REGN-CoV2: “Vũ khí mới” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

GD&TĐ - REGN-CoV2 chứa hai kháng thể đơn dòng. Các kháng thể sau khi được tiêm vào bệnh nhân sẽ liên kết với SARS-CoV-2 và ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào.

REGN-CoV2 được đánh giá giúp giảm nguy cơ bệnh nặng ở người mắc Covid-19.
REGN-CoV2 được đánh giá giúp giảm nguy cơ bệnh nặng ở người mắc Covid-19.

Ngăn bệnh nặng

Theo TS.DS Tạ Thanh Sơn - Tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức), REGN-CoV2 được sản xuất bởi Regeneron, bao gồm hai kháng thể casirivimab và imdevimab.

"REGN-CoV2 chứa hai kháng thể đơn dòng. Các kháng thể đơn dòng được sản xuất trong phòng thí nghiệm có cấu trúc đồng nhất và tấn công virus tại protein gai, còn được gọi là peplomer.

Những protein gai này sẽ giúp virus gắn lên protein thụ thể của tế bào người và bắt đầu tiến trình xâm nhập. Các kháng thể sau khi được tiêm vào bệnh nhân sẽ liên kết với virus SARS-CoV-2 và ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào", TS Sơn giải thích.

Theo chuyên gia này, REGN-CoV2 hoạt động như một loại vắc-xin thụ động. Việc sử dụng các kháng thể này có thể giúp những bệnh nhân nguy cơ cao trong giai đoạn đầu ngăn chặn bệnh nặng. Tuy nhiên, việc tiêm phòng chủ động được cho là tốt hơn.

Sau khi chủng ngừa, cơ thể con người sẽ nhận diện virus và hình thành một hỗn hợp các kháng thể có thể liên kết với virus ở nhiều vị trí khác nhau, được gọi là kháng thể đa dòng. Hỗn hợp các kháng thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn các kháng thể đơn dòng.

"REGN-CoV2 được cấp phép ở Mỹ để điều trị bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ phát triển các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng. Những bệnh nhân đang trong bệnh viện hoặc cần thở oxy không nên dùng thuốc.

Theo Regeneron, những người thử nghiệm mà hệ thống miễn dịch chưa tự sản sinh ra kháng thể chống lại virus được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, vẫn chưa có đủ dữ liệu tổng thể để khẳng định tác dụng của thuốc", TS Sơn dẫn chứng.

Tác dụng phụ không nghiêm trọng

Theo TS.DS Tạ Thanh Sơn, trong một nghiên cứu lâm sàng, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào gia tăng ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc REGN-CoV2 so với nhóm đối chứng.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Huỳnh - Bệnh viện Đại học California Northstate (Mỹ) cho biết, một nghiên cứu được đăng trên NEJM cho thấy kết quả tốt trên 1.505 bệnh nhân chưa từng mắc Covid-19. Họ được chia làm 2 nhóm đối chứng ngẫu nhiên, theo dõi trong vòng 4 tuần để xem nhóm nào mắc Covid-19.

Kết quả là, có 7,8% nhóm giả dược phát bệnh Covid-19. Trong khi đó, tỷ lệ phát bệnh ở nhóm tiêm REGEN-CoV2 là 1,5%. PGS Huỳnh nhận định, điều đó đồng nghĩa rằng, khả năng giảm rủi ro bệnh khi chích thuốc

REGEN-CoV2 là 81%. Chuyên gia này dẫn chứng, vào tháng 6, giai đoạn 3 nghiên cứu RECOVERY tại Anh cho thấy, thuốc REGEN-CoV2 có thể giảm rủi ro tử vong 20%.

REGEN-CoV2 đã được FDA chấp thuận sử dụng khẩn cấp để điều trị Covid-19 nhẹ và vừa vào tháng 6. Song, TS.DS Tạ Thanh Sơn chia sẻ, FDA cảnh báo khả năng nhất định đối với các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, như sốc phản vệ, với hai kháng thể được sử dụng.

Ngoài ra, các tác dụng phụ nghiêm trọng và không mong muốn có thể xảy ra. Bởi, casirivimab và imdevimab vẫn đang được điều tra. Do đó, tất cả các rủi ro có thể chưa được biết hết.

Các tác dụng phụ khác có thể dẫn đến phản ứng liên quan đến truyền dịch, như: Sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nhức đầu, co thắt phế quản, hạ huyết áp, ngứa họng, kích ứng da hoặc chóng mặt.

"REGN-CoV2 chứa các kháng thể đơn dòng và được đánh giá là có tác động tốt trong việc giảm nguy cơ diễn biến nặng của Covid-19. REGN-CoV2 được chỉ định dành cho những người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ đến trung bình.

Ví dụ, những bệnh nhân lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường hoặc béo phì. Các kháng thể phải được truyền vào bệnh nhân qua tĩnh mạch", TS Sơn chia sẻ. Ngoài ra, các phản ứng dị ứng với dịch truyền cũng đã xảy ra ở một số bệnh nhân.  

Tuy nhiên, các tác dụng phụ thường không quá nghiêm trọng và được phân loại là nhẹ đến trung bình. TS Sơn cho biết, thuốc vẫn đang trong quá trình theo dõi và đánh giá bởi các nhà nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...