biết điều chỉnh những cảm xúc của mình, tránh việc biểu hiện ra thành hành vi ứng xử đối với người xung quanh, cảm xúc luôn luôn phải là vừa đủ.

“Một đứa trẻ tức giận không phải là người xấu. Chẳng qua là chúng chưa thể hoặc chưa học được cách kiềm chế cảm xúc và kiểm soát bản thân. Do đó, trong quá trình giúp trẻ học các kĩ năng này, cha mẹ hãy chấp nhận những cảm xúc và thể hiện sự đồng cảm với trẻ” – TS Lê Thu Thủy cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.